4,7 triệu người ở Tây Nguyên được tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu

Thứ năm, 09/07/2020 20:33
(ĐCSVN) - 4,7 triệu người ở Tây Nguyên được tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu; 2 cựu cán bộ Công an lĩnh án tù vì nhận hối lộ; 9 người thương vong trong vụ nổ xe tải chở pháo hoa tại Thổ Nhĩ Kỳ; Nhật Bản sơ tán khẩn cấp 230.000 người vì mưa lũ hoành hành… là một số tin tức thế giới và trong nước đáng chú ý diễn ra trong ngày 9/7.

4,7 triệu người ở Tây Nguyên được tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu

leftcenterrightdel
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh/TTXVN) 

Chiều 9/7, buổi phát động Chiến dịch phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đã được Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức tại thị trấn Đăk Đoa.

Đây là chiến dịch tiêm vắcxin phòng chống bệnh bạch hầu, trước hết thực hiện ở 4 tỉnh Tây Nguyên (bao gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông) với đối tượng là tất cả những người từ 2 tháng tuổi trở lên.

Theo đó, trẻ từ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắcxin 5 trong 1; trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi: tiêm 1 mũi vắcxin DPT và người từ 48 tháng tuổi trở lên: tiêm 2 mũi vắcxin Td (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng).

Dự kiến trong chiến dịch này sẽ tiêm chủng khoảng 120.446 liều vắcxin 5 trong 1; 279.608 liều vắcxin DPT; và 10.111.461 liều vắcxin Td.

Như vậy gần 4,7 triệu đối tượng tại 4 tỉnh trên sẽ được tiêm các mũi vắcxin khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu.

Tại lễ phát động, Giáo sư Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch như: cử đội cơ động chống dịch xuống hỗ trợ địa phương, tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp bệnh, các trường hợp tiếp xúc, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc và điều trị dự phòng cho người dân trong khu vực có nguy cơ.

Một trong biện pháp phòng chống dịch bạch hầu hiệu quả nhất và căn cơ nhất hiện nay đó là tiêm vắcxin bạch hầu để phòng chống dịch toàn diện và mang tính bền vững.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tiêm vắcxin phòng chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Đây là kế hoạch chống dịch bạch hầu có quy mô lớn từ trước đến nay tại Việt Nam. Mục tiêu chung của kế hoạch là đảm bảo ít nhất 90% các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên đến 40 tuổi tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông được sử dụng vắcxin chứa thành phần bạch hầu đảm bảo an toàn.

Hai cựu cán bộ Công an lĩnh án tù vì nhận hối lộ

leftcenterrightdel
 2 cựu cán bộ Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) lĩnh án tù vì nhận hối lộ (Ảnh: Báo Công Lý)

Ngày 9/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt hai bị cáo gồm: Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1991, cựu Trung úy, Cán bộ điều tra, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội) 7 năm tù; Phạm Xuân Tiến (sinh năm 1978, cựu Trung tá, Điều tra viên trung cấp, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội) 7 năm 6 tháng tù về cùng tội “Nhận hối lộ”.

Tại phiên tòa, hai bị cáo không thừa nhận hành vi như cáo trạng đã truy tố. Tuy nhiên, trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ thu thập được, Hội đồng xét xử cho rằng có đủ căn cứ xác định 2 bị cáo Nguyễn Tiến Dũng và Phạm Xuân Tiến đã có hành vi đòi hối lộ và nhận tiền để cho Tạ Duy Thanh không bị xử lý hình sự tội phạm về ma túy.

Theo cáo trạng, Nguyễn Tiến Dũng và Phạm Xuân Tiến là cán bộ, điều tra viên Công an huyện Thanh Trì được phân công giải quyết vụ việc Tạ Duy Thanh có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

Khi giải quyết vụ án, Nguyễn Tiến Dũng và Phạm Xuân Tiến đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, yêu cầu chị Đôn Thị Ly (người sống chung với Tạ Duy Thanh như vợ chồng) phải đưa số tiền 150 triệu đồng để cho đối tượng Tạ Duy Thanh về nhà.

Phạm Xuân Tiến là người trực chỉ huy Đội, chịu trách nhiệm phân công, chỉ đạo, quản lý cán bộ và duyệt đề xuất trước khi báo cáo lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì, nhưng Tiến đã chỉ đạo Nguyễn Tiến Dũng là cán bộ cấp dưới yêu cầu chị Đôn Thị Ly phải đưa số tiền 150 triệu đồng.

Đối với Nguyễn Tiến Dũng khi được Phạm Xuân Tiến chỉ đạo đòi tiền trái quy định pháp luật, đã không báo cáo lãnh đạo cấp trên mà còn tích cực thực hiện.

Quá trình điều tra, Phạm Xuân Tiến thay đổi lời khai, quanh co để chối tội. Nguyễn Tiến Dũng thay đổi lời khai liên quan đến hành vi phạm tội của Phạm Xuân Tiến, nhưng không phù hợp với các chứng cứ khác và không cung cấp được chứng cứ chứng minh.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phạm Xuân Tiến 7 năm 6 tháng tù, bị cáo Nguyễn Tiến Dũng 7 năm tù về cùng tội “Nhận hối lộ.”

Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tiếp tục xem xét, làm rõ trách nhiệm của những người đã đưa tiền hối lộ cho 2 bị cáo Dũng và Tiến.

9 người thương vong trong vụ nổ pháo hoa tại Thổ Nhĩ Kỳ

leftcenterrightdel
Đây là sự cố tương tự thứ hai xảy ra trong chưa đầy một tuần tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: hurriyetdailynews.com) 

Ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 6 người bị thương khi một xe tải chở pháo hoa phát nổ tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/7.

Đây là sự cố tương tự thứ hai xảy ra trong chưa đầy một tuần tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ nổ xảy ra tại một vùng núi của huyện Adapazari thuộc tỉnh Sakarya khi chiếc xe tải trên chở pháo hoa từ nhà máy sản xuất pháo hoa tại tỉnh Sakarya, nơi xảy ra vụ nổ nhà máy pháo hoa hôm 3/7 khiến 6 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Theo hãng thông tấn chính thức Anadolu, trong vụ nổ mới nhất, pháo hoa phát nổ trong khi đang được di chuyển đến mỏ đá để kích nổ có kiểm soát.

Bộ Nội vụ cho biết 3 lính hiến binh đã thiệt mạng và 6 người bị thương trong vụ nổ. Trong đó, 2 người thiệt mạng thuộc đội phụ trách xử lý những pháo hoa chưa nổ trong sự cố hồi tuần trước.

Vụ nổ tuần trước xảy ra khi trong nhà máy chứa khoảng 110 tấn vật liệu nổ và có khoảng 200 công nhân đang làm việc. Sau vụ nổ lớn, trong nhà máy còn xảy ra liên tiếp các vụ nổ nhỏ hơn, khiến công tác cứu hỏa và cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Nhật Bản sơ tán khẩn cấp 230.000 người vì mưa lũ hoành hành

leftcenterrightdel
Mưa lũ trong liên tiếp nhấn chìm nhiều khu vực tại Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo News) 

Ngày 9/7, Nhật Bản phải sơ tán 230.000 người trên đảo Kyushu trong bối cảnh mưa lớn liên tục, gây ngập lụt nhiều nhiều khu vực trên đảo này.

Đài NHK hôm 9/7 cho biết, chính quyền Nhật Bản đã sơ tán khẩn cấp 230.000 cư dân sống ở đảo Kyushu, phía Tây Nam nước này. Quyết định này được đưa ra sau khi mưa liên tục trong nhiều ngày, gây ngập lụt tại nhiều vùng trên đảo Kyushu.

Nhật Bản đã bị mưa lớn từ cuối tuần trước, trong đó đảo Kyushu là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo dữ liệu mới cập nhật, ít nhất 62 người chết và hơn một chục người mất tích do thảm họa mưa lũ trong những ngày qua.

Theo các truyền thông địa phương, hầu hết các thương vong tại tỉnh Kumamoto, nằm ở trung tâm đảo Kyushu.

Cơ quan quản lý thiên tai và hỏa hoạn Nhật Bản cho biết, tính đến hôm 9/7, hơn 4.700 ngôi nhà đã bị lũ nhấn chìm trên khắp cả nước. Các nhân viên cứu hộ khẩn cấp và 10.000 binh sĩ được triển khai tại khu vực bị ảnh hưởng./.

 

Phạm Cường (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực