Đặt mình vào người bệnh!

Thứ sáu, 06/07/2018 10:44
(ĐCSVN) – Khi mỗi người đặt mình vào vị trí người bệnh, hẳn sẽ thấu hiểu mọi sự cơ cực, đúng như người đời vẫn nói “có bệnh thì vái tứ phương”!


Khu chờ khám bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai ngày nắng nóng.( Ảnh: vtc.vn)

Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung đang trong những ngày thời tiết nắng nóng cực điểm, nhiều nơi đến 40 độ C. Ở Hà Nội, với hệ thống nhà bê tông cao tầng dày đặc, đường nhựa và ít cây xanh thì nhiệt độ ngoài đường có lúc gần 50 độ C.

Theo các chuyên gia y tế, khi nhiệt độ môi trường bên ngoài quá cao, cao hơn so với thân nhiệt con người thì cơ thể rất khó thải nhiệt, ngược lại còn có thể bị hấp thu nhiệt từ môi trường. Và khi cơ thể bị rối loạn khả năng cân bằng, dễ mắc nhiều bệnh, và nếu không được xử lý kịp thời, con người có thể nguy hiểm tới tính mạng. Do đó, những ngày nắng nóng đồng nghĩa với việc bệnh viện quá tải nhiều hơn.

Có thể nói nơi cơ cực nhất chính là các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến cuối cùng. Ở nhiều nơi, báo chí ghi nhận hình ảnh bệnh nhân chen chúc, vạ vật ở phòng chờ, hành lang, ghế đá có bóng cây để chờ khám, chữa bệnh trong cái nóng như thiêu như đốt. Có bệnh nhân tranh thủ ngồi ăn dưới gầm cầu thang. Có bệnh nhân trải ni lông nằm ngay trên sàn… Dù không ít bệnh viện đã bố trí thêm quạt điện, phục vụ nước uống, nhưng không thấm vào đâu so với số bệnh nhân đông đúc.

Trong các phòng bệnh, các bệnh nhân phải nằm ghép càng cực khổ hơn. Khốn khổ hơn là các bệnh nhân chạy thận nhân tạo, bệnh nhân ung thư, sau giờ điều trị họ về sống ở các xóm trọ vô cùng chật chội, vốn ngày thường đã ngột ngạt. Tất cả đều khao khát, đều ước mơ việc khám, chữa bệnh, ngày càng đơn giản và thuận tiện hơn; bệnh nhân không phải nằm ghép, trời nóng thì có máy điều hòa nhiệt độ. Ước mơ ấy có quá xa vời, có ngoài khả năng của Nhà nước không?

Dù ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng người dân tin rằng, mục tiêu đó không khó đạt được nếu tất cả đều coi đầu tư cho y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách đầy đủ, lâu dài sẽ là hạt nhân quan trọng quyết định chỉ số hạnh phúc của người dân, sự hưng thịnh của đất nước. Nhìn vào những dự án lãng phí, thất thoát, tham nhũng hàng trăm tỷ đồng được phanh phui trong những năm gần đây, dường như tất cả đều thấy xót xa, bất bình khi tiền thuế của nhân dân chưa được được sử dụng, đầu tư đúng mục đích và hiệu quả.

Nếu không có việc lãng phí, thất thoát, tham nhũng...trong đầu tư công, chắc chắn sẽ có thêm nhiều nguồn vốn để xây mới nhiều bệnh viện công với quy mô lớn và hiện đại. Người dân đóng thuế có quyền đòi hỏi có đủ bệnh viện, cơ sở y tế đảm bảo đủ nhu cầu và chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân ở mọi vùng miền.

Trong chỉ số phát triển con người -  thước đo thành tựu trung bình của một quốc gia, có nhiều chỉ tiêu về số cơ sở khám, chữa bệnh công lập, số giường bệnh, số bác sỹ, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine đã tăng lên…Vì thế, bên cạnh những thành tựu y tế đã đạt được, cần khẩn trương, quyết liệt khắc những hạn chế, thiếu thốn về cơ sở vật chất và đội ngũ thầy thuốc ở không ít bệnh viện tuyến trung ương và cả nước.

Nhìn những hình ảnh bệnh nhân nằm ở hành lang bệnh viện, luân phiên nhau hứng gió quạt điện trong những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua cũng làm phai mờ không ít con số có ý nghĩa trong các báo cáo về chỉ số phát triển. Khi mỗi người đặt mình vào vị trí người bệnh, hẳn sẽ thấu hiểu mọi sự cơ cực, đúng như người đời vẫn nói “có bệnh thì vái tứ phương”!

Thái Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực