Gia Lai phát hiện 10 ca bệnh bạch hầu, 1 bệnh nhân đã tử vong

Chủ nhật, 05/07/2020 20:44
(ĐCSVN) - Gia Lai phát hiện 10 ca bệnh bạch hầu, 1 bệnh nhân đã tử vong; Bắt giữ lượng thuyền lớn khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai; Số người thiệt mạng do lũ lụt ở Nhật Bản và mưa dông ở Ấn Độ tăng cao… là một số tin đáng chú ý hôm nay (5/7).

Ngành y tế tỉnh Gia Lai thực hiện phun khử khuẩn môi trường tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa - nơi có ca bệnh bạch hầu tử vong. (Ảnh: Quang Thái - TTXVN )

Gia Lai phát hiện 10 ca bệnh bạch hầu, 1 bệnh nhân đã tử vong

Chiều 5/7, Sở Y tế Gia Lai cho biết, đã phát hiện tổng cộng 10 ca nhiễm bệnh bạch hầu, trong đó 1 bệnh nhân đã tử vong trên địa bàn. Trong số 26 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc gần với ca mắc bệnh bạch hầu đầu tiên của tỉnh Gia Lai gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm thì có tới 9 mẫu dương tính với bệnh bạch hầu.

Ca bệnh đầu tiên mắc bệnh bạch hầu là cháu V. (4 tuổi, trú xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa) bị sốt từ ngày 28/6, nhưng gia đình chỉ mua thuốc tự uống ở nhà. Đến ngày 3/7, cháu V. được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Đăk Đoa điều trị, được chẩn đoán bị áp xe amidal thành họng. 

Sau đó, cháu V. được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Gia Lai và được chẩn đoán bị áp xe amidal, thanh quản giả mạc, viêm phổi, nghi nhiễm bạch hầu. Trung tâm phòng chống bệnh tật tỉnh Gia Lai thực hiện lấy sinh phẩm, xét nghiệm bạch hầu. Theo kết quả ngày 4/7 từ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho thấy cháu V. dương tính với bạch hầu. Đến sáng nay  (5/7), cháu V. đã tử vong khi đang được điều trị. 

Trong 9 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu còn lại có cha, mẹ của bệnh nhi V.; các ca còn lại là họ hàng, người quen ở làng Bông Hiot. Như vậy, Gia Lai đã ghi nhận 10 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong là cháu Vung (4 tuổi, trú tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa).

Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, sáng 5/7, đoàn công tác của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cùng ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã khảo sát và triển khai các biện pháp khẩn cấp chống dịch. Trước mắt, tập trung khám sàng lọc và điều trị kháng sinh dự phòng cho toàn bộ người dân xã Hải Yang. Ngoài ra, tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc nghi ngờ mắc bệnh để lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm khẳng định.

Tại khu vực cửa ngõ ra vào làng Bông Hiot, huyện Đak Đoa đã thành lập chốt kiểm dịch, hạn chế người ra vào để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ông Mai Xuân Hải cho biết thêm, hiện công tác phòng chống dịch đang được ngành y tế triển khai quyết liệt, trong ngày 5/7 đã có 3 đoàn trực tiếp xuống xã Hải Yang thực hiện các biện pháp chống dịch. Trước mắt tổ chức khám sàng lọc, phun dung dịch khử khuẩn môi trường… Các trường hợp nghi nhiễm bệnh được đưa vào cách ly tại bệnh viện Nhi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.

 Tang vật một vụ khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

 Bắt giữ lượng thuyền lớn khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai

Ngày 5/7, Công an tỉnh Đồng Nai lập hồ sơ, tạm giữ 11 thuyền để làm rõ hành vi của các đối tượng khai thác, vận chuyển cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành, tỉnh Đồng Nai. 

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, khoảng 1 giờ sáng ngày 5/7, Phòng Cảnh sát giao thông (PC08), Công an tỉnh Đồng Nai đang tuần tra trên sông Đồng Nai (đoạn thuộc xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) thì phát hiện hai thuyền đang khai thác, vận chuyển cát trái phép. Ngay lập tức, lực lượng công an áp sát, tuy nhiên, các đối tượng trên thuyền đã nhanh chóng nhảy xuống sông, trốn thoát. Tổ công tác của Phòng PC 08 đã tạm giữ hai thuyền để xác minh.

Trước đó, ngày 4/7, các lực lượng thuộc Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang tụ điểm khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, khu vực thuộc rạch Bà Chèo, xã Tam An, huyện Long Thành. Khi bị lực lượng công an truy đuổi, các đối tượng bơm hút cát đã rút lù, nhấn chìm một thuyền bơm hút cát và nhảy xuống sông. Trong khi đó, những đối tượng khác điều khiển 8 thuyền vận chuyển chạy vào các rạch nhỏ. Sau quá trình truy đuổi, lực lương công an đã khống chế được tất cả 8 thuyền đang chở tổng cộng khoảng 130 m3 cát. Sau khi trục vớt thuyền bơm hút cát bị đánh chìm, lực lượng chức năng đã đưa cả 9 thuyền về trụ sở để phục vụ công tác điều tra. 

Sông Kuma bị tràn bờ tại hơn 10 điểm. Ảnh: NHK/Guardian 

Số người thiệt mạng do lũ lụt ở Nhật Bản và mưa dông ở Ấn Độ tăng cao

Ngày 5/7, nhà chức trách Nhật Bản xác nhận 18 người đã thiệt mạng và ít nhất 16 người khác mất tích trong các trận lũ quét do mưa lớn kéo dài tại tỉnh Kumamoto (Cư-ma-mô-tô), Tây Nam nước này, trong 3 ngày qua. Các nạn nhân thiệt mạng chủ yếu ở các thành phố Hitoyoshi (Hi-tô-i-ô-si), Ashikita (A-si-ki-ta) và Tsunagi (Chư-nô-ghi).

Hiện các nhân viên cứu hộ đang nỗ lực tiếp cận những điểm ngập nước sâu dọc sông Kuma (Cu-ma), nơi nước lũ dâng cao gây vỡ một số bờ chắn sáng 4/7. Ở làng Kuma, khoảng 50 người đã được cứu thoát khỏi trung tâm an dưỡng Senjuen bị ngập lụt. Trước đó, nhà chức trách ngày 4/7 thông báo tìm thấy 14 người "không còn dấu hiệu sự sống" tại khu vực bị chìm sâu trong nước lũ này, nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức về những nạn nhân này. Thủ tướng Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) cho biết khoảng 10.000 nhân viên cứu hộ thuộc Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF) sẽ được huy động để tham gia công tác cứu hộ. 

Trước đó, những trận mưa lớn kéo dài trong hai ngày 3 và 4/7 đã trút xuống khu vực miền Nam Nhật Bản, khiến Cơ quan Khí tượng Nhật Bản lần đầu tiên nâng cảnh báo mưa lớn ở nhiều nơi trong hai tỉnh trên lên mức cao nhất. Khoảng 203.200 người đã được yêu cầu sơ tán. Theo Công ty điện lực Kyushu, đến chiều 5/7, khoảng 4.650 ngôi nhà tại tỉnh Kumamoto vẫn bị mất điện. Công ty đường sắt Kyushu cho biết dịch vụ đường sắt Shinkansen ở hai tỉnh trên đã phải ngừng hoạt động.

Cùng ngày 5/7, giới chức Ấn Độ cho biết, trong 24 giờ qua, ít nhất 20 người đã thiệt mạng do mưa dông, sấm sét ở bang Bihar (Bi-ha), miền Đông nước này. 

Theo một quan chức tại cơ quan quản lý thiên tai bang Bihar, các nạn nhân thiệt mạng ở các huyện Bhojpur (Bô-pua), Saran (Xa-ran), Kaimur (Caimua), Patna (Pát-na) và Buxar (Bu-xa). Trước đó, cũng tại bang Bihar có 8 người thiệt mạng trong những vụ việc  tương tự xảy ra ngày 3/7. Như vậy, tính từ đầu tuần qua tại bang này đã có tổng cộng 65 người thiệt mạng do dông sét. Tuần trước, con số này là 83 người.

Quan chức trên khuyến cáo người dân tránh ra khỏi nhà khi có sấm sét, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống thiên tai. 

Hiện Ấn Độ đang trải qua đợt gió mùa Tây Nam gây mưa dông lớn trên diện rộng./.

 

 

P.V (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực