Bộ luật Dân sự năm 2015- các giải pháp hoàn thiện pháp luật và triển khai thi hành

Thứ tư, 14/12/2016 15:07
(ĐCSVN) – Ngày 14/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với USAID tổ chức Diễn đàn pháp luật “Bộ luật Dân sự năm 2015- các giải pháp hoàn thiện pháp luật và triển khai thi hành”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, trong hơn 10 năm qua, Diễn đàn pháp luật đã trở thành một thiết chế thường niên trong đối thoại phát triển, cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam. Từ Diễn đàn này, nhiều chương trình, Dự án kế hoạch hợp tác pháp luật và tư pháp, kế hoạch triển khai thi hành pháp luật giữa các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức quốc tế đã được mở rộng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Cùng với thông tin về Nhóm quan hệ đối tác pháp luật, trọng tâm của Diễn đàn pháp luật năm nay là cung cấp thông tin, chia sẻ về việc triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015.



Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: TH).

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ: Bộ luật Dân sự là công cụ pháp lý cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự. Đồng thời, đây là công cụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự…

“Với vai trò và  trách nhiệm của mình, việc tổ chức triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây cũng là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức đối với cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia vào quá trình triển khai nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật, đòi  hỏi sự nỗ lực, nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cùng với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức trên cơ sở những sáng kiến, đề xuất giải pháp cụ thể cho hoàn thiện pháp luật và triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015”, Thứ trưởng khẳng định.

Bộ luật Dân sự  năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 14/11/2015 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 với nhiều nội dung mới có tính đột phá liên quan đến quyền sở hữu tài sản và quyền nhân thân.

Đặc biệt, về quyền nhân thân, Bộ luật Dân sự đã có bước tiến vượt bậc khi bổ sung thêm các qui định về việc chuyển đổi giới tính và các quyền liên quan của người đã chuyển đổi giới tính.

Lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng pháp luật Việt Nam, vấn đề xác nhận giới tính được ghi nhận và dự án Luật Chuyển đổi giới tính đã được giao cho Bộ Y tế nghiên cứu, soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội trước năm 2020.

Bộ luật Dân sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về nhân thân liên quan đến hộ tịch, xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong các quan hệ dân sự và cụ thể hóa cơ chế công nhận, tôn trọng, thực hiện, bảo vệ quyền. Trong đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể về các quyền: Quyền có họ, tên; Quyền thay đổi họ, tên; Quyền được khai sinh, khai tử; Quyền xác định lại giới tính… Tuy nhiên, một số văn bản quy phạm  pháp luật (VBQPPL) hiện hành được ban hành trên cơ sở cụ thể hóa quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 nên chưa có hướng dẫn chi tiết đối với các nội dung mới của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về vấn đề này, TS Đinh Trung Tụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề xuất: “Cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới VBQPPL liên quan đến lĩnh vực hộ tịch để bảo đảm quy định thống nhất về thủ tục hộ tịch đối với quyền về họ, tên, dân tộc, xác định lại giới tính”.

Theo Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Quyền nhân thân là lĩnh vực rộng gắn với lợi ích không chỉ tinh thần mà còn về tài sản;  gắn giữa Nhà nước và công dân; do đó cần  rà soát kỹ lưỡng các VBQPPL để bảo đảm đầy đủ quyền nhân thân. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về dân sự từ cấp cơ sở đến Trung ương, liên kết giữa các cơ quan, tổ chức và công dân.

Liên quan đến quy định về chuyển đổi giới tính, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đề xuất để việc chuyển đổi giới tính được thực thi trên thực tế, cần xây dựng, ban hành Luật Chuyển đổi giới tính theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Trong Luật này, cần cụ thể hóa các quyền nhân thân của người chuyển đổi giới tính vào trong Luật này để bảo đảm quyền của người chuyển đổi giới tính.

Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2015, các cơ quan của Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai 53 chương trình hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật trên phạm vi cả nước. Các chương trình này có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Bộ Tư pháp chính thức giới thiệu Nhóm quan hệ đối tác pháp luật, được thành lập vào tháng 7-2016 với chức năng đối thoại, chia sẻ thông tin về chính sách pháp luật, tình hình hợp tác quốc tế về pháp luật và vận động, tìm kiếm và điều phối viện trợ trong lĩnh vực pháp luật tại Việt Nam. 
Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực