Nghệ An: Cần tăng chất và lượng nguồn nhân lực công tác xã hội

Thứ năm, 25/09/2014 08:23

(ĐCSVN) - Công tác chăm sóc, trợ giúp những người yếu thế hay còn gọi là nghề Công tác xã hội đã và đang được các cấp chính quyền, các ngành, các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh Nghệ An quan tâm và từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, nhân lực tham gia hoạt động này ở Nghệ An vẫn còn thiếu so với nhu cầu.

Tỉnh Nghệ An có 164.290 hộ nghèo chiếm 22,89% dân số, 98.538 hộ cận nghèo chiếm 13,45% dân số; 68.679 nghìn người cao tuổi, 203.864 nghìn người khuyết tật, 4.631 người tâm thần, 824.782 trẻ em, trong đó có 32.524 nghìn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm: 17.122 trẻ em mồ côi bị bỏ rơi; 12.978 trẻ em khuyết tật, tàn tật; 61 trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS; 59 trẻ em lang thang; 135 trẻ em bị xâm hại tình dục; 97 trẻ em nghiện ma túy; 458 trẻ em vi phạm pháp luật bị đưa vào trường giáo dưỡng; 1.088 trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học; 526 trẻ em phải làm việc nặng nhọc trong môi trường độc hại nguy hiểm và làm việc xa gia đình. Số trẻ em dưới 16 tuổi sống trong gia đình nghèo là 165.739 em.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An còn nhiều đối tượng khác cũng cần các dịch vụ tham vấn và hỗ trợ xã hội như: người nghiện ma túy, mại dâm, người nghiện chất gây nghiện, thương binh, người có công, bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, mất đoàn kết trong gia đình…

Cán bộ y tế đang khám cho trẻ em tại các xã thuộc huyện Đô Lương,
Nghệ An. Nguồn ảnh: nghean24h.vn


Được biết, hiện tại trên toàn tỉnh Nghệ An có 16 cơ sở trung tâm bảo trở xã hội, trong đó có 12 cơ sở công lập và 4 cơ sở ngoài công lập. Đây cũng là những cơ sở cần có sự tham gia làm việc của nhân viên công tác xã hội để hỗ trợ cho các đối tượng của trung tâm một cách hiệu quả nhất.

Về thực trạng cán bộ xã hội tại Nghệ An hiện nay, hầu hết cán bộ xã hội đang thực hiện công tác trợ giúp, chăm sóc và bảo vệ các đối tượng là: trẻ em, người khuyết tật, hôn nhân và gia đình, mại dâm, sức khỏe tâm thần, HIV/AIDS, lạm dụng chất nghiện, nghèo đói, người cao tuổi… Số cán bộ được đào tạo đúng chuyên môn là rất nhỏ, chủ yếu qua những lớp ngắn hạn về công tác xã hội. Số cán bộ đã qua các khóa tập huấn công tác xã hội cũng không nhiều, chỉ chiếm khoảng hơn một nửa. Mặc dù thâm niên công tác của họ tương đối cao nhưng chuyên môn nghiệp vụ đào tạo của họ lại rải rác ở nhiều lĩnh vực: y tế, điều dưỡng, giáo dục, luật, xã hội học, kế toán và thậm chí là nông nghiệp. Chính vì vậy, họ rất cần được đào tạo hay tập huấn nâng cao về công tác xã hội. Điều này cho thấy, nguồn nhân lực nghề công tác xã hội hiện có, kể cả số lượng và chất lượng của tỉnh chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng và để đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, đảm bảo xã hội phát triển bền vững.

Như vậy, tính theo số nhân viên công tác xã hội trên đầu dân thì cứ 10.000 dân mới có 1 cán bộ làm công tác xã hội chuyên nghiệp và cứ 20.000 dân mới có 1 cán bộ làm công tác xã hội bán chuyên nghiệp. Như vậy, so với dân số của tỉnh hiện nay thì Nghệ An cần hơn 300 nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp và hơn 150 nhân viên công tác xã hội bán chuyên nghiệp, chưa kể tới đội ngũ làm công tác xã hội chuyên trách khối phố, làng và cộng tác viên công tác xã hội.

Chính vì thế, trong thời gian tới tỉnh Nghệ An xác định cần tiếp tục tăng cường sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo; thu hút thêm nhiều sinh viên được đào tạo có đầy đủ kiến thức, phẩm chất đạo đức, được thực hành công tác xã hội, có tinh thần nhiệt huyết và lòng yêu nghề công tác xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực