Công khai, minh bạch các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư

Thứ ba, 29/05/2018 13:52
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh ngân sách không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong nhiều năm tới, việc thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công-tư (PPP) đã và đang trở thành một mục tiêu cấp thiết đối với Việt Nam. tuy nhiên rất cần sự công khai, minh bạch các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, để người dân hưởng lợi...
Trạm thu phí tuyến đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình (Ảnh: HNV)

Tuy nhiên, một số bất cập xuất hiện gần đây trong quá trình triển khai đã dẫn tới sự phản đối không nhỏ từ phía người dân, điển hình là các trường hợp BOT Cai Lậy, Pháp Vân-Cầu Giẽ, cầu Bến Thủy... Một trong những lý do của thực trạng này là tính công khai, minh bạch về quá trình lựa chọn, thiết kế và thực thi các dự án theo hình thức PPP vẫn còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh mục tiêu ngăn chặn tham nhũng, lợi ích nhóm, cần nhận thức rõ lợi ích của việc công khai, minh bạch hóa thông tin trong việc giảm thiểu rủi ro cho phía nhà nước, đảm bảo trách nhiệm của đối tác tư nhân, cũng như nâng cao sự đồng thuận từ phía người dân. Từ đó có thể rút ra một số kiến nghị về vai trò kiến tạo của nhà nước trong mối quan hệ với các đối tác tư nhân và người dân, nhằm đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả và hài hòa lợi ích giữa các bên.

Lợi ích của việc công khai, minh bạch hóa thông tin về các dự án PPP

Thứ nhất, bản thân hình thức đối tác công-tư cũng có thể tạo nên một cơ chế ngăn chặn tham nhũng hiệu quả nếu những nguyên tắc cạnh tranh thị trường được đưa vào lĩnh vực này một cách hợp lý. Tuy nhiên, sự thiếu công khai, minh bạch lại có thể tạo ra những cơ hội bắt tay bí mật giữa một số cơ quan công quyền và đối tác tư nhân, gây thất thoát tài sản nhà nước và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới khẳng định việc hạn chế tham nhũng là mục tiêu chung của nhiều quốc gia khi xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc công bố thông tin về các dự án PPP.  Điều này cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mục tiêu chống tham nhũng, lợi ích nhóm và việc công khai, minh bạch hóa thông tin.

Thứ hai, khác với các dự án đầu tư công thông thường mà ở đó Nhà nước có khả năng kiểm soát cao trong nhiều công đoạn, một số dự án PPP có thể trao quyền hạn đáng kể cho đối tác tư nhân trực tiếp giao dịch với người sử dụng dịch vụ công. Trong khi nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng trước người dân, nhân tố trung gian là đối tác tư nhân lại có ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đầu ra của dự án. Sự phức tạp hóa các mối liên hệ lợi ích và trách nhiệm, cùng với việc các dự án PPP thường đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian dài hạn, dẫn tới việc ngay cả nhà nước cũng không lường hết được các yếu tố rủi ro có thể phát sinh. Vì vậy, việc công khai, minh bạch hóa thông tin giúp cho nhà nước có được sự hỗ trợ thêm từ phía các chuyên gia, các tổ chức xã hội và người dân trong việc đảm bảo tính khả thi và giám sát hiệu quả đầu tư, giảm thiểu khả năng rủi ro phải đền bù nhà đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

Thứ ba, các dự án PPP thường đòi hỏi một cam kết lâu dài giữa các bên, có thể lên tới 10-20 năm hoặc lâu hơn. Các chuẩn mực về tính công khai, minh bạch sẽ tạo áp lực tích cực giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và nhà thầu đảm bảo chất lượng dịch vụ trong suốt thời gian thực hiện dự án. Ngoài ra, việc áp dụng nhất quán các chuẩn mực này cũng khuyến khích sự tham gia một cách tự nhiên của các đối tác tư nhân có trách nhiệm cao và giúp nhà nước có thể đánh giá, so sánh lợi ích mà các dự án đem lại một cách chính xác.

Thứ tư, việc công khai, minh bạch hóa thông tin giúp tạo nên sự đồng thuận và niềm tin cho người dân. Điều này đặc biệt cần thiết trong các dự án giao thông BOT mà ở đó người dân trực tiếp giao dịch mỗi khi sử dụng dịch vụ, thay vì gián tiếp trả tiền qua thuế, phí và ủy quyền cho nhà nước chi tiêu trong các dự án đầu tư công thông thường. Việc có thông tin ngay từ đầu giúp cho người sử dụng hiểu rõ hơn lợi ích và chi phí tổng thể của dự án, tránh nhìn nhận hạn chế ở mức tác động kinh tế ngắn hạn cho bản thân. Ngoài ra, ý thức tuân thủ pháp luật, giữ vững ổn định trật tự tại các điểm thu phí cũng sẽ được nâng cao khi người dân cảm thấy được tôn trọng như một chủ thể có quyền được biết và giám sát dự án ngay từ đầu.

Vai trò kiến tạo của Nhà nước trong việc thực hiện công khai, minh bạch hóa


Một đoạn đường cao tốc Láng Hòa Lạc (Ảnh: HNV)

Nhiệm vụ cấp thiết của Nhà nước hiện nay là kiến tạo khuôn khổ pháp lý cho các dự án PPP mà ở đó tính công khai, minh bạch phải được xác định như một trong những nguyên tắc hàng đầu. Các Nghị định 15/2015/NĐ-CP và 30/2015/NĐ-CP trước đây đã quy định việc công khai đề xuất dự án và tuyển chọn nhà đầu tư dựa trên Luật Đấu thầu. Nghị định 63/2018/NĐ-CP vừa được ban hành và sẽ có hiệu lực vào ngày 19/6 tới đây đã bổ sung thêm quy định công khai thông tin hợp đồng dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Tuy nhiên, đây vẫn là những văn bản dưới luật, chưa làm rõ được trách nhiệm công khai, minh bạch của các bên trong suốt vòng đời dự án và chưa quy định rõ chế tài xử phạt cần thiết. Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng sẽ là cơ hội quý báu để hệ thống hóa những nội dung quan trọng này. 

Hơn nữa, Nhà nước cần hiểu rõ những nhu cầu và lợi ích của các đối tác tư nhân nhằm xác định mức độ trách nhiệm của họ trong việc công khai thông tin về từng giai đoạn của một dự án. Đối với giai đoạn trước khi ký kết hợp đồng, nhà nước cần chủ động lắng nghe các đối tác tư nhân nhằm xác định những lý do chính đáng trong việc bảo mật một số thông tin cạnh tranh thương mại, bản quyền sở hữu trí tuệ, vv... và có giải pháp công khai phù hợp hoặc tính thêm giá trị rủi ro thông tin vào giá thành của dự án. Những thông tin không có lý do bảo mật chính đáng cần phải được công bố rộng rãi và kịp thời. Sau khi ký kết hợp đồng, Nhà nước cần có chế tài buộc các đối tác tư nhân có trách nhiệm thường xuyên cung cấp thông tin tài chính và chất lượng dịch vụ tới người dân.

Để làm được điều này, cần xây dựng càng sớm càng tốt khung cơ sở dữ liệu quốc gia về các dự án PPP để các đối tác có thể kết nối và tự động cập nhật dữ liệu. Dự án Tiêu chuẩn Dữ liệu Hợp đồng Mở rộng cho PPP (OCDS PPP Extension) hiện đang được Ngân hàng Thế giới triển khai là một công cụ kỹ thuật hữu ích mà bộ KH&ĐT có thể tham khảo. 

Cuối cùng, cần khuyến khích khả năng giám sát, phản hồi của người dân như một nguồn lực hỗ trợ đắc lực giúp nhà nước chống tham nhũng và giảm thiểu rủi ro. Trong điều kiện hạn chế thông tin như hiện nay, người dân thường ở vào vị trí bị động phải tiếp nhận khi một dự án PPP đã hoàn thành và đi vào sử dụng. Những bức xúc chính đáng của người dân về vị trí đặt trạm thu phí và mức phí BOT trong thời gian vừa qua vì thế lại trở thành một rủi ro không đáng có. Thay vì vậy, nhà nước nên công khai giải trình tiêu chí lựa chọn dự án, nhà đầu tư và quy trình đàm phán hợp đồng cho người dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia một thời gian trước khi đặt bút ký kết. Sự đánh giá của xã hội sẽ giúp sàng lọc ra những dự án hợp lý, có hiệu quả đầu tư cao và được sự chấp thuận rộng rãi trước khi chúng được tiến hành.

Có thể thấy, sự chủ động của Nhà nước trong việc khẳng định nguyên tắc công khai, minh bạch trong xây dựng khuôn khổ pháp lý và trong mối quan hệ với các đối tác tư nhân và người dân là rất quan trọng. Mục tiêu cuối cùng không phải chỉ là việc ký kết thành công những hợp đồng riêng lẻ, mà là để xây dựng một nền tảng đối tác công-tư bền vững lâu dài cho Việt Nam. Công khai, minh bạch hóa thông tin về các dự án giúp cho nhà nước vừa có thể đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, vừa tạo ra những sản phẩm, dịch vụ công chất lượng cao phục vụ cho đời sống của người dân./.   

Hà Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực