Australia phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông

Thứ bảy, 25/07/2020 19:31
(ĐCSVN) – Bệnh nhân ở Đà Nẵng được khẳng định dương tính với SARS-COV-2; khởi tố các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam; Australia phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, là những tin tức đáng chú ý trong ngày 25/7.

Thêm 2 ca mắc COVID-19, Việt Nam có 417 ca bệnh

Bệnh nhân số 416 được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN) 

Trong ngày hôm nay, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19.

Trong đó, đáng chú ý là bệnh nhân 416. Đây là ca lây nhiễm cộng đồng điển hình do nguồn từ bên ngoài xâm nhập vào Đà Nẵng. Bênh nhân là nam, 57 tuổi, thường trú tại tổ 51, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Ngày 17/7/2020 bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt, đến ngày 20/7/2020 nhập viện Bệnh viện C Đà Nẵng với triệu chứng sốt nhẹ, chụp XQ có tổn thương phổi dạng viêm, bệnh nhân đang thở máy do suy hô hấp, hiện đã được chuyển điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Theo thông tin người nhà, trong vòng 01 tháng gần đây, bệnh nhân chỉ ở tại TP. Đà Nẵng, không đi ra ngoại tỉnh, hàng ngày ít đi xa khỏi khu vực lưu trú, chỉ ở nhà trông cháu ngoại, giao tiếp với hàng xóm xung quanh, không tiếp xúc với người lạ.

Bệnh nhân 417 là nữ, 5 tuổi, có địa chỉ tại Hoàng Diệu, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Ngày 09/7, bệnh nhân từ Liên bang Nga về Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VN5062 và được cách ly ngay sau nhập cảnh tại tỉnh Bạc Liêu.

Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần ngày 10/7 và 16/7, kết quả xét nghiệm đều âm tính với SARS-CoV-2.

Ngày 24/7 mẫu lần 3 được gửi Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm, kết quả ngày 25/7 có 1 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.

Như vậy, đến nay Việt Nam có tổng cộng 417 ca mắc COVID- 19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

 Khởi tố các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

 Các đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 25/7, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết vừa khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng ở thành phố Móng Cái do có hành vi “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.

Các đối tượng bị khởi tố gồm: Voòng A Sủi (sinh năm 1997) và Voòng A Hây (sinh năm 1999) - là em ruột của Sủi; Nình Văn Xuân (sinh năm 2002), Phùn Quay Phóng (sinh năm 1998), Phùn Văn Dũng (sinh năm 2001), cùng trú xã Hải Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và Lỷ A Tằng (sinh năm 1995), trú tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã móc nối với 1 người Trung Quốc tên A Lùng qua Wechat thống nhất đưa những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ Đông Hưng (Trung Quốc) đến thành phố Móng Cái, Quảng Ninh (Việt Nam) bằng bè xốp vượt sông biên giới mốc 1355 và dùng xe máy đưa về trung tâm thành phố và nội địa của Việt Nam.

Mỗi vụ trót lọt, A Lùng trả tiền công cho nhóm của Sủi là 4.000 nhân dân tệ/1 người nhập cảnh. Ngày 10/6, nhóm của Sủi đón 4 người Trung Quốc, khi đang di chuyển thì bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ. Trước đó, nhóm đã đưa 2 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. 

Australia phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông

 Tàu chiến Australia tham gia tập trận với Mỹ và Nhật Bản ở Biển Philippines.
(Nguồn: Bộ Quốc phòng Australia)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 23/7, Australia đã gửi công hàm số 20/026 lên Liên hợp quốc bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Công hàm nhấn mạnh Australia nhận thấy "không có cơ sở pháp lý" cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này, bao gồm cả những yêu sách liên quan tới các công trình đảo nhân tạo trên các bãi cạn nhỏ hoặc bãi đá ngầm.

Đáng chú ý, công hàm của Chính phủ Australia cũng khẳng định không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc trong Công hàm gửi LHQ ngày 17/04/2020, nói rằng "các yêu sách chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cộng đồng quốc tế công nhận”

Trước đó, ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó khẳng định Mỹ ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng, theo đó coi "các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp"./.

MT (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực