Khánh Hòa: Tiếp tục nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội

Thứ hai, 06/10/2014 14:42

(ĐCSVN) - Triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Khánh Hòa đặt ra mục tiêu: Phát triển và nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội. Ước tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 475.300 người cần sự hỗ trợ dịch vụ công tác xã hội (bao gồm cả đối tượng cần hỗ trợ thường xuyên và không thường xuyên).

Khánh Hòa hiện có gần 300.000 người đang được và cần hỗ trợ các dịch vụ xã hội, chiếm gần 30% dân số của tỉnh. Trong đó, có hơn 19.000 người khuyết tật; 2.500 trẻ mồ côi; 15.000 đối tượng bảo trợ xã hội được nhận trợ cấp hàng tháng; hơn 89.000 người cao tuổi; hơn 100.000 người thuộc diện hộ nghèo; 30.000 đối tượng chính sách ưu đãi người có công và hơn 100.000 người phải sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn cần sự cứu trợ kịp thời của xã hội. Ngoài ra, còn hàng chục nghìn cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp như ly hôn, bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ lang thang cơ nhỡ, ma túy, trộm cắp, tội phạm... Tất cả những đối tượng và hoàn cảnh nêu trên đều cần có sự can thiệp giúp đỡ của người làm nghề công tác xã hội. Nhu cầu thì rất lớn, thế nhưng để đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho các đối tượng trên thì còn rất khiêm tốn.

Theo thống kê, Khánh Hòa hiện có 5 cơ sở bảo trợ xã hội công lập hiện đang nuôi dưỡng 369 đối tượng, trong đó có 96 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi; 90 trẻ khuyết tật; 105 người khuyết tật thần kinh, tâm thần; 33 người khuyết tật; 23 người cao tuổi và 22 người lang thang xin ăn. 3 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập hiện đang nuôi dưỡng 430 đối tượng, trong đó có 331 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, hoàn cảnh khó khăn; 73 trẻ khuyết tật; 3 người khuyết tật; 23 người cao tuổi không nơi nương tựa. Các cơ sở này đều đảm bảo quy trình tiếp nhận, quản lý và chăm sóc đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có 2 cơ sở là Trung tâm bảo trợ xã hội huyện Khánh Vĩnh và huyện Khánh Sơn do mới thành lập nên công tác quản lý hồ sơ cá nhân chưa đảm bảo. Một số đối tượng còn thiếu quyết định tiếp nhận, giấy khai sinh, công tác nuôi dạy trẻ em chưa tốt, chưa quan tâm đến việc học hành của các em. Hiện 2 cơ sở này đã khắc phục những thiếu sót trên. Đối với Trung tâm bảo trợ xã hội Tỉnh, do diện tích dành để chăm sóc cho hơn 100 người tâm thần quá chật hẹp nên đã ảnh hưởng đến điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc theo tiêu chuẩn quy định.

 Đoàn khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa khám bệnh, phát thuốc miễn phí
 cho các hộ nghèo  tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm
 trong đợt tổ chức Hội trại Công tác xã hội. Nguồn: ktv.org.vn


Trước nhu cầu thực tế,
UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả nghề CTXH; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, làm thay đổi cơ bản nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về tầm quan trọng của nghề CTXH; đồng thời đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Giai đoạn 2011 - 2015, cùng với công tác tuyên truyền là xây dựng đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp; đến cuối năm 2013, 100% xã, phường, thị trấn có 1 nhân viên CTXH không chuyên trách; đào tạo nghề CTXH cho 195 người; tập huấn nâng cao kỹ năng thực hành CTXH cho khoảng 885 cán bộ, công chức, viên chức/năm; phát triển mạng lưới các cơ sở dịch vụ CTXH. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 4 trung tâm bảo trợ xã hội đặt tại các huyện, thị xã, thành phố và tạo điều kiện phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập; xây dựng thí điểm 1 trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, tăng số lượng viên chức, nhân viên CTXH; đến cuối năm 2020, mỗi xã, phường, thị trấn có 1 nhân viên và 1 cộng tác viên CTXH; đào tạo nghề CTXH cho 205 viên chức, nhân viên đảm bảo trình độ từ trung cấp trở lên; nâng cao năng lực thực hiện CTXH cho khoảng 965 người/năm; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia nghề CTXH và cung cấp dịch vụ CTXH.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các tổ chức đoàn thể, Khánh Hòa đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức và các tầng lớp nhân dân hiểu về nghề CTXH và nhu cầu bức thiết của xã hội hiện nay đối với nghề CTXH. Qua công tác tuyên truyền đã giúp các đối tượng yếu thế trong cộng đồng tiếp cận và biết sử dụng dịch vụ CTXH, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả CTXH trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, việc tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH được coi là nhiệm vụ quan trọng, bước đầu triển khai có kết quả. Trong năm vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức 4 lớp tập huấn ở 9 huyện, thị xã, thành phố cho hơn 300 cán bộ ở các lĩnh vực: công tác thương binh, xã hội, dân số - gia đình - trẻ em, hội chữ thập đỏ... cấp xã, phường, thị trấn. Đây chính là nhân viên kiêm nhiệm, cộng tác viên CTXH ở cơ sở. Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết: Qua các lớp tập huấn, cán bộ, nhân viên được trang bị kiến thức và kỹ năng về CTXH, có khả năng giải quyết và ứng phó những vấn đề, tình huống xã hội diễn ra trong cuộc sống; giúp đỡ các đối tượng xã hội gặp khó khăn như người già neo đơn, người khuyết tật, người vô gia cư, trẻ em mồ côi, đối tượng nghiện ma túy, mại dâm... đưa ra hoặc tư vấn cho họ các dịch vụ xã hội chăm sóc, phục hồi giúp họ sớm trở về với gia đình và hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, giúp các đối tượng tiếp nhận và sử dụng các dịch vụ trợ giúp xã hội một cách chủ động hơn, từng bước nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực