Bảo vệ môi trường cạnh tranh tại Việt Nam

Thứ ba, 24/10/2017 12:11
(ĐCSVN) – Để bảo vệ môi trường cạnh tranh tại Việt Nam, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). 

 (Ảnh: Đình Nam/quochoi.vn)

Chiều 23/10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Theo Tờ trình, sự ra đời của Luật Cạnh tranh là dấu mốc quan trọng trong quá trình tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, cũng như những hạn chế, bất cập trong nội dung quy định, Luật Cạnh tranh năm 2004 cần phải được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực hiệu quả thực thi, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

Việc sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004 được xác định là sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện. Dự thảo Luật bao gồm 121 Điều, được bố cục thành 09 Chương.

Một trong những nội dung sửa đổi quan trọng là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam cho thấy, trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số vụ việc cạnh tranh được thực hiện ở nước ngoài, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam, chẳng hạn, thoả thuận ấn định phí và phụ phí vận chuyển tàu biển giữa các hãng tàu lớn của nước ngoài có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, hay thương vụ mua bán, sáp nhập có giá trị giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động tới thị trường Việt Nam như thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại Hệ thống siêu thị Big C Việt Nam…

Bộ trưởng cho biết, Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ quy định điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh…” và áp dụng đối với “tổ chức, cá nhân kinh doanh…bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam”, nên không có cơ sở pháp lý rõ ràng để điều chỉnh các hành vi diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.

Tại một số nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… các cơ quan cạnh tranh gần đây đã điều tra, xử lý nhiều vụ việc thoả thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế xuyên biên giới. Điển hình như vụ thoả thuận ấn định giá, phí vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không giữa hơn hai mươi hãng hàng không lớn trên thế giới hay hai vụ mua bán, sáp nhập giữa các công ty sản xuất ổ cứng nổi tiếng (giữa Western Digital và Hitachi, giữa Samsung và Seagate)… 

Vì vậy, để bảo vệ môi trường cạnh tranh tại Việt Nam, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam" (Điều 1 Dự thảo).

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như trên sẽ đem lại một số hiệu ứng tích cực. Đó là, tạo hành lang pháp lý để điều tra và xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra tại đâu nhưng có tác động hoặc có khả năng gây tác động tiêu cực đối với thị trường Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với cơ quan cạnh tranh của các nước khác trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương...

Thẩm tra dự luật này, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Cơ quan này nhấn mạnh: “Trong thời gian gần đây, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều có quy định nghĩa vụ thực thi luật và chính sách về cạnh tranh nhằm bảo đảm điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh gây ảnh hưởng đến quan hệ thương mại, đầu tư, phúc lợi người tiêu dùng tại các nước thành viên. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh tạo cơ sở pháp lý cho Cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với các Cơ quan cạnh tranh của các nước khác trong quá trình điều tra xử lý vụ việc cạnh tranh. Trường hợp Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan đến cạnh tranh thì cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong tố tụng cạnh tranh theo nguyên tắc có đi có lại, không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế.

Về đối tượng áp dụng, Ủy ban Kinh tế tán thành mở rộng đối tượng áp dụng như quy định tại Điều 2 dự thảo Luật, theo đó Luật Cạnh tranh được áp dụng đối với mọi đối tượng liên quan đến cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, đề nghị quy định rõ hơn các đối tượng được mở rộng áp dụng, trong đó bao gồm cả cơ quan nhà nước.

Bổ sung hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính”

Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Theo đó, đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã có quy định của pháp luật chuyên ngành khác như hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn; quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quảng cáo…, dự thảo Luật đã quy định theo hướng dẫn chiếu đến quy định của pháp luật khác để tránh chồng chéo, xung đột trong thực thi.

Mặt khác, dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định về hành vi “bán hàng đa cấp bất chính” và hành vi “phân biệt đối xử của hiệp hội”, do các hành vi này không phản ánh đúng bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung thêm hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính” có bản chất phù hợp với khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật.

Dự thảo Luật đã lược giản hoá trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, theo đó bãi bỏ thủ tục điều tra sơ bộ và rút ngắn thời hạn điều tra chính thức đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh từ 90 ngày xuống còn 60 ngày kể từ ngày ban hành quyết định điều tra.

Theo Tờ trình, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh như đề cập ở trên giúp điều chỉnh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo đúng bản chất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác, tránh tạo lỗ hổng pháp lý đối với những hành vi còn chưa được điều chỉnh bởi bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, đồng thời rút gọn trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh nhằm tăng cường hiệu quả thực thi./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực