Những người làm CTXH: "Nghề" đã gắn liền với "Nghiệp"

Thứ tư, 12/11/2014 09:00

(ĐCSVN) - Công tác xã hội (CTXH) là những hoạt động phát hiện và giúp đỡ những cá nhân, nhóm người gặp khó khăn… nhằm giúp họ vượt qua những rào cản của cuộc sống, giảm thiểu sự bất bình đẳng trong xã hội và giúp họ phát triển, hoà nhập với cộng đồng một cách tích cực nhất. Thực tiễn đã thừa nhận, mặc dù còn nhiều khó khăn cũng như sự nhìn nhận của xã hội còn hạn chế, nhưng rất nhiều người luôn xác định đã làm Nghề này thì sẽ gắn liền với Nghiệp của nó.

Trên thế giới hiện nay, CTXH được nhìn nhận như một ngành nghề mang tính chuyên môn với những chức năng cơ bản là ngăn ngừa và khắc phục những vấn đề xã hội, tập trung vào những mối quan tâm và nhu cầu của con người, đồng thời giúp họ vượt qua khó khăn và phát huy tối đa khả năng của bản thân. CTXH tập trung vào ba nhóm hoạt động chính bao gồm CTXH với cá nhân, với nhóm và với cộng đồng.

Thực tiễn Nghề CTXH ở Việt Nam

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 23/3/2010 Phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 (gọi tắt là Đề án 32). Việc Đề án 32 được phê duyệt đã chính thức công nhận một ngành nghề mới ở Việt Nam – nghề Công tác xã hội. Mục tiêu là Đề án 32 là Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

 

 Tất cả những người làm CTXH trước hết đều vì tình thương và lòng nhân ái
(Ảnh: radiovietnam.vn)


Như vậy là Công tác xã hội đã được nhìn nhận như một ngành nghề chính thức. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ nghề nghiệp, vai trò của người làm CTXH tại Việt Nam hiện vẫn chưa có sự tôn vinh cần thiết, trong khi các vấn đề xã hội luôn đặt ra những thách thức không nhỏ cho cuộc sống. Hiện nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện đang rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, trợ giúp cho đối tượng; cơ sở vật chất của nhiều trung tâm trợ giúp xã hội được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp; dụng cụ y tế, trang thiết bị cần thiết để phục hồi chức năng còn rất thiếu. Hầu hết các cơ sở trợ giúp xã hội có chức năng chủ yếu là nuôi dưỡng tập trung các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu các dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm, trị liệu, chăm sóc, trợ giúp và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng. Các cơ sở chăm sóc chuyên biệt người cao tuổi, cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật còn thiếu ở các địa phương; các cơ sở trợ giúp xã hội hoạt động thiếu sự liên kết, kết nối đa ngành. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức và nhân viên công tác xã hội làm việc tại các cơ sở còn nhiều hạn chế, phần lớn các cán bộ nhân viên này chưa qua đào tạo hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau, làm việc không đúng ngành, nghề đào tạo (75% cán bộ, nhân viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội làm việc không đúng chuyên ngành, 30% chưa được đào tạo)...

Trong khi đó, xã hội đang có một số lượng khá lớn những đối tượng có nhu cầu cần cầu trợ giúp xã hội. Theo thống kê mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, số người cần trợ giúp xã hội trên cả nước khá lớn, chiếm trên 20% tổng dân số, trong đó có 8,5 triệu người cao tuổi, 6,7 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 9,6% hộ nghèo, 6,57% hộ cận nghèo, hơn 180.000 người nhiễm HIV được phát hiện, gần 170.000 người nghiện ma tuý, hơn 15.000 người bán dâm; khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình; khoảng 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và một số nhóm đối tượng cần trợ giúp khác.

Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đa phần cán bộ nghề CTXH đã gắn với “Nghiệp”.

Đúng là nghề CTXH ở Việt Nam vì mới được công nhận và phát triển nên còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hầu hết cán bộ làm CTXH trong hệ thống các cơ quan nhà nước hay những người tình nguyện đều đã xác định sẽ gắn bó lâu dài với nghề, coi đó là “nghiệp” của họ.

Trước hết, nếu không vì cái tâm với cộng đồng thì khó có thể giữ chân được lâu dài những người làm CTXH cống hiến hết mình với nghề này. Hay nếu chỉ lo chuyện cơm áo, gạo tiền thì cũng khó thu hút và phát triển được lực lượng những người làm CTXH. Đơn cử như Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH thành phố Đà Nẵng. Hiện, Trung tâm đang hoạt động với đội ngũ nguồn nhân lực rất hạn hẹp, chỉ với 8 cán bộ, nhân viên, trong đó có 4 cán bộ chuyên trách hưởng lương từ ngân sách, 2 nhân viên hợp đồng, 2 nhân viên làm việc theo chế độ cộng tác viên đặc biệt, hoàn toàn không có lương mà thu nhập chính chỉ dựa vào tiền công của các Dự án nước ngoài trả cho mỗi ca trợ giúp xã hội được thực hiện thành công. Tuy vậy, từ ngày mới thành lập cho đến nay, Trung tâm đã phát triển được mạng lưới 70 cộng tác viên tại tất cả 56 xã, phường trên địa bàn thành phố, trợ giúp cho hàng nghìn đối tượng yếu thế; đặc biệt trong đó đã có trên 3.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ có nguy cơ bỏ học, trẻ vi phạm pháp luật, trẻ lang thang, trẻ mồ côi… nhận được sự can thiệp, trợ giúp của mạng lưới cộng tác viên xã, phường. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em tại cộng đồng, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đang được nuôi dưỡng trong các cơ sở xã hội như Làng SOS, Làng Hy Vọng.

Có được kết quả ấy chính là nhờ vào chính sự gắn bó với nghề của những người làm CTXH ở Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng. Nữ cán bộ trẻ Quách Nguyễn Huyền Hà là một ví dụ điển hình. Hà sinh năm 1990, quê ở Quy Nhơn (Bình Định), tốt nghiệp khoa Công tác xã hội Trường Đại học Quy Nhơn. Năm 2011, ngay sau khi tốt nghiệp ra trường, Hà đã đầu quân đến Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH của thành phố Đà Nẵng. Bước vào nghề và va vấp với thực tế đã cho Hà thấy rằng những khó khăn ở ngoài đời còn hơn cả những gì cô được học ở trong trường và hơn những gì cô tưởng tượng. Nhưng Hà đã tâm sự rằng dù mới bước chân vào nghề, xong cô đã sớm nhận thức và tỏ rõ quyết tâm sẽ gắn bó lâu dài với nghề này, bởi lẽ càng tiếp xúc với những đối tượng được trợ giúp, cô càng thêm đồng cảm với hoàn cảnh của họ, đồng cảm với những khó khăn trong cuộc sống. Chính qua những trường hợp người được trợ giúp tự mình vươn lên thoát khỏi cảnh khó khăn đã trở thành những bài học sinh động giúp cô vững tâm hơn và gắn bó với nghề CTXH.

  

Quách Nguyễn Huyền Hà, cán bộ trẻ của Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng
không quản ngại khó khăn thường xuyên xuống cơ sở hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng
 cần trợ giúp (Ảnh: Trần Quỳnh)


Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH thành phố Đà Nẵng với những cá nhân ở đó chỉ là một trong những ví dụ điển hình minh chứng cho thấy rằng đúng là nghề CTXH với nhiều người đã được coi như một cái nghiệp. Còn nhiều ví dụ khác, nhưng tựu chung lại, những người làm CTXH đều vô tư trước lợi ích cá nhân, xuất phát từ họ là tấm lòng nhân ái và quan điểm phi lợi nhuận. Họ đau nỗi đau của người bệnh, họ xót cho cái nghèo của người nghèo, họ trăn trở cho những khó khăn của người khuyết tật, họ bất bình trước sự bất công nào đó bởi những thế lực “vô hình” mà những người yếu thế phải đối diện. Và cứ thế, những người làm CTXH đến với công việc này bằng cái tâm trong sáng, sự đồng cảm và sẻ chia với cộng đồng.

Cần có thêm nhiều chính sách để giúp cán bộ CTXH gắn bó với nghề

Tuy mới hình thành, nhưng nhiều người làm nghề CTXH đã coi đó như một “nghiệp” của mình và quyết tâm gắn bó lâu dài. Nhưng họ cũng cần có những hỗ trợ cụ thể từ Đảng, Nhà nước, các cấp quản lý, ngành chức năng cả về tinh thần và vật chất, đặc biệt là khung pháp lý và chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực.

Riêng với giải pháp thu hút và phát triển nguồn nhân lực cho nghề CTXH, trước tiên cần xác định rõ vị trí làm việc và tiêu chuẩn hoá một số chức danh cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội thuộc khối cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; một số chức danh ở các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, một số tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức phi chính phủ có liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH phải đạt trình độ đào tạo đại học hoặc cao đẳng về CTXH. Phải ưu tiên tuyển dụng những người được đào tạo cơ bản có trình độ đại học, cao đẳng về CTXH vào các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp, ngành, cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, để họ có cơ hội sử dụng những kiến thức đã học vào thực tế công tác.

Tiếp theo là tạo khung pháp lý để phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH kể cả khu vực nhà nước và tư nhân, qua đó thu hút được những người qua đào tạo cơ bản về CTXH vào làm việc, khắc phục tình trạng học một nghề ra làm nghề khác, hạn chế tình trạng lãng phí nguồn nhân lực quý giá này. Việc hành nghề tự do cung cấp dịch vụ CTXH với tư cách là nhà tham vấn, tác nhân phát triển cộng đồng, nhà nghiên cứu khoa học để sử dụng số cán bộ được đào tạo cơ bản này thật sự hiệu quả... cũng cần có hành lang pháp lý rõ ràng.

Hy vọng rằng, với những kế hoạch cụ thể nêu trên, trong thời gian tới, nghề CTXH sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp đóng góp quan trọng cho công tác an sinh xã hội, bồi đắp thêm truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực