Những nhát dao thách thức chính nghĩa!

Thứ ba, 15/05/2018 18:32
(ĐCSVN) – Những nhát dao oan nghiệt đối với những hiệp sỹ đường phố không chỉ là một vụ án mạng gây rúng động xã hội. Ở phương diện khác, đó còn là những nhát dao thách thức chính nghĩa, thách thức công lý và cả cái thiện trong mỗi con người.

Một nghi can đâm chết 2 hiệp sỹ bị bắt tại cơ quan điều tra (Ảnh: Công an TP. Hồ Chí Minh)

Có lẽ chẳng có quốc gia nào lại tồn tại mô hình hiệp sỹ trong một xã hội pháp quyền. Nhưng đặc thù hay tính cách của Sài thành từ quá khứ đã tạo nên điều đó, tạo nên những con người trượng nghĩa, sẵn sàng ra tay trước cái ác, cái xấu. Nảy sinh từ thực tế xã hội, những hiệp sỹ đời thường luôn nhận được sự ủng hộ và khâm phục của người dân. Lấy tiêu chí “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” làm kim chỉ nam hành động, các hiệp sỹ luôn được biết đến với sự can đảm cùng niềm tin tuyệt đối vào chính nghĩa. Dĩ nhiên với nhiều người, rượt đuổi và trấn áp tội phạm là nhiệm vụ của lực lượng an ninh, những người được trang bị cả công cụ hỗ trợ lẫn kiến thức chuyên nghiệp. Nhưng mặt khác, bên cạnh những sự phân công trên giấy tờ, người ta còn cần có những yếu tố khác mà không một thiết chế xã hội nào có thể đảm bảo. Đó là đạo đức, sự hy sinh cùng bản lĩnh không sợ hãi trước cái ác. Trong bất cứ hoàn cảnh nào!

Nếu như người dân Sài Gòn đã từ lâu phải quen sống với nạn cướp giật, thì các hiệp sỹ chính là cứu cánh dù chỉ về mặt tư tưởng cho những người dân lương thiện. Sự thật, khi lực lượng chức năng không bao giờ đủ để phủ kín mọi ngả đường, tuyến phố, sự xuất hiện của các hiệp sỹ tự nguyện là rất đáng ghi nhận. Dù vẫn có đâu đó những “con sâu”, dù ngoài kia vẫn có những sự đáng tiếc về hành vi bạo lực (bắt buộc), dù không phải ai cũng cảm thông và chia sẻ, thì hai tiếng hiệp sỹ vẫn là nơi nương tựa và niềm tin cho chiến thắng của lẽ phải, của chính nghĩa!

Để đối phó với tình trạng cướp giật phức tạp và manh động, Thành phố Hồ Chí Minh đã từng có ý tưởng để “Huyền thoại SBC” tái sinh. Cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng nên thành lập các “quả đấm sắt” như lực lượng 141 tại thủ đô Hà Nội để tăng cường đảm bảo an ninh trên một địa bàn rất rộng như Sài Gòn. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, vẫn không thể phủ nhận được vai trò của các hiệp sỹ đường phố, thậm chí cả người dân bình thường trong nhiệm vụ chung toàn dân cùng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Có điều, bên cạnh những chiến công, mỗi lần các hiệp sỹ của chúng ta đổ máu hay ngã xuống, đó cũng là lúc nỗi đau sẽ đan xen với cảm giác thất bại và bất lực. Thay vì bỏ chạy trước “người ngay”, nay kẻ gian đã sẵn sàng phản kháng không chỉ để thoát thân, mà còn có chủ ý tàn bạo. Đó là điều vô cùng nguy hiểm, không chỉ ở hành vi mà là nhận thức từ tội phạm. Nó dẫn đến tâm lý e ngại và phó mặc của người dân mỗi khi gặp phải trộm cướp. Và nó cũng đẩy các hiệp sỹ vào sâu hơn sự cô độc mỗi khi phải đối mặt với hiểm nguy.

Sau chưa đầy 3 ngày, những kẻ thủ ác đầu tiên đã phải tra tay vào còng và chắc chắn sẽ phải đền tội thích đáng. Hàng trăm triệu đồng đã được quyên góp tự nguyện cho gia đình những hiệp sỹ bị nạn. Hàng đoàn các hiệp sỹ từ mọi vùng miền cũng đã có mặt để sát cánh, sẻ chia, và cũng để tuyên bố không bao giờ chùn bước, không bao giờ bỏ cuộc để những mất mát không là vô nghĩa. Nhưng ngay cả khi mọi thứ đã lắng xuống, những nỗi đau vẫn sẽ khó xóa nhòa. Những giọt nước mắt của người dân khi những người thân của hiệp sỹ đường phố đón con về với đất mẹ là hình ảnh rõ ràng nhất về những giá trị cần phải giữ. Tinh thần trượng nghĩa, lòng dũng cảm hay sự nhiệt thành vốn luôn đáng quý. Nhưng trên tất cả, chẳng ai mua được sinh mạng của con người.

Việc công lý được thực thi sẽ không chỉ là những bản án pháp đình lạnh lẽo. Ở khía cạnh nào đó, hình ảnh công lý hiện lên còn là lúc mọi người dân hiểu rõ sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh của tình đoàn kết từ lẽ phải. Như những gì các anh đã tin và đã làm, những hiệp sỹ đường phố!

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực