Các chế tài xử lý cần được tăng cường phù hợp với tình hình dịch COVID-19

Thứ sáu, 20/03/2020 18:18
(ĐCSVN) - Những ngày qua, trên không gian mạng lan truyền nhiều thông tin thất thiệt về dịch bệnh COVID-19, gây hoang mang dư luận xã hội. Những hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào? Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc tại buổi Tọa đàm “Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 và một số vấn đề pháp lý đặt ra”.

Tọa đàm do Văn phòng Bộ Tư pháp phối hợp Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 20/3.

Quy định xử lý vi phạm liên quan đến dịch bệnh tương đối đầy đủ, cụ thể

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính (VPHC) và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: Pháp luật hiện hành về xử phạt VPHC đối với các hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) liên quan đến dịch bệnh COVID -19 chủ yếu được quy định trong hai văn bản chính là Luật Xử lý VPHC 2012, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP với tính chất là quy phạm chế tài bên cạnh các quy phạm quản lý trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Nghị định số 89/2018/NĐ-CP về kiểm dịch y tế biên giới và Nghị định số 101/2010/NĐ-CP về cách ly, cưỡng chế cách ly  y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.

Đối với các hành vi VPHC liên quan đến phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, dịch bệnh COVID-19 nói riêng, Nghị định số 176/NĐ-CP quy định tương đối đầy đủ, cụ thể trên cơ sở các quy phạm nghiêm cấm hoặc nghĩa vụ, trách nhiệm phải thực hiện và hình thức xử phạt tương ứng với từng hành vi vi phạm. Một số ví dụ cụ thể như:  Điểm a, khoản 2, Điều 5 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC đối với hành vi: “Cung cấp hoặc đưa tin sai về số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm so với số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế đã công bố” với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn liên tục trong 03 ngày.

Bà Hà lưu ý là một người vi phạm có thể bị áp dụng nhiều chế tài xử phạt hành chính khác nhau tùy thuộc hành vi vi phạm do họ thực hiện.

leftcenterrightdel
Bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính (Bộ Tư pháp)
chia sẻ tại buổi Tọa đàm. (Ảnh: TH) 

Bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) thông tin thêm, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông tại Điều 288, trong trường hợp có hậu quả như gây hoang mang dư luận, gây thiệt hại vật chất đối với cá nhân, xã hội… thì sẽ xử lý hình sự.

Hành vi nhẹ thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 200 triệu hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội có tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.

Như vậy, với hành vi thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm, đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm là hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 4, Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm “Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm” thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 BLHS.

Ngoài ra, BLHS năm 2015 còn quy định một số tội danh khác liên quan đến việc cung cấp, đăng tải các thông tin sai sự thật như: tội vu khống (Điều 156) (quy định nhóm hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác); tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331); tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam (Điều 117) (quy định nhóm hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam).

Trường hợp gây nguy hiểm cho xã hội cần truy cứu hình sự để bảo đảm răn đe

Trước ý kiến cho rằng dù thời gian qua, không ít đối tượng liên tục bị xử lý vì tung tin thất thiệt về dịch COVID -19 nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra dẫn đến e ngại biện pháp phạt tiền chưa đủ sức răn đe, bà Lê Thị Vân Anh chia sẻ: Ở góc độ từ phía người dân, một số người do chưa có ý thức tốt cả về phương diện y tế và pháp luật nên vẫn tiếp tục vi phạm, cá biệt có trường hợp chưa nắm được thông tin hoặc chưa được “trải nghiệm” việc bị cơ quan có thẩm quyền xử lý khi thực hiện hành vi này. Mặt khác, do dịch bệnh đang vô cùng nghiêm trọng nên chúng ta tập trung xử lý dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe của người dân là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.

Ở một góc độ khác, theo bà Vân Anh, các chế tài hành chính nói riêng cần được tăng cường cho phù hợp với tình hình dịch bệnh thực tế mới phát sinh, đặc biệt là việc quy định và áp dụng hình thức phạt tiền hành chính tương ứng với tính chất và mức độ hành vi, trường hợp gây nguy hiểm cho xã hội thì cần truy cứu hình sự để bảo đảm răn đe, phòng ngừa.

Đồng quan điểm, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế  (Bộ Tư pháp) cho rằng: Luật quy định tương đối đầy đủ nhưng thực tế vẫn có vi phạm, khúc mắc ở đây là về thực thi pháp luật.

“Chúng ta phải biến quy định pháp luật thành hành động, để thực thi trong cuộc sống. Phải có sự vào cuộc tất cả cơ quan thực thi pháp luật và từng người dân”, ông Hải nhấn mạnh.

Ông Hải chỉ rõ, công nghệ thông tin bùng nổ nên nguyên nhân còn ở nhận thức pháp luật. Nhiều khi một số người dân sử dụng mạng nghĩ đơn giản chỉ like ủng hộ bạn bè nhưng thực tế cũng tác hại vì đã vô tình lan rộng thông tin xấu độc…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực