Sự cần thiết phải phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội

Thứ năm, 02/10/2014 14:42

(ĐCSVN) - Với số lượng người cần trợ giúp xã hội khá lớn, việc quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội là rất cần thiết. Hiện nay, trên khắp cả nước mới chỉ có 432 cơ sở trợ giúp xã hội, mạng lưới như vậy là còn quá nhỏ bé, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của hàng triệu người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Đối tượng cần trợ giúp xã hội là rất lớn

Theo thống kê mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, số người cần trợ giúp xã hội trên cả nước khá lớn, chiếm trên 20% tổng dân số, trong đó có 8,5 triệu người cao tuổi, 6,7 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 9,6% hộ nghèo, 6,57% hộ cận nghèo, hơn 180.000 người nhiễm HIV được phát hiện, gần 170.000 người nghiện ma tuý, hơn 15.000 người bán dâm; khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình; khoảng 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và một số nhóm đối tượng cần trợ giúp khác.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đời sống các đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: “Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo; cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân”.

Đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc trợ giúp, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội được xây dựng, ban hành. Đây là những cơ sở pháp lý giúp cho hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội.

Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng đã bước đầu đạt được một số thành tựu nhất định. Hiện có khoảng 42.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại 432 cơ sở trợ giúp xã hội; có 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và triển khai Đề án thành lập trung tâm công tác xã hội nhằm cung cấp các dịch vụ thu nhận thông tin, đánh giá nhu cầu, phân loại và chuyển tuyến dịch vụ, cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, hỗ trợ thụ hưởng các chính sách trợ giúp, phát triển cộng đồng, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, chăm sóc khẩn cấp cho hàng ngàn đối tượng.

Bên cạnh đó, một số mô hình tốt về chăm sóc, trợ giúp cho người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em và đối tượng bảo trợ xã hội khác đã được xây dựng, hoạt động hiệu quả tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bến Tre, Long An, Nghệ An, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh... Điển hình như ở Đà Nẵng đã thành lập được Trung tâm cung cấp dịch vụ nghề công tác xã hội, hoạt động khá hiệu quả. Được thành lập từ tháng 11 năm 2011 đến nay, trung tâm đã phát triển đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm các dịch vụ công tác xã hội rộng khắp đến tận xã, phường trên địa bàn thành phố. Hoạt động của trung tâm đã từng bước góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghề công tác xã hội, truyền tải những kiến thức và kỹ năng cơ bản về công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ ngành lao động - thương binh - xã hội và ngành y tế các cấp, qua đó từng bước cải thiện chất lượng của các cơ sở cung cấp dịch vụ nghề xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

 

 Chăm sóc trẻ bị nhiễm chất độc Da cam/dioxin tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Quỳnh)


Mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội còn thiếu và yếu

Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện đang rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, trợ giúp cho đối tượng; cơ sở vật chất của nhiều cơ sở trợ giúp được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp; dụng cụ y tế, trang thiết bị cần thiết để phục hồi chức năng còn rất thiếu. Hầu hết các cơ sở trợ giúp xã hội có chức năng chủ yếu là nuôi dưỡng tập trung các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu các dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm, trị liệu, chăm sóc, trợ giúp và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng. Các cơ sở chăm sóc chuyên biệt người cao tuổi, cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật còn thiếu ở các địa phương; các cơ sở trợ giúp xã hội hoạt động thiếu sự liên kết, kết nối đa ngành.

Đồng thời, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức và nhân viên công tác xã hội làm việc tại các cơ sở còn nhiều hạn chế, phần lớn các cán bộ nhân viên này chưa qua đào tạo hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau, làm việc không đúng ngành, nghề đào tạo (75% cán bộ, nhân viên tại các cơ sở BTXH làm việc không đúng chuyên ngành, 30% chưa được đào tạo). Vì vậy, năng lực chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở không cao, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay và hội nhập quốc tế.

Cần thiết phải đầu tư, mở rộng mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội

Việc đổi mới hệ thống an sinh xã hội nói chung và mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội nói riêng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 cũng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão”.
 

 

 Nhân viên Trung tâm cung cấp dịch vụ nghề công tác xã hội Đà Nẵng
thăm và tặng quà hỗ trợ tinh thần cho đối tượng xã hội (Ảnh: Trần Quỳnh)


Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội và tiếp cận xu hướng phát triển hệ thống an sinh xã hội của quốc tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và địa phương đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2015 - 2025.

Được biết, Đề án được xây dựng với mục tiêu: 90% người cao tuổi không có người phụng dưỡng và có nhu cầu được trợ giúp, chăm sóc, nuôi dưỡng bởi các cơ sở trợ giúp xã hội; 90% người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng có nhu cầu được trợ giúp, chăm sóc và phục hồi chức năng; 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội phù hợp của các cơ sở trợ giúp xã hội; 50% số nạn nhân của bạo lực gia đình, 100% số nạn nhân bị buôn bán được phát hiện, tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc bởi các cơ sở trợ giúp xã hội; 90% người lang thang được các cơ sở trợ giúp xã hội hỗ trợ hồi gia và hỗ trợ ổn định cuộc sống.

Đề án cũng đề ra mục tiêu hỗ trợ các địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng và nâng công suất phục vụ lên 100 - 300 đối tượng mỗi cơ sở đối với 52 cơ sở trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người khuyết tật; Đầu tư xây dựng ít nhất 3 cơ sở trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người khuyết tật khu vực.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng và nâng công suất phục vụ lên 100 - 300 đối tượng mỗi cơ sở đối với 100 cơ sở trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đầu tư xây dựng ít nhất 3 cơ sở khu vực trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ các địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng và nâng công suất phục vụ lên 100 - 300 đối tượng mỗi cơ sở đối với 108 cơ sở trợ giúp xã hội tổng hợp...

Để thực hiện được các mục tiêu trên, nhóm xây dựng Đề án cũng đưa ra các nhóm giải pháp. Đất đai, xây dựng, vốn, trang thiết bị, tài chính, chuyên môn…

Để đáp ứng nhu cầu phục vụ ở các cơ sở bảo trợ xã hội, diện tích đất tối thiểu của các cơ sở trợ giúp xã hội như sau: Diện tích đất tự nhiên tối thiểu 50 m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 60 m2/ đối tượng ở khu vực miền núi, 40 m2/đối tượng ở khu vực thành thị; Diện tích phòng ở, phòng cung cấp dịch vụ cho đối tượng tối thiểu 8 m2/đối tượng. Đối với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày. Phòng ở, phòng cung cấp dịch vụ được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của đối tượng. Ngoài ra, để phục vụ tốt nhất các đối tượng bảo trợ xã hội, đề án còn đề ra giải pháp hỗ trợ một số cơ sở trợ giúp xã hội về trang thiết bị và xe chuyên dụng để nâng cao năng lực chăm sóc, phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trợ giúp đối tượng hòa nhập cộng đồng; ưu tiên đầu tư mua sắm trang thiết bị thiết yếu để sơ cấp cứu kịp thời, chăm sóc, phục hồi chức năng cho đối tượng…

Để có vốn thực hiện được các mục tiêu trên, Đề án cũng đề ra nhóm giải pháp về vốn, tài chính. Theo đó, nguồn vốn để tăng cường, đầu tư cho các cơ sở bảo trợ xã hội bao gồm vốn sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển và thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án khác. Bên cạnh đó, các cơ sở bảo trợ xã hội được phép thực hiện cơ chế thu phí chăm sóc cung cấp dịch vụ công tác xã hội, nhà nước hỗ trợ sinh hoạt phí cho đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo. Ngoài ra, chúng ta cũng thực hiện xã hội hóa, huy động sự đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc chăm sóc và cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội. Nhà nước khuyến khích vai trò chủ động của cơ sở trong việc tạo nguồn thu như tổ chức lao động trị liệu; tăng gia sản xuất, bảo đảm tự cung, tự cấp rau xanh, thực phẩm tại cơ sở…

Tuy nhiên, bất cứ đề án nào muốn đi đến thành công, thì yếu tố quan trọng nhất phải là con người. Do đó, để có thể giúp đỡ các đối tượng yếu thế của xã hội, cần có sự đồng lòng, chung sức của các cấp, các ngành, của mỗi cá nhân. Bằng tấm lòng nhân ái, sẻ chia, mỗi chúng ta, từ các cấp lãnh đạo đến những người dân bình thường, hãy góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn bằng những hành động cụ thể, thiết thực, mà trước tiên, là hướng đến những đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong xã hội, cùng sẻ chia, giúp đỡ và quan tâm đến họ nhiều hơn./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực