Bảo đảm thực thi pháp luật về hối lộ công chức nước ngoài

Thứ tư, 28/02/2018 22:11
(ĐCSVN) - Ngày 28/2, tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức tọa đàm: “Pháp luật và thực thi pháp luật về hối lộ công chức nước ngoài: Phân tích so sánh kinh nghiệm quốc tế và vận dụng cho Việt Nam”.

Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã hình sự hóa hành vi hối lộ công chức nước ngoài (CCNN) bằng việc bổ sung vào Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định đối với hành vi này tại Điều 364 về tội đưa hối lộ. Đây cũng là một bước tiến của Việt Nam nhằm nội luật hóa yêu cầu của Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC) liên quan tới hối lộ công chức nước ngoài tại Điều 16.1 và 16.2 sau kết quả rà soát thực hiện UNCAC của Việt Nam năm 2011 và 2012.

Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: TH).

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho biết: “Để có thể quản trị công hiệu quả cần đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng vì sự phát triển bền vững của tất các các xã hội và các dân tộc. UNDP hỗ trợ nghiên cứu này nhằm chia sẻ những cách làm hay, những bài học trong việc hình sự hóa hành vi hối lộ CCNN, để Việt Nam có thể hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các cơ quan phòng chống tham nhũng có công cụ pháp lý hữu hiệu để phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh doanh”.

Theo nghiên cứu của UNDP, Việt Nam còn thiếu một số cơ chế bảo đảm việc thực thi quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 về đưa hối lộ cho CCNN, công chức của tổ chức quốc tế công. Năng lực của người tiến hành tố tụng, cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng trong các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài nhìn chung còn hạn chế. Cơ chế hợp tác, trao đổi, chia sẻ, phối hợp trong tố tụng hình sự, đặc biệt là trong điều tra, truy tố, xét xử có vụ án có yếu tố nước ngoài còn bất cập, thiếu cụ thể và khó thực hiện.

Để bảo đảm tính đồng bộ của cơ chế pháp lý, nhóm nghiên cứu đề xuất Luật Phòng, chống tham nhũng cần được sửa đổi theo hướng quy định mở rộng phạm vi các hành vi là đối tượng điều chỉnh của luật này. Theo đó hành vi đưa hối lộ nói chung trong đó có đưa hối lộ cho CCNN cần bị liệt kê vào các dạng hành vi chịu sự điều chỉnh của Luật. Chỉ khi đó mới có cơ sở cho việc đưa ra những quy định ngăn ngừa, phát hiện hành vi đưa hối lộ, tạo cơ chế phòng ngừa và phát hiện hối lộ hiệu quả hơn.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các quy định của Việt Nam về hối lộ CCNN, nhóm nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị cụ thể đối với việc giải thích và hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS năm 2015 về hối lộ CCNN; việc hoàn thiện quy  định của BLHS  năm 2015 về hối lộ CCNN; việc củng cố và hoàn thiện cơ chế hợp tác quốc tết trong phát hiện,xử lý hình sự hành vi đưa hối lộ cho CCNN; cũng như đối với việc tăng cường nhận thức về  tội  phạm đưa hối lộ cho CCNN cho cán bộ thực thi pháp luật.

Bà Lê Thị Hòa (Bộ Tư pháp) đề nghị, cân nhắc các quy định này đã đảm bảo phù hợp với Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc, đủ để áp dụng trên thực tế hay chưa như: khái niệm công chức nước ngoài có cần ban hành văn bản hướng dẫn không; có cần sửa đổi các luật liên quan hay không như Luật PCTN, Luật Đầu tư?...

Ông Hoàng Anh Tuyên, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đồng tình cần quan tâm đến việc  thực thi và cơ chế thực thi pháp luật về hối lộ CCNN . Tuy nhiên, cho rằng báo cáo cần kiến nghị cụ thể một số nội dung của từng vấn đề để tăng tính ứng dụng trong thực tiễn…

Nghiên cứu do UNDP Việt Nam chủ trì thực hiện cùng nhóm nghiên cứu công tác tại trường Đại học Luật Hà Nội. Nhóm nghiên cứu lựa chọn 5 quốc gia đã hình sự hóa hành vi hối lộ CCNN để nghiên cứu so sánh, gồm Mỹ, Anh, Nhật, Hàn quốc và Trung Quốc.

 

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực