Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến hầu tòa

Thứ hai, 18/05/2020 20:27
(ĐCSVN) – Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến hầu tòa; "Giang 36" bị tuyên 4 năm tù; Giải cứu thành công 12 thiếu nữ bị giam lỏng, ép phục vụ quán karaoke và một số tin tức liên quan tới diễn biến đại dịch COVID-19 là những tin đáng chú ý trong ngày 18/5.

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến gây thất thoát gần 940 tỷ đồng

Ông Nguyễn Văn Hiến tại phiên tòa sáng 18/5. Ảnh: Đức Lúy.  

Sáng 18/5, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân xét xử ông Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với mức truy tố 7-12 năm tù.

Liên quan vụ án, 4 người bị xét xử về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai là Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân), Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng phòng Tài chính Quân chủng), Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty Hải Thành) và Trần Trọng Tuấn (cựu Phó giám đốc công ty này).

3 bị cáo còn lại cùng hầu tòa về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc", cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), Phạm Văn Duyệt (cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) và Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Công ty Yên Khánh).

Phiên sơ thẩm diễn ra tại Tòa án Quân sự thủ đô, dự kiến kéo dài 4 ngày. Thẩm phán Lê Thành Nam làm chủ tọa, 4 kiểm sát viên VKS Quân sự Trung ương và 24 luật sư tham gia tố tụng. Trong 8 bị cáo hầu tòa, ông Hiến cùng 4 người được tại ngoại.

Theo cáo buộc, khi đang giữ chức Tư lệnh Quân chủng Hải quân, ông Hiến không kiểm tra, tin tưởng cấp dưới nên đã ký và phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế trái quy định của Bộ Quốc phòng, của Chính phủ và Luật Đất đai 2013.

Ông Hiến cũng bị cáo buộc đã thiếu kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau khi ủy quyền cho Giám đốc Công ty Hải Thành ký hợp đồng, ông Hiến đã không trực tiếp kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan và doanh nghiệp này.

Sự thiếu trách nhiệm nêu trên dẫn đến việc đối tác đã sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và chuyển quyền sở hữu cho bên thứ ba.

VKS Quân sự Trung ương cáo buộc hành vi của ông Hiến đã khiến Quân chủng Hải Quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM) trong thời gian 49 năm. Từ đó gây thất thoát cho Nhà nước gần 940 tỷ đồng.

"Giang 36" bị tuyên 4 năm tù

Các bị cáo chờ nghe tuyên án. Ảnh: Báo Lao động 

Ngày 18/5, Toà án Nhân dân thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) đã mở phiên toà xét xử tội gây rối trật tự công cộng đối với Ngô Đình Giang (tức Giang “36”) cùng các đàn em, đồng phạm trong vụ giang hồ vây xe chở công an Đồng Nai xảy ra trước quán nhậu Lam Viên, phường Hiệp Hoà vào ngày 12/6/2019.

Tại phiên toà, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Tấn Lương 4 năm tù; Ngô Đình Giang 4 năm tù ; Nguyễn Duy Kỷ 3 năm 6 tháng tù; Mai Văn Căn 2 năm 6 tháng tù và Nguyễn Văn Sơn 2 năm 6 tháng tù.

Giải cứu thành công 12 thiếu nữ bị giam lỏng, ép phục vụ quán karaoke

Ngày 18/5, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa triệt phá đường dây chăn dắt, bắt ép hàng chục thiếu nữ phục vụ quán hát karaoke và giải cứu thành công 12 thiếu nữ (đa số dưới 16 tuổi).

Trước đó, vào đêm ngày 17/5, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an huyện Đông Sơn bất ngờ đột kích vào một ngôi nhà 3 tầng (tại thôn Yên Doãn, xã Đông Yên, huyện Đông Sơn), giải cứu thành công 12 nữ nhân viên phục vụ các quán karaoke đang bị khống chế, giam lỏng tại đây.

Được biết, đa số các nữ nhân viên này đều có độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi và quê quán ở các huyện miền núi như Quế Phong, Tương Dương (tỉnh Nghệ An), huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), huyện Phước Thiện (tỉnh Gia Lai).

Tiến hành đấu tranh, mở rộng chuyên án, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ Trần Quốc Tuấn (22 tuổi, trú  tại xã Đông Văn, huyện Đông Sơn) để điều tra về hành vi “giữ người trái pháp luật”.

Cơ quan điều tra khám xét các phòng, nơi những thiếu nữ bị bắt nhốt. Ảnh: CA Thanh Hóa 

Theo kết quả điều tra ban đầu, Lê Văn Tiến (26 tuổi, trú tại xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn) là đối tượng chuyên chăn dắt, bắt ép các thiếu nữ phục vụ tại các quán hát karaoke trên địa bàn các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn và một số địa bàn lân cận.

Để thu hút các cô gái, Tiến đã thuê Trần Quốc Tuấn và một số đối tượng khác thường xuyên đăng thông tin trên mạng xã hội, tìm kiếm nhân viên phục vụ tại các cửa hàng buôn bán quần áo, nhà hàng ăn uống... với mức lương cao. Khi các cô gái mắc bẫy, những đối tượng này sẽ đón về nơi tập kết và ép buộc đi phục vụ các quán hát karaoke. Trường hợp nào không đồng ý, các đối tượng sẽ nhốt vào phòng trọ, đánh đập và đe dọa khiến nạn nhân sợ hãi và làm theo yêu cầu.

Theo hầu hết các nạn nhân, do điều kiện gia đình miền núi khó khăn, nên khi được giới thiệu xuống phục vụ quán ăn với mức lương tốt, nên họ đã đồng ý. Tuy nhiên, khi đến nơi thì bị các đối tượng bắt phục vụ quán karaoke. Nếu trường hợp nào không làm theo thì bị các đối tượng dọa đánh, báo công an bắt nhốt vì vi phạm hợp đồng nên đành phải làm.

Hiện, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ hình sự Trần Quốc Tuấn về hành vi “giữ người trái pháp luật”; đồng thời truy bắt Lê Văn Tiến để điều tra, làm rõ vụ việc.

Việt Nam có 4 ca mắc COVID-19 mới

Tối 18/5, Bộ Y tế cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, theo đó, có thêm 4 bệnh nhân mắc COVID-19 mới được xác nhận.

4 ca mắc mới bao gồm 2 tiếp viên của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay VN0062 từ Mátxcơva (LB Nga) về Vân Đồn ngày 13.5 và 2 hành khách trên chuyến bay VN001 từ Washington D.C (Hoa Kỳ) về Sân bay Quốc tế Nội Bài ngày 16/5. Tất cả các ca dương tính trên đều được cách ly sau khi nhập cảnh và không có nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng.

Trong khi đó, theo Worldometers, số ca mắc COVID-19 toàn cầu tính tới 6h sáng 18/5 đã lên tới 4.798.119 ca, với 316.507 ca tử vong và 1.855.0791 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục.

Theo quốc gia và vùng lãnh thổ, Nga vươn lên vị trí thứ 2 sau Mỹ về số ca mắc. Theo đó, Nga có 281.752 ca mắc COVID-19 và 2.631 ca tử vong. Tại Mỹ, con số này lần lượt là 1.526.800 và 90.973. Ấn Độ gia hạn phong tỏa tới 31/5 khi số ca mắc COVID-19 tăng.

Ô nhiễm không khí tăng trở lại ở Trung Quốc

Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 18/1/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Theo một nghiên cứu công bố ngày 18/5, nồng độ một số chất gây ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đã tăng trở lại cao hơn các mức ghi nhận năm ngoái, sau khi giảm mạnh trong bối cảnh chính phủ nước này áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế dịch COVID-19.

Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không khí sạch và Năng lượng (CREA) có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan) cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc quay trở lại là do hoạt động công nghiệp được nối lại. Theo các chuyên gia, sau nhiều tháng ô nhiễm không khí ở mức rất thấp nhờ các biện pháp hạn chế xã hội nhằm kiềm chế dịch bệnh, nỗ lực khởi động lại hoạt động kinh tế đã khiến khí thải gây ô nhiễm tăng đột biến.

Nồng độ trung bình một số chất gây ô nhiễm không khí tại Trung Quốc trong tháng 2 đã giảm xuống các mức thấp đáng kể so với cùng kỳ năm 2019 khi các biện pháp phong tỏa buộc nhiều nhà máy phải đóng cửa khiến nhu cầu điện giảm và hoạt động giao thông cũng giảm do người dân phải ở nhà. Tuy nhiên, nồng độ trung bình một số chất gây ô nhiễm đã tăng trở lại và cao hơn trong 30 ngày tính đến ngày 8/5 so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kết quả phân tích dữ liệu của 1.500 trạm giám sát chất lượng không khí ở Trung Quốc, các loại khí NO2, SO2 và bụi mịn gia tăng trong không khí, cho thấy hoạt động công nghiệp phục hồi làm tăng các chất gây ô nhiễm này.

Các khu vực tập trung nhiều nhà máy ghi nhận tăng nồng độ khí thải NO2 cao hơn. Tại các khu vực đô thị đông dân cư, nơi các phương tiện giao thông là nguồn phát thải chính, lượng khí NO2 tăng ít hơn./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực