Từ 1/7: Ngồi nhà nộp phạt vi phạm giao thông, chứng thực bản sao

Thứ tư, 01/07/2020 18:58
(ĐCSVN) - Ngồi nhà có thể nộp phạt vi phạm giao thông, chứng thực bản sao; Cách chức 2 cán bộ Điện lực Vân Đồn vụ ghi hóa đơn tiền điện sai; IMF điều chỉnh hạ dự báo triển vọng kinh tế châu Á do COVID-19 là những tin tức đáng chú ý trong ngày 1/7.

Ngồi nhà bấm nút đổi bằng lái, nộp phạt vi phạm giao thông

Ngày 1/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 725 về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính và một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) quý II/2020.

Theo đó, 6 dịch vụ công mới được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) từ ngày 1/7 bao gồm: Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; Đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; Cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 4; Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông; Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông.

Đóng phạt vi phạm giao thông qua mạng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Ảnh: MINH HOÀNG 

Điểm chung của 6 dịch vụ công đưa lên Cổng DVCQG chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử. Việc tích hợp, cung cấp 06 dịch vụ này có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.686 tỷ đồng/năm.

 Như vậy, từ ngày hôm nay, người dân trên toàn quốc có thể ngồi nhà nộp phạt trực tuyến nếu vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông, đóng tiếp BHXH tự nguyện và chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, cấp đổi giấy phép lái xe ... 

Sau 7 tháng đưa vào vận hành (9/12/2019), với dấu mốc là dịch vụ tích hợp số 725, số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG đã tăng gấp 90 lần so với thời điểm khai trương và 4,5 lần so với quý I/2020 (tháng 12/2019 là 8 dịch vụ và tháng 3/2020 là 161 dịch vụ), trung bình mỗi quý thực hiện tích hợp, cung cấp khoảng hơn 350 dịch vụ công trực tuyến.

Ghi sai hóa đơn tiền điện gần 90 triệu: Cách chức 2 cán bộ Điện lực Vân Đồn 

Lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Ninh ngày 1.7 cho biết đơn vị vừa có quyết định kỷ luật một số cá nhân là lãnh đạo tại chi nhánh Điện lực Vân Đồn.

Theo đó, Hội đồng kỷ luật Công ty Điện lực Quảng Ninh đã quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Đặng Văn Thành - Giám đốc chi nhánh điện lực Vân Đồn; kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng ông Nguyễn Hữu Trọng - Phó giám đốc chi nhánh Vân Đồn; kỷ luật cách chức ông Lương Sơn Tùng - Trưởng phòng kinh doanh và ông Đỗ Huy Đạm - tổ trưởng kinh doanh giám sát.

Ảnh minh họa. Nguồn: vtc.vn. 

Cũng theo ông Tân, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cấp dưới tiến hành phúc tra 100% hóa đơn tiền điện tăng 30% trước khi gửi tới khách hàng, đặc biệt với những khách hàng tiêu thụ điện lớn, khách hàng ở khu vực bán lẻ điện nông thôn.

Trước đó ngày 21.6, gia đình bà Đào Thị Gái (74 tuổi, trú xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) phản ảnh hóa đơn tiền điện sử dụng từ ngày 16.5 đến ngày 15.6 lên tới gần 90 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận phản ảnh, tổ công tác chi nhánh Điện lực Vân Đồn đã đến kiểm tra lại và xác nhận trong tháng 6 nhà bà Gái chỉ dùng hết khoảng 368.335 đồng tiền điện.

IMF điều chỉnh hạ dự báo triển vọng kinh tế châu Á do COVID-19

Trong bối cảnh những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 ngày càng tăng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)  hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á xuống mức âm 1,6% trong năm 2020.

Điều chỉnh mới nhất trên của IMF cho thấy những thách thức lớn hơn do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tiếp tục gia tăng trên phạm vi toàn cầu.

Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất xe tải hạng nặng của Tập đoàn sản xuất ôtô Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 23/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN). 

Trước đó, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng Tư, IMF dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 0% trong năm nay.

Ông Chang Yong Rhee, Giám đốc phụ trách Ủy ban châu Á-Thái Bình Dương của IMF, trong trường hợp dịch COVID-19 không bùng phát đợt hai và các nước triển khai chính sách hỗ trợ kinh tế ở quy mô chưa từng có, tăng trưởng kinh tế châu Á dự kiến sẽ hồi phục trở lại ở mức 6,6% vào năm 2021. Tuy nhiên cho dù hoạt động kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, thì những thiệt hại kinh tế do dịch COVID-19 có thể vẫn còn kéo dài.

Ông cũng nêu lên những ưu tiên để khôi phục kinh tế, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài chính, đảm bảo việc phân bổ phù hợp các nguồn lực cũng như giải quyết vấn đề bất bình đẳng./.

 

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực