Đồng Tháp: Đẩy mạnh thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Thứ sáu, 03/10/2014 11:08

(ĐCSVN) – Trong những năm qua, Đồng Tháp đã đẩy mạnh thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhờ đó góp phần cải thiện điều kiện sống của bà con nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp đã đầu tư xây dựng trạm cấp nước tập trung quy mô lớn khoảng 1.000 hộ, quy mô vừa khoảng 400 hộ và quy mô nhỏ khoảng 200 hộ.

Trong định hướng tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2014 - 2020, Đồng Tháp đã đầu tư xây dựng trạm cấp nước tập trung quy mô lớn khoảng 1.000 hộ, quy mô vừa khoảng 400 hộ và quy mô nhỏ khoảng 200 hộ cho cụm trung tâm xã và cụm, tuyến dân cư tập trung với giải pháp khoan giếng khai thác nước ngầm, hoặc xử lý nước mặt qua hệ thống lắng lọc. Đối với dân cư nông thôn ven thị xã, thị trấn sẽ được đầu tư đấu nối với hệ thống mạng đường ống khai thác nguồn nước đô thị đã có.

 

 Người dân nông thôn sử dụng nước sạch. Ảnh minh họa (Phước Lộc)


Ngoài ra, Đồng Tháp còn đầu tư giếng khoan tay nhỏ lẻ cho từng hộ hoặc một số hộ, xây dựng bể chứa nước mưa quy mô 4 m3 cho các hộ dân cư nhỏ lẻ phân tán, chưa có điều kiện xây dựng trạm cấp nước tập trung.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92%, hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 56%, hộ dân có chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh đạt 60%. Nhận định, đến cuối năm 2014 những con số này sẽ tiếp tục nâng lên. Điều đó cho thấy, Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng kể, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn thông qua việc cung cấp nước sạch; giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, làng nghề. Người dân nông thôn đã và đang hình thành thói quen sử dụng nước sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Trên tinh thần đảm bảo sức khỏe, cải thiện điều kiện sống của người dân, UBND tỉnh Đồng Tháp dự kiến đến năm 2015 đầu tư xây mới, nâng cấp 69 công trình với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng, nâng số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 65% và 75% hộ dân có xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh.

Để đạt được kết quả trên, trong thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy điều hành chương trình, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để quản lý, khai thác công trình sau đầu tư có hiệu quả. UBND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích thực hiện chương trình nước sạch nông thôn, đồng thời tiến hành rà soát, cập nhật lại quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác các công trình cấp nước ở nông thôn. Tiếp tục nâng cao các hoạt động truyền thông - giáo dục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, biển hiệu; thường xuyên mở các lớp tập huấn, tuyên truyền trực tiếp đến những người dân nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường, tăng nguồn kinh phí cho công tác thông tin giáo dục - truyền thông hàng năm đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ.

Song song đó, thực hiện lồng ghép chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và bảo vệ môi trường nông thôn. Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước là hướng đi cần thiết mà tỉnh hướng đến. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh việc kiểm tra thường xuyên chất lượng nước theo quy định, đàm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân...

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, quy mô công suất lớn. Trước khi phân khai vốn đầu tư sẽ chú trọng khảo sát thực tế công trình để đánh giá thứ tự ưu tiên; đề nghị Trung ương tăng vốn đầu tư cho chương trình và sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi nhằm thu hút cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực