"Nóng nghị trường" việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp​

Thứ năm, 21/05/2020 21:39
(ĐCSVN) - Không được lơ là, tâm lý “coi như đã hết dịch”; đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp; hoãn tăng lương cơ sở là cần thiết và Triều Tiên kêu gọi gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế... là một số tin nóng trong nước và quốc tế đáng chú ý hôm nay 21/5.

Không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”

Đây là những nội dung được đưa ra tại cuộc họp chiều ngày 21/5 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp. 

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế đã bàn thảo, phân tích diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới, đánh giá lại các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cuộc chiến này còn rất dài và Việt Nam vẫn đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống dịch. (Ảnh: Đình Nam)

Các chuyên gia y tế cho rằng, điều đáng mừng là sau hơn 1 tháng Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Chúng ta đã dập tắt các ổ dịch. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn vẫn còn. Người dân đã có tâm lý “coi như hết dịch”, thậm chí Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ở một số địa phương đã xuất hiện tâm lý chủ quan.

Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới còn hết sức phức tạp, khó lường. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hiện hữu.

Thực tế, những ngày gần đây, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh từ nước ngoài về. Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập có khả năng gia tăng, do chúng ta tổ chức đưa công dân từ vùng dịch về nước; các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao ở các nước sang Việt Nam làm việc tại các dự án…

Chính vì vậy, toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”. 

Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Ban Chỉ đạo thống nhất phải tiếp tục thực hiện tốt chiến lược ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, “bao đê cho chặt”, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đường biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn lối mở, bởi đê bao thường không vỡ ở những “cửa khẩu to”, mà lại ở những “điểm rò rỉ”, “tổ mối”. Ở trong nước phải thực hiện nghiêm công tác cách ly, tiếp tục tiến hành xét nghiệm sàng lọc đối với những nhóm đối tượng, khu vực có nguy cơ...

Trước nhu cầu nhập cảnh rất lớn đối tượng chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án của Việt Nam cũng như những nhà đầu tư vào tìm kiếm cơ hội làm ăn, Ban Chỉ đạo đã bàn và thống nhất phải có hướng dẫn chi tiết theo quy trình khép kín từ xem xét cấp thị thực nhập cảnh cho đến việc chuẩn bị cơ sở cách ly và các điều kiện theo dõi sức khoẻ sau khi cách ly đối với những đối tượng này. Ngành công an có trách nhiệm về việc này vì là cơ quan có ý kiến quyết định đối với xét cấp thị thực nhập cảnh cũng như là đầu mối tổ chức các cơ sở cách ly ngoài các khu cách ly tập trung của quân đội.

Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài phải có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, UBND địa phương căn cứ vào tình hình, tập hợp danh sách và có văn bản gửi Bộ Công an để làm thủ tục duyệt cấp thị thực nhập cảnh và phối hợp với lực lượng công an để chuẩn bị các cơ sở cách ly. Tất cả những đối tượng này đều phải cách ly tối thiểu 14 ngày.

Đáng chú ý, các chuyên gia đã nêu nguy cơ, rủi ro lây nhiễm từ thành viên tổ bay, phi hành đoàn của các hãng hàng không ở nước ngoài, vốn vẫn sinh hoạt bình thường, không phải cách ly trước khi thực hiện các chuyến bay đến Việt Nam.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo đặc biệt lưu ý và yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các địa phương phải siết chặt các quy định về cách ly phi hành đoàn, tổ bay các chuyến bay chở khách cũng như vận tải hàng hoá quốc tế đến Việt Nam. Những phi hành đoàn này phải ở khách sạn riêng, không được ở chung những khách sạn có các đối tượng khách lưu trú khác để tránh nguy cơ, rủi ro lây nhiễm.

Các đại biểu tham dự cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 21/5 tại Văn phòng Chính phủ. (Ảnh: Đình Nam)

Trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo văn bản hướng dẫn cụ thể về cấp thị thực và cách ly đối với: Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước; các tổ bay, phi hành đoàn, thuỷ thủ đoàn và những người lái xe qua lại biên giới.

Các văn bản này phải quy định rất cụ thể trách nhiệm của Ban Chỉ đạo địa phương, trách nhiệm của các cá nhân người đứng đầu, trách nhiệm của từng đơn vị, từng lực lượng để tổ chức thực hiện quản lý người nhập cảnh thống nhất, hiệu quả.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh mặc dù những ngày qua, rất nhiều tổ chức quốc tế chúc mừng Việt Nam chiến thắng dịch COVID-19 nhưng chúng ta vẫn chưa chiến thắng, mà mới kiểm soát tốt dịch bệnh. Cuộc chiến này còn rất dài và Việt Nam vẫn đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống dịch. Thậm chí giai đoạn này còn có phần khó hơn, bởi sau thời gian dài không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, nên người dân có tâm lý buông lỏng. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được có tâm lý xả hơi

Đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thụ hưởng

Theo báo cáo gửi Thủ tướng của Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH Đào Ngọc Dung, tính đến ngày 20/5, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là 17,5 nghìn tỷ đồng (chưa gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng).

Các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người sẽ được thụ hưởng, trong đó, số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt là trên 11,8 triệu người, người lao động trong doanh nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh theo số liệu của 47 tỉnh, thành phố là gần 4 triệu người.

 Phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) chi trả tiền hỗ trợ cho người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi COVID -19. (Ảnh: Minh Chính)

Theo đánh giá, các Bộ, ngành, địa phương nhìn chung đã quán triệt sâu sắc, đầy đủ chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Gói hỗ trợ của Chính phủ nhận được sự quan tâm và ủng hộ của Nhân dân cả nước, người dân phấn khởi đón nhận, đến nay các chính sách được triển khai kịp thời, công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân.

Các địa phương bám sát vào mục tiêu, nguyên tắc của Nghị quyết 42 là hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ cho một số đối tượng chính sách. Đến nay, chưa phát hiện các trường hợp lợi dụng, trục lợi chính sách. Về cơ bản, 4 nhóm đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được thụ hưởng chính sách.

Theo Bộ trưởng Dung, một số địa phương trong quá trình triển khai có cách làm sáng tạo, rà soát đối tượng không để trùng lặp chính sách như tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bình Định xây dựng phần mềm riêng để quản lý dữ liệu và lọc đối tượng tránh trùng lặp, phê duyệt danh sách theo từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố khi đủ điều kiện. Tại các địa phương, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, tự nguyện nhường phần hỗ trợ cho ngươi khác còn khó khăn hơn (như 17 hộ nghèo, cận nghèo ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; 02 người cao tuổi tại Vĩnh Phúc; 01 hộ cận nghèo với 4 khẩu tại huyện Ứng Hoà, Hà Nội,...).

“Kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ không vượt chi, nhất là ngân sách Trung ương, trong số liệu tổng kinh phí đã được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội” – người đứng đầu Bộ LĐ, TB & XH cho biết.

Hoãn tăng lương cơ sở là cần thiết

Xung quanh đề xuất của Chính phủ đề nghị Quốc hội chưa tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2020, một số đại biểu Quốc hội cho rằng đây là việc làm cần thiết và ý nghĩa để cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Ninh Bình) nhận định: Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh lương về cơ bản vẫn có hiệu lực, giờ chỉ là lùi để cân đối ngân sách, Chính phủ vẫn có trách nhiệm thực hiện nhưng do điều kiện hiện tại thì Chính phủ đề xuất lùi.

Quốc hội đã đồng ý để Chính phủ chi 62 nghìn tỷ đồng “cấp cứu” cho người lao động gặp khó khăn trong dịch bệnh.

“Tiền ấy ở đâu? Chính là lấy từ tiền hỗ trợ tăng lương. Điều kiện nước ta như vậy, chỉ có 1 túi thôi, tất cả chỉ có bằng ấy thôi, dùng việc này rồi thì không thể dùng vào việc kia, nghèo đói phải biết chia sẻ cho nhau”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ: Trong điều kiện hiện nay, nếu tiếp tục tăng lương vào dịp này sẽ khó cân đối ngân sách nhà nước.

“Nếu tạm hoãn tăng lương vào lúc này tức là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhường bớt phần nào đó để cùng chia sẻ với nhà nước, với Chính phủ và những người lao động còn khó khăn khác. Đó là ý nghĩa lớn nhất!”, đại biểu bày tỏ.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, Chính phủ phải tích cực kiềm chế, điều chỉnh giá xăng, giá điện và giá các mặt hàng tiêu dùng, làm sao để chính sách tạm hoãn tăng lương cơ sở không gây tác động tới người lao động.

“Nếu vừa không tăng lương cơ sở, vừa để giá tăng thì người lao động sẽ bị “thiệt đơn thiệt kép”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhận xét.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Ảnh: Phạm Hằng)

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị), Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, mặc dù thời gian qua chúng ta đã có những chia sẻ nhưng tạm thời chưa tăng lương cũng là một cách tiếp tục chia sẻ tích cực hơn để góp phần tăng thêm nguồn lực khắc phục hậu quả; đồng thời chia sẻ với những đối tượng khó khăn hơn để vượt qua thách thức này.

Trước ý kiến cho rằng tại sao không tăng lương hưu vì đây là đối tượng được Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho hay, đối tượng hưởng lương hưu hiện nay có 2 loại: Những người nghỉ hưu trước năm 1995 thì ngân sách nhà nước chi trả; sau năm 1995 thì BHXH chi trả. Nếu chỉ chi trả cho những người hưởng lương hưu sau năm 1995 thì lại bất bình đẳng với các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1995 (khoảng 50%).

"Nóng nghị trường" về đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp 

Việc quy định thành lập Hộ kinh doanh trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là vấn đề  nhận được  sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này, sáng 21/5.

Dự thảo Doanh nghiệp (sửa đổi) dành một chương riêng về hộ kinh doanh.

Báo cáo giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp, hiện có 2 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất: Nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

 Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ 2”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Cao Đình Thưởng, nếu đưa các quy định về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là chưa phù hợp với hai lý do.

Thứ nhất, mục đích sửa đổi Luật Doanh nghiệp là sửa đổi một số nội dung thiết yếu có liên quan đến những vấn đề phát sinh trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh đặc thù, bản chất không phải là doanh nghiệp.

“Nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật có thể gây hiểu lầm, chính sách áp dụng giữa các nơi có thể rất khác nhau, một bộ phận cán bộ quản lý có thể coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp và khiến các hộ bị phát sinh chi phí, thêm thủ tục, khó khăn hơn trong hoạt động”, ĐB Thưởng nói.

Thứ hai, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp là các loại hình doanh nghiệp. Nếu coi hộ kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật thì khi đó là Luật về mô hình kinh doanh, chứ không còn là Luật Doanh nghiệp.

Do đó, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là đang đốt cháy giai đoạn và chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, ĐB Thưởng chỉ ra thực tế hiện nay, hình thức kinh doanh theo hộ rất đa dạng, linh hoạt và có sự điều chỉnh liên tục để thích ứng với biến động của thị trường. Ví dụ, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, rất nhiều hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động. Khi dịch được kiểm soát thì các hộ đã quay trở lại. Vì vậy, nếu đưa vào Luật thì sẽ "bó tay bó chân", vừa không phù hợp với thực tiễn, gây khó cho hộ kinh doanh.

leftcenterrightdel

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình phát biểu
tại phiên thảo luận trực tuyến. Ảnh: N.Đ

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đánh giá, việc cần có khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là việc cần thiết, bởi hộ kinh doanh cũng cần có sự quản lý của Nhà nước, được tiếp cận các chính sách của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể, tuân thủ pháp luật, và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, ĐB Tiến cho rằng: Hiện nay, số lượng hộ kinh doanh cao gấp 5-6 lần số lượng doanh nghiệp. Mặc khác, hộ kinh doanh có quy mô, ngành nghề kinh doanh nhỏ bé. Về bản chất hoạt động và quy mô của hộ kinh doanh khác so với doanh nghiệp.

ĐB Trần Văn Tiến bày tỏ băn khoăn: Việc “luật hóa” hộ kinh doanh vào trong luật này sẽ quản lý theo phương thức nào?. Điều này có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hàng triệu hộ kinh doanh hiện tại.

Trên cơ sở đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét chưa đưa hộ kinh doanh cá thể, gia đình vào dự án luật lần này, mà xem xét ban hành thành một luật riêng về hộ kinh doanh.

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) phân tích: “Hộ kinh doanh có 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, ước tính tổng tài sản khoảng 625 nghìn tỷ đồng, nộp hơn 12 nghìn tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động. Vì vậy, hộ kinh doanh cần có luật quy định nhằm nâng mức quản lý cao hơn để hộ kinh doanh bình đẳng với các loại hình kinh doanh khác.

Tuy nhiên, theo ĐB Dương Minh Tuấn, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ không bao hàm nội dung hướng dẫn riêng về quản lý. Hiện, hộ kinh doanh có nhiều khác biệt, hoạt động theo truyền thống gia đình, quy mô nhỏ cho nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, vì vậy tách hộ kinh doanh thành một luật riêng để quản lý sẽ chặt chẽ hơn.

Trong trường hợp vẫn quyết định đưa  nội dung này vào Luật, đại biểu Tuấn cho rằng, tên gọi của dự thảo Luật cũng cần phải thay đổi thành Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh để phù hợp với nội dung cũng như phạm vi điều chỉnh.

Cho rằng việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp ở thời điểm này là cần thiết, song Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình  lại nhất trí với phương án 1 là đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật lần này.

ĐB Phan Thái Bình cho rằng, trong cả 3 Luật Doanh nghiệp (1999, 2005, 2014) đều quy định cụ thể định danh loại hình này dưới tư cách một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp. Qua nhiều lần sửa đổi, trong Luật Doanh nghiệp đều có điều khoản quy định về hộ kinh doanh.  Điều này đồng nghĩa với việc hộ kinh doanh là một loại hình hoạt động hợp pháp, bình đẳng với các loại hình khác như doanh nghiệp tư nhân.

Dự thảo lần này đã bổ sung theo hướng nâng lên, cụ thể hóa thành nhiều nội dung hơn và quy định thành chương riêng. Như vậy, bản chất có nghĩa rằng hộ kinh doanh lâu nay đã được luật quy định.

Theo đó, ĐB Bình đề nghị bổ sung đối tượng hộ kinh doanh vào quy định của Điều 3 dự thảo Luật Doanh nghiệp và sửa đổi lại: “Trong trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức, quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì áp dụng quy định của luật đó”

Sớm gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế

Trong văn bản trình lên Hội đồng Y tế Thế giới, ngày 20/5, Triều Tiên đã kêu gọi sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế khi mà sự hợp tác toàn cầu để chống lại đại dịch COVID-19 là điều cần thiết.

Cụ thể, bãi bỏ các biện pháp hạn chế kinh tế, tài chính và thương mại đơn phương cũng như các biện pháp trừng phạt vô nhân đạo, đồng thời yêu cầu các nước này không chính trị hóa các chương trình viện trợ.

Một quan chức giấu tên thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận định về khả năng Triều Tiên sẽ thiếu khoảng 860.000 tấn ngũ cốc trong năm 2020. Dự báo này dựa trên số liệu do một viện nghiên cứu địa phương cho rằng, Triều Tiên đã sản xuất 4,64 triệu tấn ngũ cốc vào năm ngoái, thấp hơn mức cần thiết tối thiểu là 5,5 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu của 25 triệu dân.

 Người dân đi lại tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 15/5/2020. (Ảnh: Kyodo)

Đầu tháng này, Nga thông báo về việc nước này đã viện trợ nhân đạo 25.000 tấn lúa mỳ cho Triều Tiên.

Báo cáo ngày 20/5 của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cho biết, Triều Tiên nằm trong số 47 nước hiện có 183 triệu người đang phải đối mặt với nguy cơ bất ổn an ninh lương thực nghiêm trọng, do các biện pháp đóng cửa biên giới và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu đã cản trở các nước này tiếp cận với các sản phẩm nông nghiệp. Và để đưa ra hỗ trợ cần thiết cho các nước này sẽ cần đến một khoản tiền khoảng 350 triệu USD.

Cũng trong văn bản gửi lên Hội đồng Y tế Thế giới, Triều Tiên tiếp tục khẳng định nước này không ghi nhận bệnh nhân mắc COVID-19 nhờ vào các biện pháp phòng ngừa hiệu quả theo chỉ thị của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Hiện nước láng giềng với Hàn Quốc đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với các nhà ngoại giao nước ngoài, trong đó có việc không cho phép di chuyển tới những địa điểm bên ngoài quận sinh sống. Từ đầu tháng 2, Triều Tiên đã bắt đầu thực hiện những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, gồm cả việc cách ly đối với các nhân viên ngoại giao nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, các biện pháp này đã được gỡ bỏ từng phần kể từ tháng 3/2020./.

 

Anh Tuấn (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực