Nhu cầu nghề công tác xã hội đối với người khuyết tật

Thứ ba, 07/10/2014 14:41

(ĐCSVN) - Người khuyết tật (NKT) là một trong những nhóm đối tượng yếu thế do có sự khiếm khuyết trên cơ thể, dẫn tới sự giảm sút đáng kể trong việc thực hiện các chức năng so với người bình thường. Do vậy, NKT rất cần được tiếp cận thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội để giúp họ phát huy khả năng tự lực, trở nên mạnh mẽ và hòa nhập hơn với cộng đồng.

 

Ngày càng có nhiều người khuyết tật được tạo công ăn việc làm,
giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng (Ảnh: Trần Quỳnh)


Số liệu báo cáo mới đây của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó có 3,6 triệu người là nữ và hơn 5 triệu người sống ở nông thôn, khoảng 1,2 triệu trẻ em khuyết tật (trong đó, gồm các nhóm trẻ khuyết tật nặng, trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ khuyết tật vận động; trẻ khuyết tật ngôn ngữ; trẻ khiếm thính, khiếm thị và các loại khuyết tật khác). Cũng theo báo cáo của các địa phương, tổng số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/2/2010 của Chính phủ đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng là 794.394 người, tại các cơ sở bảo trợ xã hội là 8.218 người, trợ cấp bảo hiểm xã hội là 49.030 người và trợ cấp hàng tháng khác là 229.981 người. Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, người khuyết tật ở Việt Nam chiếm khoảng 10% dân số, tương đương 8,6 triệu người, trong đó khoảng 2 triệu là trẻ em. Tỷ lệ khuyết tật trên tổng dân số dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng lên nhiều do những nguyên nhân phát triển xã hội, tai nạn, ô nhiễm môi trường…

Mặc dù đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ dành cho nhóm đối tượng đặc biệt này, nhưng trên thực tế, có một vấn đề NKT đang gặp phải, điển hình là sự biệt đối xử; hơn nữa, số đông NKT chưa biết hoặc chưa có điều kiện, khả năng tiếp cận, hiểu biết về những chính sách ưu đãi dành cho họ..., điều đó đã dẫn đến khả năng hòa nhập và phát triển của NKT bị hạn chế. Do vậy, rất cần sự giúp đỡ của đội ngũ nhân viên công tác xã hội (CTXH), giúp họ tiếp cận với các nguồn lực, tư vấn cho họ phát huy khả năng, trình độ để trở nên mạnh mẽ hơn, tự tin sống độc lập, hòa nhập cộng đồng và tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, có cơ hội được lao động, học tập như những người bình thường. Nói cách khác, nhân viên CTXH có vai trò và trách nhiệm quan trọng trong việc tạo ra sự thay đổi tích cực đối với đời sống của NKT, thúc đẩy môi trường xã hội, bao gồm chính sách, pháp luật, cộng đồng thân thiện để NKT dễ dàng hòa nhập; tư vấn, giới thiệu những chính sách an sinh xã hội mà NKT được hưởng…

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, NKT là vấn đề xã hội lớn, tác động đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội. Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho NKT thông qua việc ban hành một hệ thống luật và các chính sách trợ giúp, nhất là trong lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm, góp phần tạo điều kiện để NKT ổn định cuộc sống, hòa nhập tốt với cộng đồng xã hội. Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, nếu nghề CTXH được phát triển chuyên nghiệp cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ NKT tiếp cận được với các dịch vụ cơ bản.

Trong khi đó, CTXH là một nghề mới ở nước ta và là mô hình hoạt động chuyên môn hiệu quả hướng đến trao quyền và nâng cao chất lượng sống của các đối tượng yếu thế, trong đó có NKT. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để hỗ trợ, tư vấn, giảm sự kỳ thị, phân biệt với những NKT, cần hình thành và phát triển hệ thống CTXH chuyên nghiệp từ cấp cơ sở; tuy nhiên hiện công tác này đang phải đối mặt với những cơ hội và thách thức rất lớn, như: mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, tính xã hội hóa chưa cao, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức ngoài công lập. Các dịch vụ CTXH chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn hạn chế; năng lực cung cấp dịch vụ CTXH và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, chưa dựa vào cộng đồng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và chưa chuyên nghiệp; đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ…

Bởi vậy, để xây dựng mô hình CTXH cho NKT có tính bền vững và hiệu quả cao, nhất thiết phải xây dựng đội ngũ nhân viên CTXH có kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp, sự linh hoạt cần thiết trong hoạt động thực tiễn, cùng với đó, phải có vốn kiến thức nhất định về vấn đề khuyết tật, các hệ thống chính sách, dịch vụ xã hội hiện hành dành cho NKT… Nghề CTXH phát triển cũng sẽ tạo cơ sở cho việc đào tạo, sử dụng, tuyển dụng các sinh viên công tác xã hội vào đúng vị trí công tác chuyên môn, từng bước chuyên nghiệp hóa nghề CTXH ở nước ta và thúc đẩy phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ CTXH./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực