Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài bị đề nghị mức án từ 8 đến 9 năm tù

Thứ năm, 17/09/2020 18:58
(ĐCSVN) - Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài bị đề nghị mức án từ 8 đến 9 năm tù; cho vay nặng lãi tới 45%/tháng 3 đối tượng bị tạm giữ; bắt tạm giam 3 đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; công bố kết quả khảo sát chỉ số thành phố thông minh nhất thế giới là những tin nóng trong ngày 17/9

Đề nghị mức án từ 8 đến 9 năm tù đối với nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài 

Chiều 17/9, theo phân công của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đã trình bày phần luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2008-2011) và 4 đồng phạm.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, quá trình điều tra và xét xử tại tòa đã làm rõ các chứng cứ, chứng minh cáo trạng truy tố các bị cáo đúng người, đúng tội. Cụ thể, khu đất 8-12 Lê Duẩn (Quận 1) có tổng diện tích hơn 4.800 m2, là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh quản lý và cho 4 Công ty thuộc Bộ Công Thương thuê. Ngày 20/11/2007, UBND TP Hồ Chí Minh có chủ trương phê duyệt cho đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại.

Các bị cáo Nguyễn Thành Tài, Trương Văn Út, Đào Anh Kiệt (từ trái qua) tại phiên tòa ngày 17/9  Ảnh: Thành Chung - TTXVN 

 

Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh do Nguyễn Thị Thu Thủy (đang bị truy nã) làm Giám đốc ký văn bản đề xuất UBND TP cho thành lập pháp nhân mới theo hình thức công ty cổ phần, cho phép Công ty Quản lý kinh doanh nhà được huy động thêm nguồn vốn khác để triển khai. Đề xuất này được ông Nguyễn Thành Tài chấp thuận sau đó.

Lợi dụng mối quan hệ tình cảm từ trước với bị cáo Nguyễn Thành Tài, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Tháng Năm đã có văn bản gửi Công ty Quản lý kinh doanh nhà xin được tham gia dự án. Nguyễn Thị Thu Thủy đã ký văn bản giới thiệu Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án và được ông Nguyễn Thành Tài chấp thuận mà không giao cơ quan có chuyên môn thẩm định kinh nghiệm, năng lực tài chính.

Sau đó, nhóm 4 công ty của Bộ Công Thương đang thuê mặt bằng tại khu đất 8-12 Lê Duẩn đã thỏa thuận với Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Kinh Đô thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần đầu tư Lavenue, đưa bị cáo Lê Thị Thanh Thúy làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Sau đó, các công ty chuyển nhượng cổ phần, dẫn tới khu đất công 8-12 Lê Duẩn rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân, gây thất thoát hơn 1.927 tỷ đồng cho Nhà nước.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy là đồng phạm có vai trò xúi giục ông Nguyễn Thành Tài để hưởng lợi từ các văn bản mà ông Nguyễn Thành Tài ký nên phải chịu trách nhiệm gần tương đương với bị cáo Tài. Các bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thành Nam (nguyên Bí thư Quận ủy Quận 2) và Trương Văn Út (nguyên Phó phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) dù biết hồ sơ dự án chưa đầy đủ, chưa được phê duyệt, chưa thẩm định... nhưng vẫn đề xuất ký các quyết định vi phạm pháp luật như quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất; quyết định áp dụng hai hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng dự án và cho thanh lý nhà số 12 Lê Duẩn không bán đấu giá tài sản... dẫn đến hậu quả vụ án như trên.

Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, nhất là trong thời điểm hiện nay các loại tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn diễn biến phức tạp, gây mất lòng tin trong nhân dân đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như gia đình có công với cách mạng, có nhiều thành tích trong công tác, có bị cáo đang mắc bệnh hiểm nghèo....

Từ những nhận định trên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo mức án: Nguyễn Thành Tài từ 8 đến 9 năm tù; Lê Thị Thanh Thúy từ 7 đến 8 năm tù; Đào Anh Kiệt từ 6 đến 7 năm tù, tổng hợp với bản án trước là từ 12 năm 6 tháng đến 13 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hoài Nam từ 5 đến 6 năm tù; Trương Văn Út từ 3 đến 4 năm tù, tổng hợp với bản án trước là từ 8 đến 9 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử hủy bỏ việc giao đất, cho thuê đất số 8-12 Lê Duẩn của Công ty Lavenue, hủy bỏ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ đã cấp cho công ty này. Ngoài ra, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử buộc ông Nguyễn Thành Tài và bà Lê Thị Thanh Thúy liên đới bồi thường hơn 4,7 tỷ đồng thiệt hại; đề nghị thu hồi số tiền 157 tỷ đồng của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh; 235,5 tỷ của Công ty Hoa Tháng Năm nộp lại ngân sách Nhà nước. Viện Kiểm sát đề nghị tiếp tục kê biên nhiều tài sản là nhà, đất của các bị cáo.

Điều tra nhóm đối tượng cho vay nặng lãi tới 45%/tháng

Ngày 17/9, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, lực lượng Công an thành phố Biên Hòa đang tạm giữ 3 đối tượng để điều tra về một nhóm hoạt động cho vay lãi nặng tới 45%/tháng.

Qua trinh sát và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 10/9/2020, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Biên Hòa, phát hiện 2 đối tượng Phùng Văn Tiến (26 tuổi) và Phùng Văn Thủy (27 tuổi) cùng ngụ tại thành phố Hà Nội, đang thu tiền vay lãi trả góp của một phụ nữ tại phường Long Bình. Qua đấu tranh, Tiến và Thủy khai nhận làm thuê cho Phùng Văn Doanh (26 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa).

Đối tượng Phùng Văn Doanh tại cơ quan công an - Ảnh/ TTXVN 

Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Biên Hòa đã khám xét khẩn cấp nơi ở của Phùng Văn Doanh tại chung cư Thanh Bình, phường Thanh Bình. Tại đây, ngoài đối tượng Doanh, công an còn phát hiện 2 đối tượng là Bùi Hoài Nam (29 tuổi, ngụ Hà Nội) và Nguyễn Văn Quang (24 tuổi, ngụ Vĩnh Phúc) cũng đang cư ngụ tại địa chỉ trên và thu giữ một số tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng.

Với những tài liệu có được, qua điều tra bước đầu, các đối tượng nêu trên đã khai nhận tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng với hình thức trả góp do Phùng Văn Doanh cầm đầu. Chỉ trong tháng 7 và tháng 8/2020, tổng số tiền nhóm của Doanh cho 19 khách hàng trên địa bàn thành phố Biên Hòa vay là trên 260 triệu đồng, với lãi suất từ 20% đến 45%/tháng, thu lợi bất chính số tiền lớn.

Công an thành phố Biên Hòa đã tạm giữ hình sự đối với Phùng Văn Doanh, Phùng Văn Tiến, Nguyễn Văn Quang để tiếp tục điều tra, xử lý về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Đối với 2 đối tượng Phùng Văn Thủy và Bùi Hoài Nam, Công an thành phố đang tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

3 đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép bị bắt

Ngày 17/9, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với các bị can: Trần Chí Hạo (sinh năm 1986, thường trú quận 6), Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1986, thường trú quận Tân Phú) và Nguyễn Quang Thắng (sinh năm 1991, thường trú quận Bình Tân) để điều tra về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Cùng ngày, lực lượng Công an cũng thực hiện việc khám xét, thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng có liên quan đến hành vi phạm tội trên. 

Trước đó, vào ngày 11/9, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”. Qua điều tra, Cơ quan An ninh điều tra xác định 3 đối tượng trên đã thuê nhà cho các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để thu lợi bất chính. Sau khi bị phát hiện, các đối tượng đã tổ chức cho số người nước ngoài này bỏ trốn.

Ngày 15/9, Cơ quan An ninh điều tra đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét các đối tượng về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” theo quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép của các đối tượng trên đã gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Công an thành phố đã trục xuất 11 đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép liên quan đến vụ việc trên.

Singapore, Helsinki và Zurich - những thành phố thông minh nhất thế giới 

Theo kết quả khảo sát chỉ số thành phố thông minh công bố ngày 17/9, Singapore (Singapore), Helsinki (Phần Lan) và Zurich (Thụy Sĩ) là những thành phố thông minh nhất thế giới.

Từ camera giao thông thông minh và dịch vụ taxi công nghệ đến giám sát ô nhiễm và sử dụng wifi miễn phí, các thành phố trên khắp thế giới đang chạy đua để nắm bắt công nghệ. Thế nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng người dân có thực sự cảm nhận được lợi ích hay không mới là vấn đề quan trọng. 

Chuyên gia Arturo Bris thuộc Viện Phát triển quản lý quốc tế (IMD) có trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết các thành phố thông minh trên thế giới không đơn giản chỉ là ứng dụng công nghệ mới mà còn phải đảm bảo rằng công nghệ đó thực sự cải thiện cuộc sống của người dân. 

Một góc Singapore - một trong những thành phố thông minh nhất thế giới - Ảnh minh họa

IMD đã thực hiện cuộc khảo sát đối với hơn 13.000 người tại 109 thành phố, trong đó tập trung vào việc người dân cảm nhận như thế nào về tác dụng của công nghệ trong 5 lĩnh vực, trong đó có y tế và an ninh, cơ hội, quản trị... Theo IMD, ngoài 3 thành phố trên, các địa điểm khác cũng nằm trong số 10 thành phố thông minh nhất thế giới gồm Auckland (New Zealand), Oslo (Na Uy), Copenhagen (Đan Mạch), Geneva (Thụy Sĩ), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Amsterdam (Hà Lan), New York (Mỹ). Trong khi đó, Abuja và Lagos của Nigeria, cùng với Nairobi của Kenya đứng cuối cùng.

Chỉ số thành phố thông minh còn cho thấy nhiều quốc gia đang phát triển các thành phố thông minh mà không phải là thủ đô của nước đó. Cụ thể, thành phố Bilbao của Tây Ban Nha xếp hạng cao hơn thủ đô Madrid, tương tự thành phố Birmingham lớn thứ 2 ở Anh nhưng lại có thứ hạng cao hơn thủ đô London. 

Theo ông Bris, những ưu tiên của các thành phố thông minh trong việc ứng dụng công nghệ cũng rất khác nhau. Thành phố Medellin của Colombia, từng nổi tiếng với các băng nhóm buôn bán ma túy nhưng hiện nay lại là "con đẻ" của kế hoạch thành phố thông minh, đã chứng kiến tỷ lệ tội phạm giảm sau khi người dân được sử dụng wifi miễn phí, điều mà giúp mọi người dễ dàng tố cáo tội phạm hơn. 

Giới chuyên gia cho rằng đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự thay đổi hướng đến việc xây dựng các thành phố thông minh hơn và xanh hơn. Ông Bris cũng dự báo các dự án xây dựng thành phố thông minh có xu hướng hướng đến các thành phố nhỏ hơn. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy các siêu đô thị thường khó trở thành các thành phố thông minh hơn, cụ thể trong trường hợp của Singapore, Helsinki và Zurich, diện tích khiêm tốn của các thành phố này cho phép họ đầu tư đáng kể vào công nghệ mà mọi người dân có thể tiếp cận được./.

Cẩm Linh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực