Tiếp tục thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Nepal

Thứ tư, 20/03/2019 21:26
(ĐCSVN) – Ngày 18/3 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Kathmandu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu đã trình Quốc thư của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lên Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari.

Bà Bidya Devi Bhand - Tổng thống Nepal chụp ảnh kỷ niệm với Đại sứ Phạm Sanh Châu
và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ)

Ngay sau Lễ trình Quốc thư, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã có buổi tiếp kiến Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari; tới chào Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli; chào xã giao Chủ tịch Hạ viện, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Nội vụ… của Nepal.

Đại sứ Phạm Sanh Châu đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari; gửi lời chào và lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mời Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli sang thăm và tham dự Đại lễ hội Vesak vào tháng 5/2019 tại Việt Nam.

Bày tỏ sự vinh dự được đảm nhiệm vai trò là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Nepal – quốc gia với nền với nền văn hóa lịch sử lâu đời và quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam, Đại sứ Phạm Sanh Châu cam kết sẽ nỗ lực hết sức nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước ngày càng thực chất và hiệu quả.

Trong các buổi tiếp, lãnh đạo Nepal bày tỏ sự khâm phục trước những thành tựu phát triển kinh tế nhanh chóng và vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua, xem đó như là hình mẫu để Nepal học tập.

Bày tỏ vui mừng về những tiến triển trong quan hệ hai nước sau gần 44 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (5/1974 – 5/2019), lãnh đạo Nepal khẳng định, với những nét tương đồng về văn hóa cũng như tình hình phát triển kinh tế của mỗi nước, Nepal và Việt Nam có thể thúc đẩy quan hệ phát triển sôi động và thực chất hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, lãnh đạo Nepal mong muốn, nhận được sự hỗ trợ cũng như chia sẻ kinh nghiệm của phía Việt Nam nói chung cũng như cá nhân Đại sứ Phạm Sanh Châu về kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình văn hóa cũng như phát triển nền nông nghiệp ngày càng hiện đại, có giá trị xuất khẩu cao.

Về phần mình, Đại sứ Phạm Sanh Châu khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Nepal; bày tỏ vui mừng quan hệ  hai nước liên tục được duy trì và củng cố trong những năm gần đây, đặc biệt là hợp tác tốt đẹp giữa đảng cộng sản – đảng cầm quyền của hai nước.

Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp và tin cậy, Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ mong muốn hai bên thúc đẩy sớm ký bản ghi nhớ miễn thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, thiết lập cơ chế tham khảo chính trị và các cơ chế hợp tác khác về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, hàng không để tạo cơ sở pháp lý và tiền đề vững chắc thúc đẩy hơn nữa hợp tác ngày càng thực chất và hiệu quả; đề nghị phía Nepal tạo điều kiện thuận lợi cho những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nepal.

Đại sứ Phạm Sanh Châu hy vọng rằng, với nền tảng quan hệ tốt đẹp, Việt Nam và Nepal tiếp tục ủng hộ lẫn nhau và hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là tại Liên hợp quốc, cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế khác trong thời gian tới; cảm ơn Nepal đã ủng hộ Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021.

Trong thời gian ở Nepal, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Nepal, Chủ tịch Hội những người bạn Việt Nam; làm việc với Lãnh dự danh dự Việt Nam tại Kathmandu, Phòng Thương mại Nepal,… Hiện có khoảng 50 Việt kiều Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại Kathmandu là một cộng đồng gắn kết, tương trợ lẫn nhau và tuân thủ pháp luật Nepal./.

Khánh Lan (Theo ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực