84% dân số nông thôn Việt Nam được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

Thứ năm, 24/07/2014 17:27

(ĐCSVN) – Đó là thông tin được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đưa ra trong Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn sáng 24/7. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015, Chính phủ đề ra mục tiêu: 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 65% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 45% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; 100% các trường mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.

 

 Các đại biểu tham dự Hội nghị


Tính đến nay, có 84% số hộ nông thôn được sử dụng nước từ các công trình nước sạch; nhưng trong đó tỷ lệ sử dụng nước đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế mới là 42%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh là 62,5%; trạm y tế có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 96%; trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 90%. Hiện cả nước có 15.093 hệ thống nước sạch tập trung. Trong đó, 35% hệ thống hoạt động bền vững.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng Chương trình MTQG Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn vẫn còn tồn tại một số những hạn chế như: Tỷ lệ trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp sinh, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia còn thấp, khó có khả năng đạt mục tiêu của Chương trình vào năm 2015. Mức độ tiếp cận của người dân vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền trong đó người dân miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên có tỷ lệ tiếp cận thấp hơn so với trung bình toàn quốc. Bên cạnh đó, tính bền vững của các công trình cấp nước và vệ sinh ở nhiều nơi còn hạn chế, thậm chí ở một số địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc được đầu tư từ nhiều nguồn vốn có tỷ lệ công trình hoạt động không hiệu quả còn cao làm giảm tác dụng của Chương trình, gây dư luận và bức xúc trong xã hội mặc dù số lượng người bị ảnh hưởng nhỏ. Ngoài ra, công tác quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn chất lượng chưa cao, chưa chú trọng những tác động của biến đổi khí hậu gây nên ô nhiễm và suy thoái nguồn nước ảnh hưởng đến hoạt động của công trình, quản lý, quy hoạch còn yếu kém, chậm cập nhật, bổ sung, điều chỉnh.

 

 84% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh


Để khắc phục những tình trạng trên, trong sáu tháng cuối năm 2014 và những năm tiếp theo, Chương trình cần ra soát, sửa đổi bổ sung các chính sách hiện hành; Đẩy mạnh tiến độ triển khai các Chương trình, dự án cấp nước; Tăng cường sự tham gia của cộng động gắn với xây dựng nông thôn mới; Rà soát quy hoạch theo hướng dẫn, đảm bảo nguồn cấp nước bền vững; Tăng cường thúc đẩy, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả công trình; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận sự nỗ lực của bộ, ngành liên quan và địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Phó Thủ tướng khẳng định, đây là chương trình có ý nghĩa sống còn với sức khỏe người dân nên sẽ tiếp tục được triển khai, nhưng phải triển khai một cách quyết liệt hơn để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Theo đó, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Ban Ðiều hành Chương trình MTQG Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn từ Trung ương đến địa phương phải triển khai tiếp các kế hoạch hành động. Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Đồng thời nhanh chóng rà soát lại hiện trạng, đánh giá hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước tập trung đã và đang triển khai xây dựng để có phương án xử lý cụ thể đối với từng công trình. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần sớm nghiên cứu, đề ra các cơ chế chính sách đặc thù để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và xây dựng một công trình điểm theo hình thức đầu tư công-tư. Các địa phương cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch để có cơ sở lập dự án và kêu gọi các nhà đầu tư; nghiêm túc chấn chỉnh công tác đầu tư, quản lý vận hành và xử lý dứt điểm đối với những công trình hoạt động kém hiệu quả, hoặc không hoạt động. Bên cạnh đó, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phải quản lý hiệu quả các công trình nước sạch tập trung, tránh tình trạng xây dựng nhiều, nhưng sử dụng thì chẳng bao nhiêu. Các địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền thay đổi ý thức người dân thay đổi thói quen và hành vi vệ sinh chưa phù hợp, nghiên cứu mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh cho từng vùng.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực