Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn

Chủ nhật, 28/07/2019 20:18
(ĐCSVN) - Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đình Khang được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Quốc lộ 91 có nguy cơ sạt lở xuống sông Hậu; Hơn 50 người chết và mất tích do sạt lở đất đá tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc; Nắng nóng kỷ lục lan tới Bắc Âu... là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 28/7.

Tổ chức Công đoàn phải không ngừng đổi mới

Sáng 28/7/2019, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ ba. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đại biểu trong nước, quốc tế dự Lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trải qua 9 thập kỷ hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đồng hành cùng dân tộc, là nền tảng chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta. Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội tiên phong trong xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; là chỗ dựa vững chắc và cầu nối giữa người lao động với Đảng và Nhà nước; hết lòng vì quyền lợi của giai cấp công nhân. Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn kiên định, đoàn kết thống nhất, đổi mới sáng tạo, vận động, tổ chức, hướng dẫn công nhân và người lao động cả nước tiên phong trong lao động, sản xuất và đấu tranh cách mạng, kế thừa xứng đáng và làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của dân tộc. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Minh Châu)

Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng khẳng định, tổ chức Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả to lớn và truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng và trưởng thành; đồng thời, phải khẳng định được vai trò chủ lực, định hướng, dẫn dắt phong trào công nhân cả nước trong tình hình mới.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, thời gian tới, các cấp công đoàn, mà trước hết là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải tiếp tục nắm vững và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 20 “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, đời sống; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động và cán bộ công đoàn để xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác sát hợp, khoa học, khả thi và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước các vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống của người lao động và tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý cần thực hiện tốt chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Coi đây là nội dung then chốt để thu hút đông đảo người lao động tham gia, ủng hộ, tin tưởng và gắn bó với tổ chức Công đoàn. Nắm chắc tình hình, tham mưu, đề xuất, phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, không để nảy sinh các vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người lao động, gây mất an ninh trật tự xã hội. Chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về việc làm, tiền lương, lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Hỗ trợ, tư vấn, bảo vệ kịp thời quyền lợi người lao động trong các tranh chấp lao động tập thể, cá nhân. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh

lần thứ ba cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (Ảnh: Minh Châu)

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn. Tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi mà đoàn viên, người lao động quan tâm, đồng thời mang lại những lợi ích trước mắt, lâu dài, hài hòa cho người lao động, người sử dụng lao động và cho đất nước. Nội dung hoạt động phải thiết thực, phù hợp với điều kiện làm việc, ngành nghề, nhận thức của từng đối tượng đoàn viên, người lao động. Phương thức hoạt động cần linh hoạt, đa dạng, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bám sát cơ sở và phục vụ người lao động; phong trào phải thiết thực, hấp dẫn, được người lao động đón nhận, tham gia. 
 
Tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3 tặng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Chiều 28/7, tại Hà Nội, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 4, khóa XII đã chính thức khai mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai dự Hội nghị. Hội nghị đã tiến hành bầu bổ sung Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bổ sung Đoàn Chủ tịch; bầu chức danh Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đồng chí Trương Thị Mai tặng hoa đồng chí Nguyễn Đình Khang,

tân Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khoá XII, nhiệm kỳ 2018-2023. (Ảnh: laodong.vn)

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã chính thức được bầu giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 với 100% phiếu đồng ý, thay đồng chí Bùi Văn Cường được Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015-2020. Trước đó, Hội nghị đã tiến hành bầu bổ sung 12 Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang sinh ngày 23/5/1967; quê huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, là Thạc sỹ Quản lý kinh tế. Đồng chí Nguyễn Đình Khang đã trải qua các vị trí công tác: Trưởng ban, Ủy viên Thường trực Ban Kiểm soát Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam; Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Cổ phần Hóa chất Việt Nam; Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, nhiệm kỳ 2010-2015; Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam nhiệm kỳ 2015-2020.

 An Giang: Quốc lộ 91 có nguy cơ sạt lở xuống sông Hậu

Trước nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm tại Quốc lộ 91- tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh An Giang nối Long Xuyên – Châu Đốc và nước bạn Campuchia, đoạn đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (cặp bờ sông Hậu), Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu lãnh đạo huyện Châu Phú và xã Bình Mỹ khẩn trương thiết lập vùng không đảm bảo an toàn. Đồng thời, địa phương cần huy động lực lượng tại chỗ gồm lực lượng Công an và xã đội hỗ trợ di dời các hộ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn; tiến hành kéo dây, lắp đặt biển báo nguy hiểm, phân luồng giao thông nhằm giảm tải trọng trên đoạn đường rạn nứt. Lực lượng chức năng cần túc trực 24/24h trong ngày để hướng dẫn nhân dân không đi vào khu vực nguy hiểm.

Quốc lộ 91 đoạn đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang 

 xuất hiện vết rạn nứt có nguy cơ sạt lở xuống Sông Hậu. (Ảnh: Công Mạo - TTXVN)

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát, báo cáo ngay cho cơ quan chủ quản lý đường Quốc lộ 91 biết để có hướng xử lý kịp thời, bảo đảm giao thông được an toàn trong thời gian tới. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm khảo sát, hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại theo quy định hiện hành.

Trước đó, vào lúc 7 gờ 30 phút ngày 27/7, mặt đường Quốc lộ 91 đoạn đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang (cách vị trí sạt lở năm 2010 khoảng 100m) xuất hiện nhiều vết nứt trên mặt đường Quốc lộ 91, vết nứt sâu vào 1/3 mặt đường, chiều dài khoảng 30m, chiều rộng vết nứt ban đầu là 1cm chạy dài theo bờ sông Hậu, có nguy cơ sạt lở xuống sông Hậu. Qua khảo sát cho thấy vết rạn nứt có dấu hiệu tiếp tục mở rộng. Đến 6 giờ sáng 28/7, chiều dài rạn nứt không thay đổi nhiều, nhưng chiều rộng vết nứt tiếp tục phát triển thêm lên 1,5-2 cm so với ngày 27/7 là 1 cm. Vị trí xuất hiện vết rạn nứt ảnh hưởng đến 2 nhà dân và 2 tiệm bán nước giải khát của người dân. Hiện nay, chính quyền địa phương đã di dời người dân và tài sản của họ đến nơi an toàn.

Hải Phòng: Phát hiện đường dây đánh bạc quy mô lớn

Sáng 28-7, cổng vào khu đô thị Our City công tác an ninh 

vẫn được triển khai hết sức nghiêm ngặt. (Ảnh:cand.com.vn)

Chiều 27/7, lực lượng Bộ Công an và Công an thành phố Hải Phòng đã bất ngờ đột kích vào khu đô thị Our City, địa chỉ Km 9, đường Phạm Văn Đồng, phường Hải Thành, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng kiểm tra hành chính, phát hiện rất nhiều người nước ngoài đang vận hành hệ thống thiết bị đánh bạc quốc tế. Bước đầu kiểm tra, lực lượng công an đã phát hiện tại khu vực tòa nhà trung tâm Our City đặt rất nhiều máy móc thiết bị phục vụ cho việc vận hành hệ thống đánh bạc qua mạng. Còn tại các tòa nhà vực xung quanh, trong các phòng kín cũng đều có máy móc, thiết bị liên quan. Cơ quan công an cũng đang lấy lời khai của các đối tượng liên quan. Đến hơn 22 giờ ngày 27/7, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Công an, Công an thành phố Hải Phòng vẫn tiếp tục kiểm tra bên trong khu đô thị Our City và phong tỏa, bảo vệ khu vực vòng ngoài rất chặt chẽ. Tất cả thông tin, chi tiết liên quan đến vụ việc đều được bảo mật để phục vụ công tác điều tra.

Hà Nội nhất toàn đoàn Giải tay súng xuất sắc quốc gia năm 2019

Sau 7 ngày tranh tài sôi nổi, chiều 28/7, Giải tay súng xuất sắc quốc gia năm 2019 đã chính thức khép lại tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Đoàn chủ nhà Hà Nội đã xuất sắc dẫn đầu toàn đoàn với 10 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc và 10 Huy chương Đồng. Đoàn Quân đội về vị trí thứ 2 với 9 Huy chương Vàng, 10 Huy chương Bạc và 9 Huy chương Đồng. Đứng thứ 3 thuộc về đoàn Hải Dương với 3 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng.

Tại giải đấu năm nay đã ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của đoàn Vĩnh Phúc khi giành được 2 Huy chương Vàng, cũng là 2 kỷ lục quốc gia mới được phá và thiết lập, đó là kỷ lục của vận động viên Đỗ Thúy Hiền ở nội dung 10m súng trường hơi nữ với số điểm 248,3 (kỷ lục cũ là 247,7 điểm), kỷ lục mới được thiết lập của vận động viên Thúy Hiền và Quốc Thắng ở nội dung 10m súng trường hơi hỗn hợp đồng đội với số điểm 613,1.   

Ngoài ra, giải đấu cũng ghi nhận 3 kỷ lục quốc gia mới được phá và thiết lập của các vận động viên: Nguyễn Thị Thu Hằng của đoàn Quân đội ở nội dung 10m súng trường di động tiêu chuẩn nữ với 565 điểm (kỷ lục cũ 563 điểm); Nguyễn Thị Phương của đoàn Quân đội ở nội dung 50m súng trường 3 tư thế nữ với 1.157 điểm (kỷ lục cũ 1.149 điểm); Phạm Hà và Quốc Cường của đoàn Hải Dương ở nội dung 10m súng ngắn hơi hỗn hợp đồng đội với kỷ lục mới được thiết lập là 573 điểm.

Giải đấu năm nay thu hút hơn 130 tay súng xuất sắc nhất của 10 tỉnh, thành phố và đơn vị gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Nam và Quân đội. Tại giải đấu, các xạ thủ nam tranh tài ở 14 nội dung, các xạ thủ nữ tranh tài ở 10 nội dung.

Trung Quốc: Hơn 50 người chết và mất tích do sạt lở đất đá tại tỉnh Quý Châu

Theo thống kê mới nhất công bố sáng 28/7, số người chết đã lên tới 29 người, ngoài ra vẫn còn 22 người mất tích. Trong số những người chết có cả phụ nữ và nhiều trẻ em. Tân Hoa xã đưa tin đêm 27/7, 40 người đã được cứu sống. Vụ sạt lở xảy ra vào tối 23/7 (theo giờ địa phương), gây ảnh hưởng nặng nề tới một ngôi làng ở thành phố Lục Bản Thủy, thuộc tỉnh Quý Châu. 21 ngôi nhà đã bị chôn vùi và các lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm những người mất tích nằm dưới đống đất đá khổng lồ.

Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân tại hiện trường vụ lở đất

ở Lục Bàn Thủy, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, ngày 26/7/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hơn 20 máy xúc và hàng trăm phương tiện cứu hộ đã được huy động tới khu vực thiên tai. Một trường học đã được sử dụng làm trung tâm cứu hộ và tìm kiếm. Chính phủ Trung Quốc đã quyết định chi 30 triệu NDT (4,35 triệu USD) cho các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, cũng như trợ giúp gia đình các nạn nhân. Hàng cứu trợ, gồm lương thực và thuốc men đã được chuyển đến để phân phát cho người dân. Sạt lỡ đất đá là những tai nạn thường xuyên xảy ra tại các vùng đồi núi và nông thôn ở Trung Quốc, đặc biệt sau mỗi đợt mưa lớn. Hồi tháng 8/2017, ít nhất 30 người đã thiệt mạng trong hai vụ sạt lở đất cũng tại tỉnh Quý Châu.

Nắng nóng kỷ lục lan tới Bắc Âu, đe dọa tan băng ở Bắc Cực

Các nước khu vực Bắc Âu đang trải qua những ngày nắng nóng thiêu đốt khi đợt nắng nóng kỷ lục đang di chuyển lên phía Bắc châu lục. Ngày 27/7, khu vực phía Bắc Na Uy ghi nhận nhiệt độ nóng kỷ lục 35,6 độ C - tương đương nhiệt độ nóng kỷ lục ghi nhận năm 1970, trong có có hơn 20 địa phương trải qua "đêm nhiệt đới" - tức nhiệt độ trong đêm cao hơn 20 độ C. 

Không chỉ bao trùm Bắc Âu, nắng nóng thiêu đốt cả khu vực phía Bắc Thụy Sĩ. Nhiệt độ tại thị trấn Markusvinka ở vùng cực Bắc của nước này trong ngày 26/7  đã lên tới mức kỷ lục trong năm, 34,7 độ C. Theo Jon Jorpeland (Giôn Giô-pê-len) - nhà khí tượng thuộc Viện khí tượng Thụy Sĩ (SMHI), đây là mức nhiệt nóng kỷ lục từ năm 1945 tới nay tại vùng cực Bắc của Thụy Sĩ và là mức nhiệt nóng thứ 3 từ trước đến nay trong lịch sử nắng nóng tại địa phương này. Ông Jorpeland cho biết tình hình nắng nóng tại phía Nam Thụy Sĩ không nghiêm trọng như phía Bắc, song việc nhiệt độ liên tục lên tới 30 độ C trong vài ngày ở nước này là điều bất thường. SMHI cảnh báo tình trạng nắng nóng sẽ gây khô hạn và thiếu nước tại 15 trong 21 nước khu vực Bắc Âu vào tháng 8 tới. 

Một tảng băng lớn ở Greenland. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ngày 27/7 cảnh báo đợt nắng nóng kỷ lục tại châu Âu đang có xu hướng di chuyển tới Bắc Cực, đe dọa đẩy nhanh tốc độ tan chảy băng đá tại đây. Viện Khí tượng Thụy Điển (DMI) dự báo luồng khí nóng đang di chuyển hướng lên Bắc Cực, có thể đẩy nhanh tốc độ tan chảy băng trong lòng biển Bắc Cực và băng trên bề mặt trong 3 đến 5 ngày tới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mất đi một lượng lớn băng đá tại đây. DMI ước tính tình trạng tan băng và tuyết trong khoảng thời gian từ 1/7 đến 26/7 đã đổ ra biển 170 Gigatone nước. Trong khi đó, cứ 100 Gigatone nước đổ ra biển sẽ khiến mực nước biển dâng 0,28 mm. Hiện các nhà khoa học lo ngại lượng nước tan chảy từ các lớp băng đá tại Greenland có thể tương đương mức kỷ lục năm 2012 khi nhiệt độ Trái Đất nóng kỷ lục.

Mỹ thu giữ 13 tấn cocaine trên vùng biển Thái Bình Dương

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ vừa thông báo đã thu giữ tổng cộng 13 tấn cocaine với tổng giá trị lên tới 350 triệu USD trong chiến dịch chống tội phạm ma túy trên vùng biển Thái Bình Dương thời gian gần đây. Theo thông báo mới nhất của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ, chiến dịch chống ma túy này được thực hiện tại vùng biển quốc tế ở Thái Bình Dương, ngoài khơi bờ biển Mexico và khu vực Mỹ Latinh.

Một tàu chở hàng mang theo hàng chục tấn cocaine bị bắt giữ

tại thành phố Philadelphia, Mỹ ngày 18/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù không đề cập chi tiết cụ thể số lượng các vụ thu giữ ma túy, song Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng nước này đã bắt giữ hơn 400 nghi can tội phạm ma túy trên vùng biển phía Đông của Thái Bình Dương, đồng thời thu giữ 104 tấn cocaine. 

Phòng chống ma túy là cuộc chiến kéo dài hàng chục năm qua tại Mỹ - quốc gia có số lượng người sử dụng ma túy nhiều nhất thế giới. Ngoài các tuyến đường bộ qua biên giới Mexico, tội phạm ma túy cũng thường sử dụng đường biển để vận chuyển ma túy từ khu vực Mỹ Latinh sang Mỹ. Do đó, trong nhiều năm qua, giới chức Washington vẫn luôn tích cực phối hợp với các nước khu vực nhằm nỗ lực phòng chống tội phạm ma túy, song trên thực tế, nạn buôn bán và vận chuyển ma túy vẫn diễn tràn lan do sức hấp dẫn từ nguồn thu khổng lồ từ hoạt động phi pháp này./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực