Bảo hộ công dân – điểm sáng trong cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam

Thứ tư, 29/04/2020 16:49
(ĐCSVN) – Đại dịch COVID-19 hiện đã phủ bóng đen lên 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống con người. Những biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã tạo ra nhiều khó khăn và đặt ra thách thức to lớn đối với công tác bảo hộ công dân của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Các công dân Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh tại Sân bay Vân Đồn. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Tuy nhiên, dưới chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời, sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ ngay từ những ngày đầu tiên của dịch bệnh, cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao giữa các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hãng hàng không, các cơ quan truyền thông, báo chí, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trên cả hai mặt trận, từ hành động thực tế cho tới công tác thông tin, truyền thông trong công tác bảo hộ công dân. Những yếu tố này đã tạo được sự cộng hưởng trên báo chí trong và ngoài nước, đưa công tác bảo hộ công dân thành điểm nhấn trong nỗ lực phòng chống dịch của Chính phủ, đưa Việt Nam thành một điểm sáng trong dư luận quốc tế.

Công tác bảo hộ công dân được triển khai kịp thời từ thực tế…

Hiện cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài có hơn 4,5 triệu người. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc cho tới khi lan rộng ra toàn cầu, hàng chục ngàn người Việt Nam đã trở về nước.

Tính đến cuối tháng 04/2020, theo số liệu của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, vẫn còn gần 10.000 công dân đã đăng ký với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được đưa về nước. 

Ngày 25/01/2020, chỉ ba ngày sau khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức chủ động triển khai công tác bảo hộ công dân tại các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong những ngày tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã liên tục có những chỉ đạo giao Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tại và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định số lượng công dân ở các khu vực có dịch, sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết; tích cực động viên, khuyến cáo công dân không về nước khi không thật sự cần thiết, chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch của sở tại; yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài rà soát, khẩn trương có kế hoạch đón công dân Việt Nam đang bị kẹt ở sân bay các nước; đề xuất phương án đưa một số công dân Việt Nam hiện đang ở nước ngoài có nhu cầu về nước, ưu tiên người cao tuổi, người ốm đau, trẻ em dưới 18 tuổi, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cụ thể, chặt chẽ. Tại các cuộc trao đổi với lãnh đạo các nước của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Việt Nam đều đề nghị nước bạn phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng chống dịch, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại yên tâm ổn định cuộc sống, được tiếp cận đầy đủ các điều kiện cần thiết để phòng chống dịch bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hãng hàng không trong nước, các cơ quan chức năng sở tại tiến hành đồng bộ, chủ động, tích cực, toàn diện công tác bảo hộ công dân. Với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, tinh thần “bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, trong bối cảnh dịch bệnh gây ra sự phong tỏa tại hàng loạt quốc gia, công tác bảo hộ công dân tại các cơ quan đại diện vẫn được ưu tiên hàng đầu, trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất, nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đảm bảo sức khỏe cho bà con, đưa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trở về quê hương.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan quốc tế hỗ trợ triển khai  hơn 30 chuyến bay đưa công dân ở các vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh về nước, với hơn 2000 công dân, ghi nhận nguyện vọng của 17.249 công dân. Trên cơ sở nguyện vọng của công dân Việt Nam và điều kiện cách ly tập trung của các địa phương trong nước, nhận được sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các bộ, ban, ngành, địa phương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước, trong đó nổi bật, đáng kể nhất là chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán trở về ngày 10/02/2020.

Vợ chồng  anh Nguyễn Văn Phi tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương ngày 2/3, trước khi hết hạn cách ly. Ảnh: Lộc Chung. 

Chắc hẳn tới giờ chúng ta không thể nào quên câu chuyện về chuyến trở về quê hương đầy bất ngờ và cảm động của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh và anh Nguyễn Văn Phi từ Vũ Hán sau những ngày căng thẳng đối mặt với dịch bệnh. Kể lại hành trình trở về Việt Nam, vợ chồng anh chia sẻ, vào 2h chiều ngày 9/2, họ nhận tin chính phủ Việt Nam đã bố trí một chuyến bay từ Nội Bài sang Vũ Hán đón 30 lưu học sinh và công dân đang mắc kẹt tại đây về nước, dù trước đó tất cả các chuyến bay thương mại đã bị ngừng. Thời điểm đó Trung Quốc đã có hơn 37.000 ca nhiễm và hơn 800 ca tử vong do COVID-19. 

Sau vài phút nụ cười xen lẫn nước mắt, cặp vợ chồng lao vào thu dọn đồ đạc để chuẩn bị trở về Việt Nam. Vì Thanh đang mang bầu những tháng cuối, nên trên chuyến bay có một bác sĩ sản khoa chăm sóc riêng. Về đến sân bay Vân Đồn, cô cũng được di chuyển bằng xe cứu thương thay vì đi xe với đông người phòng trường hợp sinh giữa đường. Tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương ở Đông Anh, đôi vợ chồng được ở một căn phòng cách ly riêng, có cả bàn đẻ, lồng ấp và đầy đủ các trang thiết bị khác sẵn sàng cho trường hợp chuyển dạ.

Sau khi trải qua 21 ngày cách ly yên bình, chiều 2/3, cặp vợ chồng bắt luôn chuyến xe khách về quê Nghệ An và đến thẳng bệnh viên đăng ký sinh. Hai ngày sau Thanh trở dạ. Trong vòng tay chào đón của quê hương, sự ra đời của bé trai nặng 2,7 kg, được đặt tên là Anh Vũ là "trái ngọt" anh chị nhận được sau nhiều ngày phải sống chung với lo âu, căng thẳng tại Vũ Hán.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vợ chồng anh Phi, vẫn còn hàng trăm ngàn công dân bị “kẹt” lại do các quốc gia, vùng lãnh thổ thay đổi quy định về xuất, nhập và quá cảnh, các hãng hàng không thay đổi lịch trình bay. Trong số đó, nhiều công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như trẻ em dưới 18 tuổi, người ốm đau, người cao tuổi, du học sinh không có nơi cư trú do các ký túc xá đóng cửa, người đi khám chữa bệnh, du lịch, làm việc ngắn hạn không thể về nước dù thị thực lưu trú đã hết hạn, người bị “mắc kẹt” tại các sân bay quốc tế do không thể nối chuyến về Việt Nam…Điều đó đòi hỏi chúng ta vẫn phải tiếp tục hành động, nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo đảm rằng, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch. 

Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có 13 chuyến bay của các hãng hàng không vận chuyển công dân Việt Nam từ các "điểm nóng" như: Nhật Bản, Mỹ, Canada, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Singapore... về nước. Trong bối cảnh các đường bay thương mại giữa Việt Nam và quốc tế đều đang tạm dừng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục rà soát, tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, theo tiêu chí ưu tiên trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước.

…đến mặt trận thông tin

Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trả lời tại họp báo trực tuyến ngày 9/4 về một số vấn đề liên quan tới COVID-19. (Ảnh: Nguyễn Hồng) 

Bên cạnh những hành động thực tế, một lĩnh vực cũng rất quan trọng để đảm bảo công tác bảo hộ công dân là công tác thông tin, tuyên truyền. Việc thông tin, tuyên truyền nhanh, đúng, trúng, đủ tới công dân, để công dân hiểu rõ và tin tưởng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân, ủng hộ phối hợp thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân của các cơ quan chức năng trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng và rất cấp thiết.

Tính từ ngày 24/1/2020, Bộ Ngoại giao đã phát đi hơn 50 bản tin bảo hộ công dân; hơn 10 tin phát đối nội đối ngoại; gần 110 câu trả lời của Người Phát ngôn tại Họp báo Thường kỳ cũng như trả lời riêng có liên quan đến đại dịch COVID-19 và công tác bảo hộ công dân. Lãnh đạo Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, người đứng đầu một số Cơ quan Đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã trả lời phỏng vấn, phát biểu trên các tuyến tin, bài, phóng sự được dư luận quan tâm. Báo Thế giới và Việt Nam đã mở chuyên mục, đưa hơn 1.700 tin bài, phỏng vấn hơn 20 Trưởng Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài. Các trang mạng do Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tích cực đăng tải thông tin. Đặc biệt, Bộ Ngoại giao đã chủ động cung cấp thông tin cho một số hãng báo chí lớn trên thế giới, đưa tin tích cực về công tác phòng chống dịch của Việt Nam. Tất cả tạo nên một khối lượng thông tin đồ sộ, to lớn, thống nhất về nội dung, đa dạng về hình thức, mạnh mẽ về thông điệp, cập nhật về thời gian, gửi tới công dân Việt Nam trong và ngoài nước.

Bên cạnh các nỗ lực của Bộ Ngoại giao, công tác thông tin, truyền thông về bảo hộ công dân cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, đặc biệt là các cơ quan báo chí trong nước. Bộ Ngoại giao đã thường xuyên trao đổi với Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng các cơ quan báo chí trong nước đưa tin phù hợp với chủ trương, tránh những thông tin chưa được kiểm chứng, không gây hoang mang cho nhân dân. Những chuyên mục do Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… xây dựng đã phản ánh đa dạng, đầy đủ các chính sách và khuyến cáo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với công dân Việt Nam, nêu bật các nỗ lực bảo hộ công dân của các cơ quan chức năng tạo được sự đồng thuận, đánh giá cao của dư luận trong nước. Báo chí trong nước cũng luôn sát cánh, đồng hành, thường xuyên cập nhật thông tin cho Bộ Ngoại giao, kịp thời chia sẻ thông tin về những vấn đề đang được dư luận quan tâm, qua đó giúp Bộ Ngoại giao chủ động trong thông tin, truyền thông. Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng này đã góp phần hết sức quan trọng vào công tác truyền thông về dịch bệnh của Bộ Ngoại giao nói chung và về công tác bảo hộ công dân nói riêng.

Dịch COVID-19 đang khiến cả thế giới phải điêu đứng. Đối với những con người Việt Nam đang phải sống xa quê hương, thì trên hết đó là sự lo lắng, mong muốn tìm đến được nơi có thể gọi là “nhà”, nơi nỗi niềm của họ được thấu hiểu và giúp đỡ, đó là các cơ quan đại diện ở nước ngoài. Đây cũng là thời điểm để các cơ quan đại diện thể hiện rõ vai trò bảo hộ tốt nhất đối với cộng đồng người Việt ở sở tại, đồng hành với họ vượt qua nỗi sợ hãi và chiến thắng đại dịch.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Mỹ, ngày 10/4, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ  Hà Kim Ngọc đã tham gia chương trình Trao đổi trực tuyến giữa các Cơ quan đại diện Việt Nam, Hội Thanh niên sinh viên (TNSV) Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp hỗ trợ công dân và du học sinh Viêt Nam. Trong cuộc trao đổi, các đại biểu tham dự đều chia sẻ về diễn biến lan rộng và phức tạp của dịch COVID-19, tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống, và du học sinh là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất, để từ đó tìm giải pháp khắc phục. Cho tới nay, Đại sứ quán và các Cơ quan đại diện tại Mỹ đã nhận được gần 1.000 đơn đăng ký nhu cầu về nước và đã chuyển các cơ quan trong nước xem xét, xử lý.

Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ cho biết, Đại sứ quán thường xuyên cập nhật thông tin về các quy định, khuyến cáo của Chính phủ Đức và Việt Nam, đặc biệt là các quy định về xuất nhập cảnh trên website của Đại sứ quán và qua tổng đài lãnh sự, bảo hộ công dân, kịp thời giải đáp các thắc mắc của bà con. Đại sứ quán tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đến làm thủ tục lãnh sự tại Đại sứ quán, cũng như qua đường bưu điện; hạn chế việc bà con phải chờ đợi, tập trung đông người ở khu vực tiếp khách của Đại sứ quán.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam chia sẻ, công việc của các cán bộ sứ quán trong thời gian qua vô cùng bề bộn và căng thẳng. Cán bộ trực bảo hộ công dân thì canh chuông điện thoại 24 giờ các ngày trong tuần. Tại nước sở tại, hàng ngày có hàng trăm công dân có nhu cầu làm các thủ tục, giấy tờ hộ tịch. Sự vất vả, những nỗ lực của Đại sứ quán có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi công dân Việt Nam khi xa Tổ quốc. Mỗi cuộc nói chuyện, mỗi email trả lời cho công dân có ý nghĩa quý giá, giúp cho những người Việt Nam xa nhà yên tâm hơn, họ sẽ cảm thấy ấm lòng, không bị cô đơn. Đất nước luôn bên cạnh các bạn!

Có lẽ rằng chưa bao giờ đất nước "Việt Nam" được truyền thông và bạn bè quốc tế nhắc tới nhiều như thế sau sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Hà Nội vào tháng 2/2019. Trong những ngày qua, các hãng truyền thông lớn trên thế giới như Reuters, CNN, Sputnik...liên tiếp có những bài viết ca ngợi những nỗ lực, sáng kiến và giải mã thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19. Truyền thông quốc tế coi Việt Nam là hình mẫu trong việc phòng chống dịch, trong đó sự minh bạch thông tin được đánh giá là một yếu tố quan trọng, giúp Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của đông đảo quần chúng nhân dân.

Chính sách của Đảng, và Nhà nước, Chính phủ về bảo hộ công dân tại nước ngoài đã giảm bớt gánh nặng lo âu và làm "ấm lòng" những người con xa xứ khi dịch bệnh bùng phát trên khắp ngõ ngách của trái đất. Những điều này đã khiến hàng triệu người dân Việt Nam ở nước ngoài củng cố lòng tin yêu vào đất nước, yên tâm đóng góp, cống hiến, trở lại sinh hoạt xã hội, kinh tế bình thường sau khi dịch đã cơ bản được kiểm soát, góp phần tạo đòn bẩy cho nền kinh tế sớm trở lại quỹ đạo và nắm lấy những cơ hội phát triển đất nước thời hậu dịch COVID-19./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực