Công tác xã hội: "Chữ Tâm và vấn đề phi lợi nhuận cần được đặt làm trọng tâm của nghề"

Thứ năm, 06/11/2014 09:07

(ĐCSVN) - Đó là sự chia sẻ từ những người làm nghề công tác xã hội nói chung và đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này khi được hỏi về nghề công tác xã hội, bởi theo ý kiến của họ, đã dấn thân vào nghề này, nếu không làm bằng cái tâm và đặt vấn đề phi lợi nhuận lên hàng đầu thì sẽ rất khó hoàn thành được nhiệm vụ, nghĩa vụ đối với những người có hoàn cảnh khó khăn cũng như sự nhìn nhận từ dư luận và cộng đồng xã hội.
  

 

Bác sỹ Đỗ Hồng Hạnh 

Trong một cuộc trò chuyện mới đây giữa chúng tôi với Bác sỹ, Chuyên gia tâm lý Đỗ Hồng Hạnh, Bệnh viện Bạch mai, vị Bác sỹ này đã có những chia sẻ thật sự tâm đắc rằng: Trong suốt thời gian làm nghề y, với đặc thù bác sỹ tâm lý, chị luôn thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng cũng như mong muốn của những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, đặc biệt là những đối tượng cần sự cảm thông, hỗ trọ từ cộng đồng như: trẻ em khuyết tật, trẻ tự kỷ, bị bạo lực gia đình hay những người phụ nữ yếu thế trong xã hội, người già đơn côi..., chị nhận ra một điều rằng họ luôn cần sự giúp đỡ bằng cái tâm của sự trợ giúp. Đối với nhiều người, đôi khi vấn đề vật chất là điều quan trọng, nhưng với nhiều trường hợp khi tiếp xúc, vị bác sỹ này không  khỏi tâm tư khi nhận được sự chia sẻ từ họ rất cần những tấm lòng, sự sẻ chia và động viên kịp thời.

Bác sỹ Đỗ Hồng Hạnh cũng bộc bạch, bản thân chị đã tiếp xúc và gặp gỡ rất nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần sự trợ giúp về tinh thần, tâm lý sau những cú sốc về tinh thần, thể chất nên thấu hiểu rất rõ về điều này. Kỷ niệm đáng nhớ suốt đời của chị là có lần gặp gỡ một bé gái 6 tuổi bị bạo hành gia đình. Khi đó, bé rất hoảng sợ, tâm lý bất ổn, ngoài nỗi đau về thể chất, thì nỗi đau về tinh thần của bé cũng rất nghiêm trọng, chị đã kiên trì giành nhiều thời gian bên bé, tâm sự, động viên bằng cái tâm, dù ban đầu còn nhiều khó khăn, nhưng rồi bé cũng dần vượt qua nỗi đau này. Do đó, vị bác sỹ này khi được hỏi về những yếu tố cần thiết của người làm nghề công tác xã hội, đã cho rằng cần đạt chữ Tâm lên trên hết, bởi nếu không làm bằng cả tâm hồn và trái tim nhân hậu sẽ khó nhận được sự chia sẻ, hợp tác từ những người có hoàn cảnh khó khăn khi cần giúp đỡ. Với chị, người làm nghề công tác xã hội, ngoài việc trau dồi chuyên môn trong nhiệm vụ cụ thể được giao, thì cũng rất cần xác định cho mình một chữ Tâm đúng nghĩa, điều này sẽ tiếp thêm cho họ ý chí để làm tốt hơn nữa công việc đầy ý nghĩa nhân văn này.

Cùng quan điểm với Bác sỹ, Chuyên gia tâm lý Đỗ Hồng Hạnh, nhưng đối với nhà giáo Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên giảng viên khoa xã hội, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, người đã có thời gian dài làm công tác giảng dạy về các vấn đề xã hội đã cho rằng, ngoài chữ Tâm đối với người làm nghề công tác xã hội, thì cần đặt vấn đề phi lợi nhuận của hoạt động này lên hàng đầu.

 

Nhà giáo Nguyễn Mạnh Hùng 

Theo nhà giáo Nguyễn Mạnh Hùng, do đặc thù nghề công tác xã hội là nghề gắn liền với các hoạt động nhân đạo, đi sâu, đi sát mọi ngóc ngách đời sống xã hội, là hoạt động có ý nghĩa nhân văn cao quý, nên nếu người làm nghề này xác định vấn đề lợi nhuận để làm giàu hay vì mục đích nào khác sẽ không thể coi là người làm nghề chân chính. Bản thân ông cũng đã từng tiếp xúc với nhiều nhóm đối tượng được trợ giúp xã hội, nên ông hiểu đó là những nhóm người yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những sự trợ giúp kịp thời cả về thể chất và tinh thần là điều đáng trân trọng. Với những người làm nghề công tác xã hội, ngoài vấn đề chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể, thì theo ông, việc giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực cũng là điều vô cùng quan trọng. Thời gian qua Đảng, Nhà nước và rất nhiều các tổ chức, cá nhân đã không ngừng nỗ lực, cố gắng hỗ trợ rất nhiều, kịp thời tới những nhóm đối tượng cần trợ về cơ sở vật chất, tinh thần nên cũng phần nào cũng giúp động viên chia sẻ kịp thời tới họ. Do đó, theo quan điểm của ông, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi xác định sự hỗ trợ, giúp đỡ của mình đối với các vấn đề trợ giúp đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội thì dứt khoát không nên đặt vấn đề lợi nhuận khi triển khai các hoạt động trợ giúp, vì công tác xã hội là ngành cần lắm những trái tim nhân ái, bao dung và độ lượng.

"Muốn làm tốt nghề công tác xã hội, thì người làm nghề và tổ chức, cá nhân thực hiện sự trợ giúp cần xác đinh mục đích là làm vì sự phát triển hài hòa, tạo dựng giá trị nhân văn và không nên đạt vấn đề lợi nhuận khi triển khai các hoạt động hỗ trợ" là ý kiến góp ý, chia sẻ của chị Đỗ Thu Huyền, cán bộ Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) khi có cuộc trao đổi ngắn với chúng tôi về đặc thù nghề công tác xã hội.

 

Chị Đỗ Thu Huyền

Theo chị Huyền, với những nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, yếu thế trong xã hội, thì không những họ cần sự trợ giúp kịp thời về vật chất mà sự động viên kịp thời về tinh thần cũng rất quan trọng. Đối với nhiều người, nhiều quan điểm cho rằng, người cần trợ giúp xã hôi là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng theo chị, vẫn có rất nhiều trường hợp đặc biệt, thậm chí rất đặc biệt ở chỗ, họ có hoàn cảnh vật chất rất đầy đủ, thỏa mãn đời sống tốt hơn rất nhiều người nhưng cái họ cần là sụ trợ giúp, hỗ trợ về tinh thần là rất lớn. Do đó, nếu không xác định được cái tâm với nghề này, thì người làm nghề sẽ không thể có sự cảm thông sâu sắc khi thực hiện nhiệm vụ được giao, khó hoàn thành tốt được công việc.

Thậm chí, cũng cần xác định rằng, nhóm đối tượng cần sự trợ giúp xã hội thường có tâm lý khá thu mình, rụt rè khi tiếp xúc, nên cũng rất cần quá trình trợ giúp bền bỉ, cần mẫn để có thể làm tốt vai trò là cầu nối giữa họ và các cơ quan chức năng khi thực hiện công tác này. Trên cơ sở đó, người làm nghề công tác xã hội rất cần có cái tâm trong sáng, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bằng tấm lòng chân thành, điều này sẽ giúp họ hoàn thiện hơn kỹ năng chuyên môn khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cũng theo chị Huyền, tổ chức, cá nhân khi thực hiện sự trợ giúp cũng cần đặt vấn đề phi lợi nhuận đối với hoạt động này, bởi đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn, vì sự phát triển con người. Do đó, cá nhân chị cho rằng khi thực hiện công tác trợ giúp, hỗ trợ công tác xã hội, thì dứt khoát cần có quan điểm rõ ràng: Không lợi nhuận đối với hoạt động này. Đây cũng là quan điểm của những người làm công tác quản lý nhà nước nói chung và định hướng hoạt động nói riêng đối với công tác này, đồng thời sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho công tác quản lý, định hướng nghề, góp phần thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn  nữa trong thời gian tới.

Có thể thấy, hiện nghề công tác xã hôi tuy còn gặp nhiều khó khăn, song nếu được các cấp, các ngành và cá nhân quan tâm giúp đỡ bằng vật chất cũng như tinh thần, trong đó đặc biệt là chữ "Tâm" và vấn đề phi lợi nhuận khi thực hiện sẽ góp phần tạo điều kiện cho nhóm người có hoàn cảnh khó khăn, nhóm người yếu thế trong xã hội vượt qua nỗi bất hạnh để vững bước hòa nhập cộng đồng, giúp họ có thể thực hiện ước mơ, được sống, được làm việc và cống hiến như mọi người bình thường khác./.
 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực