Bắc Giang: Điều chỉnh quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn

Thứ hai, 27/07/2015 16:10

(ĐCSVN) - Hơn 300 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt để thực hiện các bước điều chỉnh Quy hoạch tổng thể cấp nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) là chủ đầu tư, triển khai các bước thực hiện.

Qua đó bảo đảm mục tiêu, nhiệm vụ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện dự án quy hoạch tổng thể về cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2005-2015; tiếp tục thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn đến năm 2020; nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước về vệ sinh môi trường cho người dân nông thôn; khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 

 Ảnh minh họa


Được biết, trong năm 2015, tỉnh Bắc Giang dự kiến huy động trên 360 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn; trong đó vốn hỗ trợ của ngân sách là trên 47,7 tỷ đồng; vốn tín dụng ưu đãi 180 tỷ đồng; vốn tư nhân đầu tư xây dựng các công trình cấp nước là 20,7 tỷ đồng; vốn do dân đối ứng vay ngân hàng chính sách là 112 tỷ đồng...

Để triển khai có hiệu quả, tỉnh Bắc Giang tăng cường công tác chỉ đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy điều hành chương trình; tăng cường phối hợp giữa các ngành và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Tỉnh chú trọng áp dụng giải pháp công nghệ - kỹ thuật về cấp nước sạch phù hợp với điều kiện của mỗi vùng nông thôn, đảm bảo nguyên tắc bền vững; ưu tiên cấp nước tập trung cho những vùng dân cư tập trung, tìm kiếm các nguồn nước ổn định cho các vùng đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt; đa dạng hóa các loại hình công nghệ, nghiên cứu công nghệ cấp nước giá rẻ cho người nghèo; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn nước.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang cũng thực hiện các giải pháp để quản lý, khai thác công trình cấp nước sau đầu tư có hiệu quả; thực hiện xã hội hóa đầu tư, quản lý, khai thác công trình; đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường. Tỉnh tăng cường quản lý chất lượng nước, kiểm tra chất lượng nước của Trung tâm Y tế dự phòng, các đơn vị quản lý công trình, đảm bảo chất lượng nước phục vụ người dân. Tỉnh Bắc Giang cũng thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình 134, 135; huy động nguồn lực từ các tổ chức nước ngoài... cho các dự án cấp nước sạch trên địa bàn.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, địa hình tỉnh Bắc Giang gồm 2 tiểu vùng miền núi và trung du có đồng bằng xen kẽ. Nguồn nước mặt ở tỉnh được cung cấp chủ yếu từ hệ thống sông chảy qua địa bàn là sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam với tổng chiều dài 347 km có lưu lượng lớn và có nước quanh năm, ngoài ra nước mặt còn được cung cấp bởi lượng nước mưa hằng năm (trung bình khoảng 1.533 mm). Nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu tồn tại dưới dạng lỗ hổng và khe nứt. Tuy nhiên, hiện nay do biến đổi khí hậu, hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp... gây ô nhiễm môi trường nước nên nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh bị suy giảm, ô nhiễm; nước sông Cầu bị ô nhiễm nặng, nước sông Lục Nam và sông Thương đã bắt đầu bị ô nhiễm.

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Bắc Giang đã huy động được trên 339 tỷ đồng từ các nguồn vốn cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhờ đó toàn tỉnh hiện đã có khoảng 90% số dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh, trong đó 73,5% số dân đã được cấp nước theo quy chuẩn QCVN02.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực