Ngẫm về học hàm, học vị

Thứ ba, 10/04/2018 19:01
(ĐCSVN) - Thời gian vừa qua, dư luận đang rất quan tâm bàn luận về việc xét duyệt danh sách giáo sư, phó giáo sư và câu chuyện về những trường hợp không đủ điều kiện đã bị loại khỏi danh sách sau khi rà soát theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra nhiều vấn đề về học hàm, học vị của đội ngũ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy hiện nay.

Vậy học hàm, học vị xưa và nay có gì khác nhau? Liệu có chuyện “hữu danh vô thực” ở một số người mong muốn dùng học hàm, học vị để đánh bóng tên tuổi của mình?

Thời nay, không ít người vì hám danh vọng, chức tước mà nảy sinh hành động mua quan bán tước, thành thử, sẽ cho ra đời những “tiến sỹ giấy”. Ảnh minh họa: kinhtedothi.vn

Trong xã hội phong kiến, để đạt được học vị tiến sỹ, các sỹ tử phải rùi mài kinh sử, trải qua các kỳ thi rất nghiêm ngặt do triều đình tổ chức như thi Hương, thi Hội, thi Đình. Khi đỗ đạt, tân tiến sỹ sẽ được vinh danh, được vinh quy bái tổ, được khắc tên vào bia đá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám để thế hệ sau noi gương mà học tập. Tuy nhiên, ở thời nay, không ít người vì danh vọng, chức tước mà nảy sinh hành động mua quan bán tước, thành thử, sẽ cho ra đời những “tiến sỹ giấy”, không có năng lực, không có tài đức nhưng vẫn được ra làm quan. Hình ảnh những “tiến sỹ giấy” được ghi lại khá nhiều trong thơ văn thời trung đại, điển hình như trong bài thơ Tiến sỹ giấy của nhà thơ Nguyễn Khuyến, trong đó có câu: “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai/cũng gọi ông nghè có kém ai…”.

Trong xã hội hiện đại, đất nước phát triển không ngừng, đòi hỏi đội ngũ những người có học vị cao phải ra sức phát huy tài năng, trí tuệ của mình để góp phần vào sự phát triển của đất nước. Chế độ thi cử để đạt học vị tiến sỹ được duy trì và mở rộng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Cùng với đó là chế độ phong hàm giáo sư, phó giáo sư để ghi nhận cũng cống hiến của các nhà khoa học, các nhà giáo trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo. Ở bất kỳ giai đoạn nào, Nhà nước ta luôn đề cao, coi trọng vai trò của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ.

Tuy nhiên, từ trong thực tiễn xã hội, chúng ta có thể nhận thấy, giữa học hàm, học vị của những người được công nhận có nhiều vấn đề cần bàn, cần so sánh và cần phân biệt rạch ròi giữa danh và thực để nhận thấy được đâu là thực tài của học hàm, học vị, đâu là sự thống nhất giữa tên gọi với thực chất. Đã có những giai đoạn, khi đất nước mới trải qua chiến tranh, còn gặp nhiều khó khăn, đội ngũ các thầy cô giáo, các nhà khoa học giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học phải gồng mình để đi học sau đại học, học tiến sỹ. Thời điểm đó, việc đi học sau đại học để được công nhận học vị là thạc sỹ đã là một sự cố gắng lớn của bản thân mỗi giảng viên, mỗi nhà khoa học.

Có người sau khi học xong sau đại học, dừng lại để giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Có người đi học nghiên cứu sinh tại nước ngoài để được công nhận học vị phó tiến sỹ. Để có được học vị đó, mỗi nghiên cứu sinh phải học tập, nghiên cứu hết sức nghiêm túc theo chương trình đào tạo của nước ngoài. Đồng thời, khâu bảo vệ luận án phó tiến sỹ không hề đơn giản mà phải trải qua rất nhiều thử thách về kiến thức cũng như thực tiễn. Để đạt được học vị tiến sỹ, họ phải tiếp tục học tập và nghiên cứu một chặng dài nữa. Vậy, học vị phó tiến sỹ xưa và tiến sỹ nay có gì khác nhau? Liệu có sự chênh lệch lớn về trình độ, điều kiện để đạt được và thực tế nghiên cứu, cống hiến của hai đối tượng này? Tại sao, ngày nay, có nhiều phó tiến sỹ khi đề tên học vị vẫn để là “PTS” như trước hoặc ghi thêm dưới học vị là “Tiến sỹ năm….”? Phải chăng họ không muốn bị đánh đồng vào học vị tiến sỹ ngày nay với những trường hợp đạt được quá dễ dàng.

Chúng ta trân trọng một đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học của những giai đoạn khó khăn của đất nước vì quá bận với công việc giảng dạy, quản lý và nghiên cứu nên họ không có điều kiện để làm nghiên cứu sinh. Tuy vậy, họ vẫn có những cống hiến với những công trình khoa học có giá trị, góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống. Nhà nước đã ghi nhận công lao của họ và phong hàm phó giáo sư. Với các thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, những bài giảng và những công trình đầy tâm huyết của các PGS đã để lại ấn tượng sâu đậm và sự trân trọng.

Trong giai đoạn hiện nay, cơ chế đào tạo tiến sỹ được mở rộng ở các trường đại học, học viện. Nhờ đó, học vị tiến sỹ trong nước được tăng lên nhanh chóng. Trong đội ngũ tiến sỹ được công nhận, chúng ta trân trọng những tiến sỹ trẻ, tâm huyết và có năng lực trên các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, đáp ứng được những vấn đề thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn vào thực tế rằng, trong những năm qua, cơ chế đào tạo tiến sỹ mở rộng quá nhiều dẫn đến việc đào tạo mang tính chớp nhoáng, dễ dàng, không hiệu quả. Các tiêu chí, điều kiện để đạt được học vị tiến sỹ không đảm bảo dẫn đến việc cho ra một sản phẩm tiến sỹ không hoàn hảo. Hơn nữa, nhiều đề tài nghiên cứu của nhiều luận án tiến sỹ không mang lại hiệu quả đối với thực tiễn đời sống. Cùng với việc đào tạo tiến sỹ ồ ạt là việc đào tạo thạc sỹ nhiều và nhanh ở các trường đại học, học viện, với nhiều loại hình đào tạo đã đặt ra vấn đề về chất lượng của đội ngũ nhân lực sau khi đào tạo.

Việc đào tạo tiến sỹ trong nước với số lượng lớn như vậy đặt ra nhiều vấn đề cần bàn luận và có những giải pháp để khắc phục. Liệu có những người sử dụng học hàm, học vị để đánh bóng tên tuổi và thực tài thì không cần quan tâm? Có bao nhiêu tiến sỹ sau khi bảo vệ sẽ cống hiến cho đất nước về lĩnh vực mình nghiên cứu? Liệu việc lập hồ sơ để đề nghị xét phong hàm giáo sư, phó giáo sư có nhiều ẩn khuất để khi sau khi công bố danh sách các ứng viên đủ tiêu chuẩn lại phải rà soát lại, tạo ra một dư luận không tốt về một lực lượng có trình độ cao nhất trong xã hội?

Thiết nghĩ, dù ở giai đoạn nào cũng vậy, việc làm nghiêm túc tất cả các khâu từ đào tạo, xét duyệt đến phong hàm đối với những người có cống hiến, có năng lực của các cấp quản lý thì chắc chắn, chúng ta sẽ loại bỏ được những người kiểu “Hữu danh vô thực”./.

Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực