Hà Nam: Phấn đấu 84% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh

Thứ ba, 24/06/2014 16:01
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, dự án về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường đã đạt được một số kết quả nhất định.

Những kết quả đã đạt được không chỉ góp phần trong việc cải thiện các điều kiện về nước sạch và vệ sinh môi trường nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn, mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là đối với vùng nông thôn nghèo. Vì vậy mục tiêu của Chương trình là một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới đến năm 2020 của tỉnh Hà Nam.

Năm 2012 Hà Nam là một trong 8 tỉnh tham gia “Chương trình Nước sạch VSNT dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Chương trình này lồng ghép với Chương trình MTQG Nước sạch và VSMT nông thôn đã tăng đáng kể về nguồn lực tài chính cho các tỉnh để đầu tư các dự án nước sạch và vệ sinh môi trường vùng nông thôn.

Năm 2013, tỷ lệ dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh tại Hà Nam đạt: 81,82%. Năm 2013 đã có 4 công trình đấu nối nước: Công trình cấp nước xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm; công trình cấp nước xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân; công trình cấp nước sạch xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên; công trình cấp nước xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân.

 

 Công trình cấp nước sạch tại Hà Nam


Tỷ lệ số hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 60,95% cao hơn so với kế hoạch là 57,58%. Về tỷ lệ số hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 56,53% cao hơn so với kế hoạch là 55%. Về tỷ lệ trạm y tế xã ở nông thôn có đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và được quản lý sử dụng tốt đạt 90,48% thấp hơn với kế hoạch là 95,45%. Về tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 78,64% thấp hơn so với kế hoạch là 88,1%.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam cũng tổ chức thành công lễ phát động tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tại xã Tràng An, huyện Bình Lục; đưa vào sử dụng 480 hầm Biogas xử lý chất thải chăn nuôi; thực hiện công tác lấy mẫu nước và xét nghiệm tại 35 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh; công tác truyền thông Nước sạch và VSMT tại các xã tham gia dự án vốn vay Ngân hàng thế giới và các xã trên địa bàn tỉnh...

Để có được những kết quả trên, Hà Nam đã làm tốt công tác Thông tin - giáo dục - truyền thông. Ngoài thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng với Sở Y tế, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Hội Phụ nữ, Hôi Nông dân… lồng ghép tuyên truyền về Nước sạch và VSMT với các buổi tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn theo chức năng nhiệm vụ của mình. Với phương pháp này đã mang lại hiệu quả đáng kể cho việc thúc đẩy người dân nâng cao ý thức và có trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức thực hiện Chương trình có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, Ban ngành liên quan, đặc biệt là sự phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Sở Y tế trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch năm 2013 Chương trình MTQG Nước sạch và VSMTNT dựa trên kết quả tỉnh Hà Nam. Việc kiểm soát chất lượng nước đã được quan tâm sâu sắc cụ thể là 3 tháng 1 lần các các đơn vị quản lý, khai thác vận hành các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh phải xét nghiệm mẫu nước và gửi kết quả về Trung tâm Nước sạch và VSMT để tổng hợp báo cáo Ban điều hành Chương trình.

Trong năm 2014, Hà Nam phấn đấu có 84% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

 

 Người dân Hà Nam sử dụng nước sạch. Ảnh: nongnghiep.vn


Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, Hà Nam cần tăng cường năng lực vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã cùng tham gia thực hiện Chương trình. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia đóng góp xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Tham gia xây dựng kế hoạch, tổ chức quản lý khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước tại địa phương. Xây dựng văn bản, ban hành các nội dung cấp nước và VSMT hướng tới người nghèo, các chính sách về giới cho ngành cấp nước và vệ sinh. Áp dụng khoa học công nghệ phù hợp với từng vùng, ưu tiên công nghệ tiên tiến. Áp dụng các công nghệ giá rẻ phù hợp. Đa dạng hoá các loại hình cấp nước phù hợp với thực tế địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước nhất là các công trình cấp nước tập trung. Phối hợp với sở Y tế thường xuyên định kỳ kiểm tra đánh giá chất lượng nước. Quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng các công trình xây dựng, thiết lập các hồ sơ, văn bản pháp lý về quản lý chất lượng trước khi đưa vào sử dụng. Đơn vị quản lý khai thác công trình phải được đào tạo kiến thức về quản lý vận hành công trình. Huy động tổng hợp các nguồn vốn; Ngân sách Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và đóng góp của nhân dân, vốn tín dụng ưu đãi ....thực hiện Chương trình.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực cấp nước và vệ sinh nông thôn. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá được thực hiện trên tất cả các mặt: Quá trình đầu tư, hiệu quả đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, hoạt động của các công trình, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đề ra. Công tác thông tin - giáo dục - truyền thông được tiến hành bởi nhiều cấp ngành trong tỉnh, bằng nhiều hình thức khác nhau: tuyên truyền gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng truyền thông trực tiếp tới người dân. Đặc biệt trong các dịp hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch và VSMT, ngày môi trường thế giới, phát động phong trào hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước sâu rộng tới người dân. Chú trọng bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ cấp nước và VSMT ở cấp tỉnh và đào tạo cán bộ quản lý vận hành cấp cơ sở.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực