Nghệ An: Hỗ trợ người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội

Thứ năm, 25/09/2014 14:31

(ĐCSVN)  Tạo môi trường thân thiện để người khuyết tật (NKT) có khả năng tiếp cận đến hệ thống chính sách và các dịch vụ; hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội… là những mục tiêu chính của Đề án trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 – 2020.

 

Trợ giúp NKT tham gia giao thông. Ảnh: chinhphu.vn

Theo Đề án này, Nghệ An phấn đấu trong giai đoạn 2013 – 2015, hàng năm 70% NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 70% NKT trong độ tuổi, có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; 50% NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương.

Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh tiếp tục phấn đấu đạt tỉ lệ: 100% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. Cùng với đó, 50% NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; 30% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; 40% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động và luyện tập thể dục, thể thao; 100% NKT được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu…

Trên cơ sở những mục tiêu này, Đề án đưa ra 6 nhóm giải pháp thực hiện, gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về NKT; đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp NKT, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp NKT; đề cao vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc trợ giúp NKT; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trên các lĩnh vực phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho NKT; tổ chức thực hiện tốt các hoạt động, chính sách trợ giúp NKT ở các cấp theo quy định của pháp luật đảm bảo tính chính xác, công bằng, minh bạch và hiệu quả; tăng cường công tác giám sát, đánh giá.

Cũng theo Đề án, ngân sách để thực hiện các hoạt động của Đề án được bố trí từ dự toán chi thường xuyên hàng năm của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình, Đề án liên quan khác theo phân cấp của pháp luật về ngân sách nhà nước. Ngoài ra, kinh phí thực hiện còn được huy động từ nguồn đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực