Liên tiếp những tin vui trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam

Thứ bảy, 18/04/2020 19:57
(ĐCSVN) - Việt Nam bước sang ngày thứ 3 không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới; Thêm 03 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; Công bố ứng dụng truy dấu F1, F2 khi xuất hiện ca mắc COVID-19... là những tin tức đáng chú ý trong ngày hôm nay (18/4).

Việt Nam sang ngày thứ 3 không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới

 

Hôm nay, Việt Nam ghi nhận nhiều tin vui trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Cụ thể, theo bản tin lúc 18 giờ ngày 18/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đến nay số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam vẫn là 268 ca. Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ ngày 7/3, đã 2,5 ngày trôi qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới.

Trong số 268 ca mắc COVID-19 có 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 62.998. Trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 279; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.338; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 51.381.

Thêm 3 bệnh nhân người nước ngoài mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh

 Có 3 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh ngày 18/4, trong đó có 2 người nước ngoài được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: TL)

Tin vui khác trong công tác phòng chống COID-19 là trong ngày hôm nay đã có thêm 3 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, trong đó có 1 bệnh nhân người Anh và 2 bệnh nhân người Brazil.

Cụ thể, tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, bệnh nhân số 97 (nam, 34 tuổi, quốc tịch Anh) đã được công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân vào viện ngày 24/3/2020, trong quá trình điều trị tại bệnh viện, được xét nghiệm và có kết quả  âm tính với SARS-CoV-2 nhiều lần. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, không ho, không sốt, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi có 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Đó là bệnh nhân số 151 (nữ, 45 tuổi, quốc tịch Brazil), vào viện ngày 25/3/2020. Bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm 3 lần liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2 vào các ngày 15/4, 16/4, 17/4/2020.

Bệnh nhân số 207 (nam, 49 tuổi, quốc tịch Brazil), vào viện ngày 30/3/2020. Quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân có tiến triển tốt và trong các ngày từ ngày 13/4/2020- 17/4/2020 các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân đều âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân này ổn định, không ho, không sốt, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có tổng cộng 201/268 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.

Việt Nam hiện còn 67 bệnh nhân đang được điều trị tại 11 cơ sở y tế.

Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 14 ca.

Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 05 ca.

Công bố ứng dụng truy dấu F1, F2 khi xuất hiện ca mắc COVID-19

Sáng 18/4, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đã cho ra mắt ứng dụng di động Bluezone sử dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE nhằm truy dấu các trường hợp F1, F2 khi xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2.

Khi người dùng di động cài đặt ứng dụng Bluezone, điện thoại có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao lâu.

Nếu có F0, cơ quan y tế có thẩm quyền nhập dữ liệu vào hệ thống. Hệ thống sẽ gửi dữ liệu F0 đến tất cả các smartphone trong cộng đồng Bluezone. Khi đó, lịch sử tiếp xúc với F0 sẽ được Bluezone trên máy phân tích, so sánh. Nếu có sự trùng khớp, ứng dụng sẽ lập tức cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Ngoài ra, màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp. Bluezone cũng có thể giúp cảnh báo người thuộc nhóm F2 (tiếp xúc gần với F1).

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ý tưởng này ở Việt Nam được hình thành từ sớm. Nhóm Memozone trong thành phố Hồ Chí Minh đưa ra ý tưởng dùng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (BLE) gần như cùng lúc với nhiều nước trên thế giới.

Tuy Việt Nam không phải quốc gia đầu tiên giới thiệu giải pháp này, nhưng phần mềm Việt Nam đã giải quyết được cơ bản các trường hợp bỏ sót hoặc chưa hoạt động tối ưu mà một số phần mềm tương tự trước đây mắc phải./.

PT (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực