Cầu nối gắn kết các doanh nhân Việt ở nước ngoài

Thứ sáu, 19/05/2017 15:55
(ĐCSVN) – Đó là chia sẻ của ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh những hoạt động và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân kiều bào với quê hương.

Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
 (Ảnh: Khánh Linh)

Phóng viên: Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, ông đánh giá thế nào về các chính sách của chúng ta đối với kiều bào?

Ông Peter Hồng:
Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Do vậy, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, trong suốt những năm qua, đặc biệt là với sự ra đời của Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị, hoạt động trong lĩnh vực này đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể. Qua đó, số kiều bào về thăm quê hương, sinh sống và làm việc ở các cơ quan, đơn vị ngày càng nhiều, đầu tư về Việt Nam ngày cũng ngày một gia tăng.

Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, xem kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Việt Nam đã rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới những văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài như: Luật Quốc tịch, đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, pháp lệnh về ngoại hối, các quy định về cư trú,… theo hướng ngày càng thông thoáng và thuận lợi hơn, để bà con mang quốc tịch Việt Nam được cư trú, mua nhà, đầu tư kinh doanh, hợp tác nghiên cứu, giảng dạy... Số lượng kiều bào về nước ngày càng nhiều, đem kinh nghiệm, tài sản về quê hương đầu tư kinh doanh, giới thiệu văn hóa Việt; đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, mở rộng thị trường Việt Nam ra nước ngoài; làm cầu nối giữa Việt Nam với các nước.

Phóng viên:
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới năm 2016 đã đề cập tới những vấn đề rất cụ thể, đúng thời điểm và đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn đối với chiến lược phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp thế nào vào công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố, thưa ông?

Ông Peter Hồng:
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong vòng 12 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước hàng năm đều tăng đáng kể, trung bình 10 – 15%/năm; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có lượng kiều hối gửi về hàng năm chiếm gần 50% tổng lượng kiều hối của cả nước. Dòng tiền này đã góp phần tạo nguồn thu ngoại tệ, ổn định tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối, tăng tính thanh khoản trong thanh toán quốc tế và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Thêm vào đó xuất hiện các mô hình trí thức kiều bào cũng là doanh nhân (doanh nhân – trí thức), vừa giỏi nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, vừa làm quản lý doanh nghiệp có tiềm năng, nắm chắc thông tin và có quan hệ chặt chẽ với thị trường thế giới. Một số cơ sở nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thành công ngay trong nước, kết hợp đầu tư với đào tạo, chuyển giao công nghệ cao, xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp, đóng góp nhiều cho xã hội, thu hút nhiều chuyên gia, trí thức. Tiêu biểu như: Giới thiệu công nghệ vi sinh, xây dựng nhà máy sản xuất dây chuyền lực biến đổi liên tục (dùng trong hộp số tự động của xe hơi), giới thiệu dự án ứng dụng công nghệ plasma xử lý rác…  

Gần đây, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp tham gia đầu tư hoặc làm cầu nối đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh đã có những thành công nhất định ở các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường… Trong số đó, nhiều doanh nhân kiều bào đã trở thành cổ đông chính trong một số ngân hàng lớn tại Việt Nam; đầu tư vào bất động sản, các trung tâm thương mại, sản xuất, nhà hàng, khách sạn và du lịch.

Không chỉ đóng góp về mặt kinh tế, những đóng góp về trí tuệ và chất xám của người Việt Nam ở nước ngoài cũng là một nguồn lực quan trọng góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Hàng năm, ước tính có khoảng 300 lượt chuyên gia kiều bào về nước, trong đó có 55% về làm việc với các cơ quan nhà nước và 45% làm việc với các cơ quan giảng dạy và nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản.

Phóng viên:
Trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

Ông Peter Hồng:
Việt Nam hiện có hơn trên 4,5 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và lao động tại hơn 101 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài về nước tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định đầu tư của kiều bào như đối với nhà đầu tư nước ngoài khiến các doanh nghiệp của họ bị hạn chế. Do đó, nhiều doanh nghiệp kiều bào phải mượn danh nghĩa bạn bè, người thân trong nước để đầu tư, dẫn đến “tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, không huy động được vốn đầu tư lớn”. Đặc biệt, những chính sách về thuế và hải quan vẫn còn nhiều thủ tục nhiêu khê và chồng chéo, gây khó khăn cho việc kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Điều này được các doanh nghiệp kiều bào chia sẻ tại nhiều chương trình đối thoại với các sở, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là chương trình Đối thoại Doanh nghiệp kiều bào do Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức định kỳ mà chúng tôi thường xuyên tham gia.

Các doanh nhân kiều bào với tiềm lực kinh tế lớn đang có xu hướng chuyển nguồn vốn đầu tư về Việt Nam ngày càng cao nhờ các chính sách kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, để khuyến khích kiều bào tiếp tục đầu tư, kinh doanh trong nước lâu dài và bền vững, cần phải minh bạch thông tin, chính sách, đồng thời giải đáp những vướng mắc, cập nhật những thông tin mới để cho các doanh nghiệp kiều bào yên tâm làm ăn, cống hiến.

Tôi vẫn luôn tâm niệm dù làm ăn ở bất cứ đâu, trước mắt, bản thân chúng ta phải làm đúng và hãy làm với cái tâm trong sáng của mình. Trong đầu tư kinh doanh, thời gian được xem là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp nói chung. Tôi cho rằng, đây là thời điểm tốt nhất để các doanh nghiệp kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp kiều bào cho rằng, phần lớn những cản trở trong đầu tư của họ liên quan đến lĩnh vực thuế và hải quan. Từ những vướng mắc, khó khăn trên, sau khi Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chuyển văn phòng vào hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã được lãnh đạo Thành phố quan tâm, lắng nghe và tiếp thu các kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các thành viên của Hiệp hội nói riêng. Đặc biệt, trong năm 2017 và thời gian tới, trong quá trình tái cơ cấu hoạt động của Hiệp hội, chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các sở, ngành, nhất là Cục Thuế và Hải quan thành phố để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp kiều bào.

Phóng viên:
Theo ông, chúng ta cần làm gì để phát huy hơn nữa nguồn lực, tiềm năng của cộng đồng doanh nghiệp kiều bào cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các doanh nhân Việt Nam ở trong và ngoài nước?

Ông Peter Hồng:
Tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã được thể hiện rõ nét, cũng như các cơ chế, chính sách thu hút kiều bào đặc biệt là lực lượng trí thức, doanh nhân ngày càng cụ thể hơn.

Hội nhập là xu thế tất yếu. Việt Nam không nằm ngoài tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Doanh nhân Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài cũng không ngoại lệ. Việc tập trung thực hiện các chương trình khoa học - công nghệ quốc gia, đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao, sản phẩm quốc gia từ các chương trình hành động của chính phủ sẽ cần nhiều hơn nữa sự đóng góp từ các nguồn lực kiều bào.

Tôi vẫn khẳng định chúng ta phải làm tốt, và làm tốt hơn nữa những việc chúng ta đang làm với một tinh thần quyết tâm cao và một ý thức tự tôn dân tộc.

Điển hình là Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới được tổ chức định kỳ đã thực sự là nơi để bà con kiều bào nói lên những tiếng nói tâm huyết, đề xuất những ý tưởng mới phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 3 năm 2016 được tổ chức với chủ đề: “Kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”, tập hợp gần 500 kiều bào là các trí thức, nhà khoa học, học giả, nhà văn hóa từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là một trong những hoạt động cụ thể và thiết thực nhất.

Ngoài ra, các chương trình được tổ chức thường xuyên dành cho kiều bào nhân dịp Giỗ Tổ Hùng vương, Quốc khánh 2/9 hay như Xuân Quê hương, Trại hè Việt Nam, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”… là những hoạt động luôn được bà con trông đợi, góp phần tăng cường gắn bó cội nguồn.

Là cầu nối gắn kết các doanh nhân Việt Nam trên toàn thế giới, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài dần ổn định và đang trong giai đoạn chuẩn bị cho công tác đại hội. Sau kỳ đại hội sắp tới đây, bằng những chiến lược và kế hoạch cụ thể, chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường hơn nữa vai trò của Hiệp hội một cách hiệu quả và thiết thực nhất. Đặc biệt, đối với các Chi hội ở các nước và khu vực, Hiệp hội sẽ tăng cường kết nối và nắm bắt thông tin để  thực hiện sứ mệnh của mình là kịp thời hỗ trợ, kết nối nguồn lực cho hội viên nói riêng cũng như các doanh nhân Việt Nam trên toàn cầu.

Phóng viên:
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Linh (Thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực