Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ thay Thủ tướng Triều Tiên

Thứ sáu, 14/08/2020 20:04
(ĐCSVN) - Khởi tố, tạm giam ông Nguyễn Hồng Trường; Cách ly xã hội toàn TP Hải Dương trong vòng 15 ngày; Dự kiến hết tháng 8 kiểm soát được dịch ở Đà Nẵng; Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ thay Thủ tướng Triều Tiên… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay 14/8.

Khởi tố, tạm giam ông Nguyễn Hồng Trường

Ngày 14/8, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, khám xét và bắt tạm giam đối với 4 bị can: Đinh La Thăng, từng là Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT); Nguyễn Hồng Trường, từng là Thứ trưởng Bộ GTVT; Nguyễn Chí Thành, quyền Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT; Lê Trung Cường, chuyên viên Vụ Tài chính, Bộ GTVT.

4 bị can trên bị khởi tố vì tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Ông Nguyễn Hồng Trường. (Ảnh: Dantri.com.vn) 

Trước đó, ông Nguyễn Hồng Trường đã bị xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT (giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2017) vì có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng và Ban Bí thư đã kỷ luật về Đảng.

Ông Nguyễn Hồng Trường được xác định trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ GTVT, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ này.

Ông Nguyễn Hồng Trường cũng chịu trách nhiệm cá nhân về việc ký các quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ GTVT; đề nghị phê duyệt phương án cổ phần hóa, cho cổ phần hóa..., không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật về cổ phần hóa, quản lý vốn tại các doanh nghiệp...

Theo C03, các bị can trên bị khởi tố trong quá trình điều tra mở rộng vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Công ty Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Tuyến cao tốc này dài 62 km, được đầu tư gần 10.000 tỉ đồng và đi vào hoạt động năm 2010. Đầu năm 2014, Công ty Yên Khánh trúng đấu giá hơn 2.000 tỉ đồng, thời gian thu đến cuối năm 2018.

Hải Dương: Cách ly xã hội toàn TP Hải Dương trong vòng 15 ngày

TP Hải Dương thực hiện cách ly xã hội từ 0 giờ ngày 14/8, trong vòng 15 ngày, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; thôn, khu dân cư cách ly với thôn, khu dân cư; xã, phường cách ly với xã, phường; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng và ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào TP Hải Dương trong tối 13/8. (Ảnh:  Tuoitre.vn) 

Người dân thành phố tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Dừng họp các chợ trên địa bàn thành phố, chỉ để lại các cơ sở bán lương thực, thực phẩm.

UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Hải Dương phối hợp với Sở Y tế phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để ổ dịch tại số 36 Ngô Quyền. Áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ tiếp xúc với người bệnh, người qua lại ổ dịch để theo dõi y tế, giám sát, cách ly, xử lý nhanh, triệt để các nguồn lây dịch bệnh.

Trưng dụng khu ký túc xá Trường Đại học Hải Dương làm nơi cách ly tập trung cho tất cả các trường hợp F1 của bệnh nhân 867 và bệnh nhân 751. Giao UBND TP Hải Dương phối hợp với Trường Đại học Hải Dương vận chuyển, đưa đón toàn bộ 152 trường hợp F1 về cách ly tập trung tại khu ký túc xá nhà trường. Trong quá trình di chuyển phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về phòng chống dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.

Công an tỉnh phối hợp với Sở Y tế, UBND TP Hải Dương chỉ đạo Công an thành phố tranh thủ từng giờ, từng phút để nhanh chóng truy vết tất cả các trường hợp F1, F2 liên quan đến bệnh nhân 751 và 867; đồng thời quản lý, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện cách ly của các đối tượng trên. Lập chốt kiểm duyệt tại các lối ra, vào TP Hải Dương trong thời gian cách ly.

Bộ Y tế: 'Dự kiến hết tháng 8 kiểm soát được dịch ở Đà Nẵng'

Bộ Y tế đang phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng, dự kiến hết tháng 8 sẽ "kiểm soát được tình hình".

Sáng 14/8, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 (Ban chỉ đạo), Bộ Y tế nêu nhận định trên và cho biết đang phối hợp với địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng.

Bộ Y tế đã cử những đội tinh nhuệ nhất từ các bệnh viện lớn vào chi viện cho Đà Nẵng, Quảng Nam. Tất cả trang thiết bị cần thiết cũng được đưa vào để phục vụ điều trị. Tuy nhiên, đợt dịch này tấn công vào khu vực xung yếu nhất là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, tính mạng họ vốn đã rất mong manh, sự sống nhiều người phụ thuộc vào máy móc, nên mắc thêm COVID-19 chỉ như "giọt nước tràn ly". Vì vậy, dù các thầy thuốc đã nỗ lực hết sức nhưng nhiều người không qua khỏi.

 
Ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, sáng 14/8. Ảnh: Đình Nam
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, sáng 14/8. (Ảnh: Đình Nam).

Hiện nay, theo Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, chùm ca bệnh ở Hải Dương rất đáng ngại. Cơ quan chuyên môn đang khẩn trương phân tích sâu, xem xét mức độ liên quan giữa chủng virus ở đây với Đà Nẵng, kết quả sẽ có sau một vài ngày.

Ban chỉ đạo cho rằng việc xảy ra chùm ca bệnh tại Hải Dương là biểu hiện cho thấy cộng đồng còn rất chủ quan. Để kiểm soát tình hình, lãnh đạo tỉnh đã cách ly TP Hải Dương, dừng nhiều hoạt động. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ truy vết, cách ly, lấy mẫu diện rộng để xét nghiệm nhanh, ngăn chặn dịch.

Sau khi nghe các ý kiến, Ban chỉ đạo thống nhất nhận định, có thể từ giờ, Việt Nam sẽ "không còn những khoảng thời gian bình yên như trước nữa". Không thể đòi hỏi trên cả nước tuyệt đối không có dịch, bởi nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả các địa phương, hôm nay có thể bùng phát ở nơi này, mai có thể xuất hiện ở nơi khác.

Nhấn mạnh quan điểm dịch bệnh còn kéo dài, Ban chỉ đạo cho rằng Việt Nam chỉ có thể chiến thắng COVID-19 khi có thuốc đặc trị hoặc vacine đặc hiệu. Tiến độ nghiên cứu, sản xuất vacine trong nước đang được đẩy nhanh.

Ban chỉ đạo khẳng định, chiến lược chống dịch của Việt Nam là chiến dịch của nước còn nghèo. Cả cộng đồng phải chung sức để cùng ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan rộng. Phương châm chống dịch từ đầu đến giờ vẫn không thay đổi là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đồng thời, các đơn vị và người dân phải có biện pháp để "sống chung an toàn với dịch".

Trong một diễn biến khác, chiều 14/8, Cục trưởng Quản lý Dược, Bộ Y tế Vũ Tuấn Cường cho biết đã đề xuất đặt mua vaccine COVID-19 từ Nga. Theo ông Cường, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã đồng ý đề xuất này. "Bộ đang hoàn tất các văn bản để trình xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ", ông nói. Tuy nhiên, ông Cường chưa cho biết thêm về kế hoạch đặt mua.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ thay Thủ tướng Triều Tiên

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Yonhap News) 

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 14/8 thông báo Chủ tịch Kim Jong-un đã thay thế vị trí thủ tướng mà ông mới bổ nhiệm 1 năm trước. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang đối mặt với nạn lũ lụt và nền kinh tế quốc gia này dường như đang gặp nhiều thách thức vì lũ lụt và COVID-19.

Theo Bloomberg, vị trí thủ tướng tại Triều Tiên được xem là người chịu trách nhiệm về quản lý kinh tế. Vì vậy, giới quan sát cho rằng việc Chủ tịch Kim bãi nhiệm ông Kim Jae Ryong có thể vì tình hình kinh tế khó khăn của Triều Tiên trong thời gian qua. Người được bổ nhiệm vào vị trí thủ tướng thay ông Kim Jae Ryong là ông Kim Tok Hun, người đứng đầu Ủy ban ngân sách Quốc hội Triều Tiên.

Tại buổi họp Bộ chính trị đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong-un nói rằng lũ lụt đã gây thiệt hại nhưng Triều Tiên không nên nhận viện trợ từ nước ngoài vì mối đe dọa COVID-19.

"Tình hình dịch bệnh Covid-19 xấu đi trên phạm vi toàn cầu dẫn tới việc cần các biện pháp đóng cửa biên giới chặt hơn, cũng như ngăn chặn vi rút nghiêm ngặt hơn và không chấp nhận bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài liên quan tới thiệt hại do lũ lụt gây ra", KCNA dẫn lời ông Kim Jong-un, đưa tin.

Triều Tiên đã hứng chịu lũ lụt từ đầu tháng 8 khi mưa lớn gây ra mối đe dọa có thể phá hỏng mùa màng. Theo giới quan sát, hậu quả từ lũ lụt và nền kinh tế bị suy thoái bởi các biện pháp hạn chế ngăn COVID-19 lây lan có thể khiến Triều Tiên đối mặt với kịch bản khủng hoảng.

Triều Tiên tuyên bố rằng họ hiện chưa có bất cứ ca COVID-19 nào. Bình Nhưỡng hồi tháng trước ban hành lệnh phong tỏa với thành phố Kaesong ở biên giới liên Triều sau vụ một người đào tẩu Triều Tiên nghi mắc COVID-19 trốn từ Hàn Quốc về./.

 

 

 

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực