Nhiều nơi thiếu nước sạch nghiêm trọng

Thứ năm, 19/12/2013 16:26

(ĐCSVN) - Nhiều dự án nước sạch nông thôn không phát huy hiệu quả. Trong khi đó, nguồn nước ô nhiễm, nước thải công nghiệp ngày càng xâm hại nghiêm trọng môi trường sống của con người.

Theo thống kê, đến nay mới có 32% dân số ngoại thành Hà Nội được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn. Một số xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì... có tới 40-60% số hộ thiếu nước sinh hoạt từ 4-6 tháng trong năm. Vào mùa hè, giếng khơi, giếng khoan cũng cạn, nhiều hộ dân phải lọc nước ao tù để tắm, giặt hằng ngày, còn nước ăn phải mua từng can, từng thùng với giá lên tới 80.000-100.000 đồng/m3.

 

Hà Nội mới có 32% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch


Hà Nội đã đầu tư xây dựng 102 trạm cấp nước sạch, nhưng mới dừng lại ở các thị trấn và vùng đông dân cư ven đô, trong đó gần 20 trạm chưa đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Phần lớn dân cư nông thôn đang sử dụng nước giếng đào, giếng khoan, nước mưa, nước sông, ao, hồ... không bảo đảm vệ sinh. Nhiều dự án cấp nước sạch nông thôn đã được phê duyệt với kinh phí hàng chục tỉ đồng lại chưa được triển khai. Điển hình là dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 4 xã bị thu hồi đất phục vụ dự án mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ và các xã vùng lân cận huyện Ba Vì với tổng kinh phí hơn 358 tỉ đồng, vẫn “đắp chiếu” sau 1 năm kể từ ngày được phê duyệt.

 

Miền Trung cũng có hàng loạt công trình nước sạch sinh hoạt
 được đầu tư gần như không phát huy hiệu quả


Vùng nông thôn miền Trung cũng có hàng loạt công trình nước sạch sinh hoạt được đầu tư gần như không phát huy hiệu quả như mong muốn. Tại Quảng Nam, có đến 321 trong số 387 công trình cấp nước sạch hoạt động không hiệu quả. Trên 320 công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chính phủ, 84 công trình từ các nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và nhiều công trình do xã hội, các nhà đầu tư thuỷ điện xây dựng ở các khu tái định cư đều có hiệu quả thấp, thậm chí nhiều nơi còn bị bỏ hoang, gây lãng phí, bức xúc trong dân. Tuy vậy, nguyên nhân bao giờ cũng bị đổ lỗi do ý thức người dân miền núi kém, không bảo vệ, phá hỏng, không có nguồn kinh phí sửa chữa kịp thời...

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số khu vực dân cư ở các phường Bình Trị Đông, An Lạc, Bình Hưng Hòa thuộc quận Bình Tân được xem là địa bàn ô nhiễm nguồn nước, do ảnh hưởng từ việc xả thải của một số nhà máy sản xuất, khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa có từ lâu nay. Phần lớn các hộ dân sống tại các khu vực trên đều sử dụng nguồn nước từ giếng khoan bị nhiễm phèn bị vàng đục, nên đều tự trang bị bình lọc nước.

 

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh phải mua nước sạch để sinh hoạt


Tình trạng này đã được người dân phản ánh đến chính quyền các cấp cũng như ngành cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều năm, nhưng đến nay, tỉ lệ hộ dân thiếu nước sạch vẫn ở mức cao. TCty TNHH một thành viên Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, tỉ lệ hộ dân trên địa bàn thành phố được cấp nước sạch hiện nay đạt khoảng 86,04%, dự kiến sẽ năng lên mức 87% trong năm 2012. Tuy mục tiêu năm 2012 chỉ nâng tỉ lệ hộ dân có nước sạch tăng thêm khoảng 1%, song thực hiện nó không đơn giản, bởi vấn đề lớn nhất đối với ngành cấp nước hiện nay là thiếu nguồn vốn đầu tư.

Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015 có tổng vốn 27.600 tỉ đồng với mục tiêu, đến cuối 2015, 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 45% sử dụng nước đạt quy chuẩn QCVN 02-BYT với số lượng ít nhất là 60 lít/người/ngày.

Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng thường xuyên nhận được tài trợ từ các tổ chức nước ngoài, trong đó có Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Từ năm 1997 đến nay, AFD đã tài trợ cho Việt Nam 13 dự án nước và vệ sinh môi trường, như Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp ở 23 tỉnh với khoản vay 14,48 triệu euro xây dựng đường nông thôn, cơ sở hạ tầng thủy lợi và chống lụt, Dự án Lưu vực sông Hồng khoản vay 35 triệu euro để xây dựng, nâng cấp đê, hiện đại hóa các trạm bơm.

Nhiều tỉnh, thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Ninh Thuận, Sơn La, 6 tỉnh đồng bằng sông Mekong, 13 tỉnh miền Trung... đã được cải thiện môi trường, nước sạch, phát triển hạ tầng nông thôn... theo các dự án của AFD. Đã có 11,2 triệu người Việt Nam được thụ hưởng các dự án của ADF, trong đó có 966.000 người được tiếp cận hệ thống nước sạch, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực