Công bố quyết định thanh tra Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và "Khu đất vàng" 69 Nguyễn Du

Thứ tư, 08/04/2020 21:00
(ĐCSVN) - Cách ly một thôn ở Hà Nam, một thôn ở Hà Nội vì có bệnh nhân COVID-19; Thanh tra Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và "Khu đất vàng" 69 Nguyễn Du; Khởi tố nguyên Tổng Giám đốc PVOil Nguyễn Xuân Sơn; Chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa tâm dịch Vũ Hán… là những “tin nóng” trong ngày 8/4.
leftcenterrightdel
Xã Bình Nghĩa lập 3 chốt tạm thời do lực lượng công an và quân sự địa phương đảm nhiệm . (Ảnh: Dantri.com.vn) 

Cách ly một thôn ở Hà Nam, một thôn ở Hà Nội vì có bệnh nhân COVID-19

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Mê Linh, Hà Nội sáng nay họp thông qua quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, nơi có bệnh nhân thứ 243 nhiễm COVID-19.

Tổng số hộ dân phải cách ly là 2.973, với 10.872 nhân khẩu. Thời gian thực hiện cách ly y tế là 28 ngày, từ hôm nay đến 6/5. Trong thời gian này, các cơ quan chức năng địa phương sẽ tổ chức khoanh vùng, thiết lập các chốt cách ly, thực hiện các biện pháp bảo đảm y tế, bảo đảm an ninh trật tự và công tác hậu cần phục vụ nhân dân trong vùng ổ dịch.

Huyện Mê Linh bố trí lực lượng 169 người, gồm các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, công an, dân quân tự vệ, cán bộ y tế, thanh niên tình nguyện… Cùng với đó là 47 xe các loại và cơ số thuốc theo quy định.

Liên quan đến bệnh nhân thứ 243, kết quả sơ bộ ghi nhận 104 trường hợp F1, 227 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2), chủ yếu tập trung tại thôn Hạ Lôi.

Cũng liên quan đến bệnh nhân 243, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định có khả năng trường hợp bệnh nhân số 243 không lây nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai vì xét nghiệm kháng thể cho thấy người này mới lây nhiễm. Điều tra dịch tễ cũng cho thấy bệnh nhân số 243 di chuyển nhiều nơi, nên phải đặt vấn đề có thể nguồn lây là từ cộng đồng.

* Sau khi bệnh nhân N.V.Đ. (64 tuổi, trú thôn Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) (bệnh nhân thứ 251) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, Hà Nam đã tiến hành cách ly, phong tỏa toàn bộ thôn này.

14 hộ dân lân cận hộ gia đình bệnh nhân đã được phun thuốc khử khuẩn tiêu độc; lập 3 chốt tạm thời do lực lượng công an và quân sự địa phương đảm nhiệm đã được thành lập để tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống, khai báo y tế và thực hiện cách ly. Đồng thời đưa đi cách ly 9 đối tượng tại Trung tâm y tế huyện; tiếp tục sàng lọc các trường hợp F2. Xã thành lập 3 chốt của 57 hộ của một phần thôn 3 Ngô Khê, đảm bảo cách ly hoàn toàn khu vực có bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Ông Nguyễn Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Lục cho biết, bệnh nhân này khi phát hiện không nằm trong diện cách ly y tế, do vậy đối tượng F1, F2 rất nhiều, công tác triển khai xác định đối tượng F1 gặp nhiều khó khăn. Theo nhận định, số người F1 sẽ tăng lên khoảng 40-50 người và 200-300 người thuộc đối tượng F2.

Trong một thời gian dài khoảng 18 ngày (từ 20/3-7/4), bệnh nhân được điều trị tại khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, nguy cơ lây lan rộng cho nhiều nhân viên y tế. Xác định bệnh nhân số 251 là trường hợp nặng, có tính chất phức tạp, tỉnh Hà Nam đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; xây dựng các phương án, kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch…

Cũng liên quan đến dịch bệnh COVID-19, tính đến ngày 8/4, cả nước đã có thêm 4 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh lên 126 người. Trong số 4 bệnh nhân được công bố, có 3 bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) và 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh). 

Và trong ngày hôm nay, theo bản tin của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới COVID-19, trong đó 1 trường hợp là hàng xóm và tiếp xúc gần với bệnh nhân số 243 ở Mê Linh, Hà Nội. Chiều nay, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới. Hiện tại, trong số các ca đang điều trị đã có 25 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2; 17 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.

leftcenterrightdel
 Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 do PVC làm tổng thầu đang gặp khó khăn. (Ảnh: Phạm Dung)

Thanh tra Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và "Khu đất vàng" 69 Nguyễn Du

Chiều 8/4, Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố quyết định thanh tra một số nội dung đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Thời gian thanh tra là 15 ngày làm việc thực tế tại đơn vị, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, lễ theo quy định).

Về nội dung thanh tra, Đoàn thanh tra tập trung làm rõ việc chỉ định thầu đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; việc bổ sung Dự án vào danh mục các dự án nguồn điện cấp bách để thực hiện theo Quyết định số 2414/QĐ- TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ; việc quyết định chủ trương, phê duyệt đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; việc điều chỉnh Dự án, tăng tổng mức đầu tư Dự án, điều chỉnh giá trị Hợp đồng EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Thời kỳ thanh tra từ khi chuẩn bị thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đến 30/3/2020.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ đô la Mỹ), công suất thiết kế 1.200 MW, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017 và tổ máy 2 vào 2018. Tuy nhiên đến nay, hai tổ máy vẫn chưa thể hoàn thành.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ thanh tra, làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. "Khu đất vàng" 69 Nguyễn Du trước đây là biệt thự có diện tích 569,7 m2, đã được UBND thành phố Hà Nội bán chỉ định cho Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam để cải tạo làm trụ sở; thời gian sử dụng 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được thành phố Hà Nội cho phép. Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã lập dự án với tên gọi "Tòa nhà Văn phòng 69 Nguyễn Du", có diện tích đất 596,7 m2, diện tích xây dựng công trình 406,2 m2, quy mô 8 tầng. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 130 tỷ đồng, trong đó 45% vốn tự có, còn lại vay tín dụng thương mại.

Thời kỳ thanh tra đối với Dự án này là thời gian thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du; khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ trên.

leftcenterrightdel
 
 Bị can Nguyễn Xuân Sơn (trái) và Vũ Trọng Hải. (Ảnh Bộ Công an)

Khởi tố nguyên Tổng Giám đốc PVOil Nguyễn Xuân Sơn

Ngày 8/4, theo thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Ngân hàng OceanBank; đồng thời ra Quyết định khởi tố hai bị can là lãnh đạo, cán bộ của PVOil.

Việc khởi tố nằm trong quá trình điều tra giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm (sinh năm 1972, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương - OceanBank) và đồng phạm, phần liên quan đến các tổ chức kinh tế nhận tiền ngoài lãi suất tiền gửi (lãi ngoài) của Ngân hàng OceanBank.

Căn cứ tài liệu, kết quả điều tra, ngày 7/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại PVOil và Ngân hàng OceanBank.

Đồng thời, Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355 Bộ luật Hình sự đối với 2 bị can, gồm: Nguyễn Xuân Sơn ( sinh năm 1959, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PVOil); Vũ Trọng Hải (sinh năm 1968, nguyên Kế toán trưởng Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PVOil).

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tập trung điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng vụ án, triệt để thu hồi tài sản về cho Nhà nước.

leftcenterrightdel
Đội ngũ y bác sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ chia tay nhau ở sân bay quốc tế Thiên Hà Vũ Hán ngày 8/4 . (Ảnh: REUTERS)

Chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa tâm dịch Vũ Hán

Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến 13h30 ngày 8/4, toàn thế giới có hơn 1,4 triệu ca bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), hơn 82.000 người chết và hơn 302.000 người hồi phục. Tại Mỹ gần 2.000 người chết trong 24 giờ, trong khi Pháp vượt mốc 10.000 ca tử vong. Liên bang Nga ghi nhận thêm 1.175 trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2, mức cao kỷ lục trong một ngày và 5 ca tử vong.

Liên quan đến dịch bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo thế giới đang cần khoảng 6 triệu y tá, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Trong một diễn biến khác, kể từ 0h ngày 8/4 (giờ địa phương), thành phố Vũ Hán – siêu đô thị tại miền Trung, Trung Quốc cũng là nơi khởi phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 11 tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó, toàn bộ lệnh hạn chế đi lại sẽ được dỡ bỏ, các hệ thống sân bay, đường sắt, đường thủy, cao tốc cũng như các trạm kiểm soát giao thông sẽ nối lại hoạt động. Hiện tại, người dân Vũ Hán được phép rời khỏi nhà. Tuy nhiên chính quyền vẫn khuyến cáo mọi người tránh rời địa bàn sinh sống, cũng như di chuyển khỏi Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc trừ trường hợp cần thiết.../.

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực