Không ai trong số giáo viên hợp đồng ở Hà Nội được xét đặc cách

Thứ sáu, 13/09/2019 18:38
(ĐCSVN) – Không ai trong số giáo viên hợp đồng ở Hà Nội được xét đặc cách; Khởi tố bổ sung tội đưa và nhận hối lộ trong vụ gian lận điểm thi tại tỉnh Hòa Bình; Bãi công phản đối kế hoạch giảm phúc lợi hưu trí ở Pháp;...là những tin nóng trong ngày hôm nay (13/9).

Không ai trong số giáo viên hợp đồng ở Hà Nội được xét đặc cách

  Ảnh minh họa ( Nguồn: vietnamnet.vn) 

Theo thông báo kết luận mới nhất của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, không có ai trong số 2.923 giáo viên hợp đồng lâu năm có đủ điều kiện để xét đặc cách.

Cụ thể, qua rà soát của các quận, huyện, thị xã, không ai trong số 2.923 giáo viên của Hà Nội đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định 161/2018.

Tất cả các giáo viên đều bị loại không được xét tuyển đặc cách ở tiêu chí “Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”.

Như vậy, gần 3.000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội từng có thời gian công tác từ 5 – 20 năm sẽ phải trải qua kỳ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục bằng hai hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển mà không có bất kỳ ưu tiên gì. 

Gian lận điểm thi tại Hoà Bình: Khởi tố bổ sung tội đưa và nhận hối lộ

 

(Nguồn: cand.com.vn)

Ngày 12/9/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”, ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can, Quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị can thuộc vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ và nhận hối lộ”.

Đối với nhóm tội đưa, nhận hối lộ: Khởi tố bổ sung đối với bị can Đỗ Mạnh Tuấn, sinh năm 1979, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình về tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ Luật hình sự.

Khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ Luật hình sự đối với Hồ Chúc, sinh năm 1975, Giáo viên Trường Trung học phổ thông Thanh Hà, tình Hòa Bình.

Đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ra Quyết định khởi tố bị can, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 06 bị can cùng về tội “Lợi dụng, chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ Luật hình sự gồm:

Đào Ngọc Thuật, sinh năm 1980, Giáo viên Trường Trung học phổ thông Mường Bi, tỉnh Hòa Bình.

 Lê Thị Hồng, sinh năm 1969, Hiệu  trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình.

 Nguyễn Đức Hoàng, sinh năm 1979, Thanh tra viên Phòng Thanh tra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình.

 Nguyễn Tân Hưng, sinh năm 1979, Cán bộ Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình.

 Phùng Văn Thụ, sinh năm 1966, Trường Phòng Giáo dục thường xuyên, Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình.

Quách Thanh Phúc, sinh năm 1969, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông 19/5, Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Trong đó, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đào Ngọc Thuật, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư  trú đối với 05 bị can còn lại.

 Ngày 13/9/2019, sau khi có Quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Hồ Chúc và Đào Ngọc Thuật; khám xét chỗ ở, nơi làm việc và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thị Hồng, Nguyễn Đức Hoàng, Nguyễn Tân Hưng, Phùng Văn Thụ, Quách Thanh Phúc.

Hiện vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.

Bãi công phản đối  kế hoạch giảm phúc lợi hưu trí ở Pháp

Công nhân, viên chức ngành vận tải tiến hành bãi công phản đối cải cách lương hưu, tại Paris (Pháp) ngày 13/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giao thông ở thủ đô Paris của Pháp đã rơi vào tình trạng hỗn loạn trong ngày 13/9 khi các công nhân, viên chức ngành vận tải tiến hành cuộc bãi công nhằm phản đối các kế hoạch giảm phúc lợi hưu trí.

Theo đó, 10 trong số 16 tuyến tàu điện ngầm ở Paris và 2 tuyến đường sắt chính trong khu vực đã tạm ngừng hoạt động vào giờ cao điểm buổi sáng, khiến những người đi làm ở "kinh đô ánh sáng" chật vật tìm phương tiện thay thế để tới công sở. Đây là cuộc bãi công lớn nhất ở Paris kể từ năm 2007 đến nay.

Cuộc bãi công này bị xem là thách thức đối với các kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron. Các công đoàn muốn sử dụng cuộc bãi công như một lời cảnh báo gửi tới chính quyền của Tổng thống Macron trong bối cảnh nhà lãnh đạo Pháp chuẩn bị công bố kế hoạch hợp nhất 42 chế độ lương hưu khác nhau của nước này thành một chế độ duy nhất dựa trên thang điểm.

Chế độ lương hưu dành cho các công nhân, viên chức ngành giao thông vận tải của Pháp quy định độ tuổi nghỉ hưu của nhân viên lái xe và các nhân viên khác làm việc dưới lòng đất là 52 tuổi, sớm hơn 10 năm so với độ tuổi nghỉ hưu hợp pháp của các ngành khác để có thể hưởng toàn bộ phúc lợi hưu trí./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực