Dàn nguyên lãnh đạo Petroland gây thiệt hại 50,6 tỉ đồng

Thứ tư, 23/09/2020 20:09
(ĐCSVN) - Truy tố Chủ tịch Hội đồng quản trị Petroland Bùi Minh Chính và đồng phạm; xét xử vụ án tham ô tài sản tại Công ty Lương thực Trà Vinh và Vinafood 2; Tổng thống Hàn Quốc đề nghị tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên… là những tin tức đáng chú ý ngày 23.9.

Truy tố Chủ tịch Hội đồng quản trị Petroland Bùi Minh Chính và đồng phạm

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa hoàn tất cáo trạng vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và Đô thị dầu khí (Petroland); truy tố Bùi Minh Chính (Chủ tịch Hội đồng quản trị Petroland) cùng đồng phạm về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", gây thiệt hại cho Petroland số tiền 50,6 tỉ đồng.

Trong vụ án này, 8 bị can bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự gồm: Bùi Minh Chính (Chủ tịch Hội đồng quản trị Petroland); Phạm Thúy Nga (Kế toán trưởng Petroland); Nguyễn Thị Hoàng Yến (Trưởng bộ phận kinh doanh Sàn giao dịch Petroland); Lê Tú Phương (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hạnh An); Nguyễn Bá Hội (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Khôi Nguyên); Dương Công Thọ (Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Bất động sản Tân Hưng); Nguyễn Thị Ngọc Tuyền (lao động tự do); Nguyễn Thế Công (Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Bình An).

Bị can Bùi Minh Chính (Chủ tịch Hội đồng quản trị Petroland). Ảnh: phapluatplus.vn.

Theo cáo trạng, Công ty Petroland được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng phía Nam. Petroland có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, các cổ đông đóng góp lớn: Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); Công ty TNHH MTV Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL); Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV); Công ty cổ phần Dầu khí Đông Đô. Trong đó, PVOIL là doanh nghiệp Nhà nước. 

Theo lời khai của các bị can, để có tiền chi đối ngoại khi làm các thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục hoàn công, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho các dự án của Petroland, chi tiếp khách, đối ngoại, lễ, Tết, tặng quà cấp trên, phục vụ đi công tác nước ngoài cùng lãnh đạo cấp trên, các bị can đã bàn nhau lập "khống" các hợp đồng dịch vụ môi giới, chuyển nhượng bất động sản với các công ty có chức năng môi giới bất động sản để ký "khống" các hợp đồng dịch vụ và các giấy tờ nhằm hợp thức thủ tục ký kết và thanh toán hợp đồng. 

Sau đó, Petroland chuyển tiền vào tài khoản của các công ty môi giới, yêu cầu phía công ty môi giới rút tiền mặt và chuyển lại cho Ngô Hồng Minh (Giám đốc Petroland), Trần Hữu Giang (Phó Giám đốc Petroland). Số tiền thanh toán được từ các hợp đồng môi giới "khống" sẽ chi cho phía các công ty môi giới 35%, còn lại 65% Giang quản lý và chi theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Petroland. 

Kết quả từ năm 2012 đến năm 2017, Ngô Hồng Minh, Trần Hữu Giang và Bùi Minh Chính đã bàn bạc làm trái công vụ, trái quy định của pháp luật, lập "khống" 17 hợp đồng và 1 Phụ lục hợp đồng dịch vụ môi giới, tư vấn, chi tiền, gây thiệt hại cho Petroland số tiền 50,6 tỉ đồng. 

Đồng phạm với Bùi Minh Chính còn có 3 nhân viên của Petroland gồm: Phạm Thúy Nga; Nguyễn Tư Khánh; Nguyễn Thị Hoàng Yến. Các đối tượng là Giám đốc các công ty môi giới gồm Lê Tú Phương, Nguyễn Bá Hội, Nguyễn Thế Công, mặc dù biết rõ không có việc môi giới, tư vấn nhưng vẫn giúp sức cho Trần Hữu Giang, Nguyễn Tư Khánh ký "khống" hợp đồng dịch vụ, hồ sơ thanh toán, xuất "khống" hóa đơn giá trị gia tăng và rút tiền mặt chuyển lại cho Trần Hữu Giang, Nguyễn Tư Khánh.

Dương Công Thọ và Nguyễn Thị Ngọc Tuyền là những đối tượng trung gian, biết rõ các công ty môi giới do mình giới thiệu không cung cấp dịch vụ cho Petroland nhưng vì vụ lợi đã giúp sức cho Nguyễn Tư Khánh ký "khống" hợp đồng, chứng từ, xuất "khống" hóa đơn giá trị gia tăng…

Xét xử vụ án tham ô tài sản tại Công ty Lương thực Trà Vinh và Vinafood 2

Ngày 23/9, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Lương thực Trà Vinh và Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), với tổng cộng 16 bị cáo hầu tòa.

 Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: Thành Chung/TTXVN.

Trong đó, các bị cáo Trần Văn Tâm (sinh năm 1975, nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh), Nguyễn Tấn Vinh (sinh năm 1979, nguyên Kế toán trưởng Công ty Lương thực Trà Vinh), Phan Văn Hiệp (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Chế biến lương thực Cầu Kè), Nguyễn Nhất Thống (sinh năm 1974, nguyên Trưởng phân xưởng chế biến lương thực Tân An Luông), Cao Minh Chiểu (sinh năm 1984, nguyên Kế toán Xí nghiệp chế biến lương thực Cầu Kè) và Cao Tấn Được (sinh năm 1982, nguyên Kế toán Phân xưởng chế biến lương thực Tân An Luông) bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Nhóm các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999; gồm các bị cáo Huỳnh Thế Năng (sinh năm 1959, nguyên Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc), Vũ Bá Vinh (sinh năm 1959, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Trưởng ban Kiểm soát nội bộ), Huỳnh Văn Tranh (sinh năm 1961, nguyên Kiểm soát viên phụ trách chung) và Trịnh Ngọc Thuận (sinh năm 1976, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán).

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, từ ngày 26/12/2013 đến ngày 30/3/2015, Trần Văn Tâm lợi dụng chức vụ quyền hạn là Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh, đã cùng với Nguyễn Tấn Vinh, Phan Văn Hiệp, Nguyễn Nhất Thống, Cao Minh Chiểu, Cao Tấn Được thực hiện hành vi tham ô số tiền hơn 5,1 tỷ đồng của Vinafood 2 để hợp thức khoản tiền mua, bán hai căn nhà số 36 Võ Thị Sáu, số 68 Bạch Đằng, thành phố Trà Vinh của Tổng Công ty, chuyển thành tài sản cá nhân của Trần Văn Tâm.

Từ năm 2012 đến năm 2017, Trần Văn Tâm cùng các đồng phạm Nguyễn Tấn Vinh, Phan Văn Hiệp, Cao Minh Chiểu, Nguyễn Nhất Thống, Cao Tấn Được, Lê Hoàng Minh, Lê Châu Giang, Nguyễn Vĩ Long, Võ Văn Sen, Hồ Phú Lộc, Nguyễn Thị Liễu đã thực hiện hành vi mua bán khống hàng hóa, rút tiền của Vinafood 2 sử dụng không đúng mục đích gây thiệt hại hơn 127 tỷ đồng.

Từ năm 2012 đến năm 2017, bị cáo Huỳnh Thế Nam (nguyên Tổng Giám đốc Vinafood 2) và 3 cấp dưới liên quan đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện và thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong công tác kiểm tra, giám sát việc kiểm kê tài sản, lập báo cáo tài chính, kiểm tra, giám sát về tài chính, kế toán, tình hình huy động và sử dụng vốn tại Công ty Lương thực Trà Vinh, để Trần Văn Tâm và đồng phạm lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho Tổng Công ty.

Dự kiến phiên tòa xét xử đến ngày 30/9.

Tổng thống Hàn Quốc đề nghị tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 23/9 đã nhắc lại lời kêu gọi tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, cho rằng hành động này sẽ mở đường cho tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong bài phát biểu được ghi hình gửi đến Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ: “Đã đến lúc xóa bỏ bi kịch kéo dài trên Bán đảo Triều Tiên. Chiến tranh phải chấm dứt, hoàn toàn và mãi mãi.”

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: EPA-EFE) 

Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa của hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, cho rằng yếu tố này sẽ đảm bảo nền hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á và mang lại những thay đổi tích cực đối với trật tự thế giới.

Tổng thống Moon Jae-in quả quyết: “Tôi tin rằng hòa bình sẽ bắt đầu với việc tuyên bố kết thúc chiến tranh, một hành động có thể khẳng định những cam kết chung đối với hòa bình. Thật vậy, tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ mở ra cánh cửa cho tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.”

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng đề nghị cộng đồng quốc tế nhìn nhận các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên qua “lăng kính hợp tác quốc tế toàn diện hơn.”

Liên quan đến vấn đề này, ông Moon Jae-in đề xuất triển khai Sáng kiến Hợp tác Đông Bắc Á dành cho Công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Y tế Công cộng, nhờ đó Triều Tiên có thể tham gia với tư cách của một thành viên cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft ngày 22/9 cho rằng những cuộc gặp mang tính lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giúp giảm căng thẳng và có thể dẫn đến hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực