Ông Phan Văn Vĩnh tiếp tục bị khởi tố trong vụ "kỳ án" gỗ trắc

Thứ ba, 10/09/2019 21:24
(ĐCSVN) - Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh về tội "Ra quyết định trái pháp luật"; 12 bệnh nhân Whitmore điều trị ở Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trong tháng 8, trong đó 4 người đã tử vong; Siêu bão Faxai gây nhiều thương vong tại Nhật Bản;… là một số tin nóng hôm nay (10/9).

Khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh

Ngày 10/9, cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về tội "Ra quyết định trái pháp luật" theo quy định tại Khoản 2 Điều 371 Bộ luật hình sự năm 2015. Quyết định khởi tố bị can trên đã được VKSND tối cao phê chuẩn.

 

Ông Phan Văn Vĩnh trong phiên tòa đường dây đánh bạc ngàn tỉ. Ảnh: tuoitre.vn


Kết quả điều tra ban đầu xác định: Trong quá trình chỉ đạo điều tra vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội "Buôn lậu" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", ông Phan Văn Vĩnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chỉ đạo việc ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng của vụ án trái pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Ông Phan Văn Vĩnh hiện là phạm nhân đang chấp hành án phạt 9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại trại giam Phú Sơn 4, Bộ Công an theo Quyết định thi hành án phạt tù ngày 09/01/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Hiện, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi của những người có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bệnh Whitmore đột ngột tấn công nhiều người miền Bắc

12 bệnh nhân Whitmore điều trị ở Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, trong tháng 8, trong đó 4 người đã tử vong.

Whitmore còn gọi bệnh melioidosis, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và xuất hiện lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong rất cao, tới 40%. Bệnh đang có nguy cơ tái bùng phát ở Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng. Người bệnh tiểu đường, phổi và thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh Whitmore với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi...

 

Cánh mũi của bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore tấn công. Ảnh: vnexpress.net

Theo bệnh viện Bạch Mai, khoảng 5-10 năm trước đây mới có 20 ca mắc whitmore, thì từ đầu năm 2019 đến nay, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đã ghi nhận tới 20 ca, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu...

Điều trị bệnh Whitmore hết sức khó khăn, phải dùng kháng sinh nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole tấn công liều cao liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì 3 đến 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt dần và có thể tử vong. Quá trình theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong cao.

Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung tháng 7-11. Những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.

Siêu bão Faxai gây nhiều thương vong tại Nhật Bản

Tính đến ngày 10/9, siêu bão Faxai quét qua khu vực Tokyo (Nhật Bản) đã làm ít nhất 3 người thiệt mạng và khoảng 40 người bị thương. Hiện Nhật Bản đang tiến hành đánh giá thiệt hại sau khi siêu bão Faxai quét qua khu vực thủ đô Tokyo.

Tại tỉnh Chiba, những trận gió mạnh với vận tốc hơn 200km/giờ đã làm hư hại nhiều ngôi nhà. Sức gió từ siêu bão Faxai cũng gây ra đám cháy lớn tại Nhà máy điện mặt trời lớn nhất Nhật Bản nằm tại tỉnh này. Theo lực lượng cứu hỏa, khoảng 50 tấm pin năng lượng mặt trời trong tổng số 50.900 tấm pin năng lượng của nhà máy đã bị cháy.

Siêu bão Faxai đã làm gián đoạn việc đi lại bằng tàu của hàng triệu hành khách. Các dịch vụ đường sắt, bao gồm cả tàu cao tốc đã phải ngừng hoạt động.

Trong khi đó, gần 17.000 người đã bị mắc kẹt ở sân bay quốc tế Narita ở Tokyo. Các quan chức sân bay cho biết, họ đã phân phát túi ngủ, nước uống và đồ ăn nhẹ tới những hành khách phải lưu trú tại sân bay, đồng thời thiết lập các trạm sạc pin cho các thiết bị di động. Ước tính có khoảng 160 chuyến bay nội địa đã bị hủy trong ngày 9/9 và 13.000 người đã phải qua đêm tại sân bay.

Công ty Điện lực Tokyo cho biết, gần 900.000 hộ gia đình đã bị mất điện kể từ 11 giờ sáng 9/9. Đến ngày 10/9, nhiều khu vực của các tỉnh Chiba, Ibaraki và Kanagawa vẫn chưa có điện./.

HC (T/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực