Bình Phước: 88% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

Thứ hai, 06/10/2014 10:44

(ĐCSVN) - Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, đến hết quý II năm 2014, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88%, số người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đạt quy chuẩn của Bộ y tế đạt 33,5%.

Năm 2014, chương trình Mục tiêu quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hoàn thành đưa vào sử dụng 3 công trình cấp nước tập trung chuyển tiếp từ năm 2013; tiếp tục đầu tư nối mạng 2 công trình cấp nước tập trung; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 2 hệ thống cấp nước tập trung; khởi công xây dựng mới 3 công trình cấp nước tập trung, quy mô công suất từ 8-15m3/giờ; hỗ trợ kinh phí và cho vay vốn tín dụng để các hộ dân xây dựng 100 giếng khoan nhỏ lẻ, khoảng 4.500 giếng đào cải tạo và giếng đào mới, lắp đặt thiết bị xử lý nước. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách cho 17.909 hộ dân vay vốn để xây dựng mới giếng đào, giếng khoan…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết mục tiêu đến năm 2015, Bình Phước sẽ có 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 38% sử dụng nước đạt QCVN 02-BYT của Bộ Y tế với số lượng ít nhất 60 lít/người/ngày; 100% các trường học mầm non và trường học phổ thông có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, được quản lý và sử dụng tốt; 58% số hộ dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh.

 

 Người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ảnh: H.C


Để đạt được kết quả đó, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cần chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể hóa chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư xây dựng, quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; hướng dẫn về quản lý, khai thác bảo vệ công trình theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước; rà soát, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện Chương trình có hiệu quả, đúng mục tiêu.

Đẩy mạnh công tác thông tin - giáo dục - truyền thông bằng các hoạt động như: Truyền thông trực tiếp tại các thôn, ấp nhằm đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên thôn, ấp và người dân. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình.

Tăng cường sự tham gia của cộng đồng, bảo đảm tạo cơ hội thuận lợi và bình đẳng để người dân được hưởng lợi và tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động của Chương trình. Việc thực hiện Chương trình phải gắn liền với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức các cuộc hợp thôn, ấp để xác định những ưu tiên của địa phương và quyết định các vấn đề liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nước sạch nông thôn để huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn, bằng các biện pháp cụ thể. Trước mắt, công tác xã hội hóa nước sạch nông thôn thông qua các dự án cấp nước sinh hoạt tập trung với sự tham gia của các tổ chức tư nhân, cá nhân.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực