154 vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thi hành án dân sự

Thứ hai, 29/01/2018 11:13
(ĐCSVN) - Đây là tổng số các vướng mắc được nêu tại Hội thảo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Thi hành án dân sự (THADS) và các văn bản hướng dẫn do Bộ Tư pháp vừa tổ chức.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Luật THADS sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015) đã tiếp tục tạo dựng một hành lang, khung khổ pháp lý vững chắc, ổn định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho việc triển khai hoạt động THADS trên toàn quốc; góp phần tích cực vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích phong trào khởi nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của từng địa phương.

Tuy nhiên, Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần được đánh giá, tháo gỡ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác THADS.

Một buổi thi hành án dân sự. (Ảnh: TL).

Báo cáo của Tổng cục THADS cho biết, qua phân loại có 154 vướng mắc mà địa phương đề nghị. Trong đó, phân loại theo văn bản có 113 nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật THADS, có 17 nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ, có 24 nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến công tác THADS.

Kết quả xử lý, có 30 vướng mắc cần xây dựng công văn hướng dẫn. Đây là những vướng mắc do pháp luật chưa quy định thực sự cụ thể hoặc đã được Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định nhưng trong quá trình thực hiện, cơ quan THADS địa phương còn hiểu chưa thống nhất. Đối với các vướng mắc này, Tổng cục đã ban hành công văn hướng dẫn giải quyết 18 vướng mắc, 12 nội dung còn lại sẽ tiếp tục hướng dẫn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, có 53 nội dung vướng mắc cần được nghiên cứu tổng thể để đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế. Ngoài ra, còn 71 nội dung đã được pháp luật quy định mà địa phương vẫn còn thắc mắc, chưa hiểu rõ, song không cần hướng dẫn chỉ cần giải đáp đăng tại mục “Nghiên cứu, trao đổi”, mục “Hỏi đáp pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử THADS.

Trong những vướng mắc, nổi bật liên quan đến các quy định Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. Điều 56 Luật Đấu giá tài sản quy định việc lựa chọn tổ chức đấu giá phải được công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá. Tuy nhiên, Điều 101 Luật THADS quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày định giá tài sản phải ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Việc quy định thời hạn 10 ngày là quá ngắn và bất hợp lý, không đủ thời gian để chấp hành viên thông báo và cho các đương sự thỏa thuận.

Hay liên quan đến vướng mắc về thứ tự thanh toán tiền thi hành án quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS là chưa phù hợp với nguyên tắc việc thi hành án phải dựa trên đơn yêu cầu thi hành án. Điều 12 Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là chưa phù hợp trong trường hợp kê biên, xử lý tài sản là nhà ở duy nhất của người phải THA…

Theo báo cáo của Tổng cục THADS, trong  3 năm 2015-2017, về việc, các cơ quan THADS toàn quốc năm 2015 thi hành xong trên 490 nghìn việc, năm 2016 thi hành xong gần 531 nghìn việc, năm 2017 thi hành xong gần 550 nghìn việc. Về tiền, năm 2015 thi hành xong trên 21 nghìn tỷ đồng, năm 2016 thi hành xong trên 29 nghìn tỷ đồng, năm 2017 thi hành xong trên 35 nghìn tỷ đồng. 
Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực