Cần cân nhắc việc thành lập Uỷ ban quốc gia về an toàn thực phẩm

Thứ ba, 26/01/2010 10:41

(ĐCSVN)Mới đây, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội ( UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật an toàn thực phẩm. Các Ủy viên UBTVQH đã tập trung thảo luận về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm: Có nên thành lập Uỷ ban quốc gia về an toàn thực phẩm; Thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm?… Sau đây, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin lược ghi ý kiến của một số thành viên UBTVQH.

Phó chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu: Ủy ban quốc gia về an toàn thực phẩm để giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Vấn đề ở đây là phải xác định được vị trí pháp lý của cơ quan này là như thế nào.

Trong thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm đã đưa về cho các bộ quản lý, hơn nữa vấn đề này không thể riêng một bộ nào có thể đảm trách được cả bởi ở đây có cả khâu sản xuất, lưu thông trên thị trường. Nếu bây giờ thành lập một Ủy ban thì không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ hiện nay đang được pháp luật quy định và giao trách nhiệm. Nếu thành lập một Ủy ban quốc gia có tính chất tham mưu, tư vấn, chỉ đạo như là Uỷ ban quốc gia an toàn giao thông, Uỷ ban quốc gia về phòng chống tội phạm hay Uỷ ban quốc gia về phòng chống AIDS và phòng chống tội phạm thì đó là cơ quan tư vấn chứ không làm chức năng quản lý Nhà nước. Vấn đề này cần cân nhắc, nếu cần sự phối hợp, điều hòa giữa các bộ với nhau trong vấn đề này thì có thể thành lập Uỷ ban, nhưng việc thành lập Uỷ ban không cần ghi vào luật.

Về thanh tra, ông Uông Chu Lưu đồng tình nên tổ chức hệ thống thanh tra từ Trung ương xuống cơ sở để có điều kiện, có bộ máy, có nguồn nhân lực giúp cho vấn đề thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm chứ như hiện nay là không đủ. Bộ nào quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nào, khâu nào thì phải có bộ máy thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm và bảo đảm việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực đó. Ở đây hệ thống thanh tra này cũng được thực hiện ở cả 3 cấp nhưng nó gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình: Đề nghị không nên quy định Uỷ ban quốc gia về an toàn thực phẩm trong luật này. Trước hết phải nói đến hiệu quả của các Uỷ ban. Hiện nay có mấy mô hình như Uỷ ban, Ban chỉ đạo, tôi thấy hiệu quả chưa cao. Cần phải có quy định về thanh tra chuyên ngành ở lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm và nên tổ chức ở 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và có thể cả cấp huyện, còn ở xã là Thanh tra nhân dân. không nên quy định chức năng, nhiệm vụ thế nào, nếu đã quy định là thanh tra chuyên ngành, được tổ chức ở Trung ương và địa phương thì chức năng, nhiệm vụ cụ thể nên để Chính phủ quy định. Nếu quy định, nhất là nội dung thanh tra chuyên ngành theo dự án luật hiện nay, tôi thấy không đủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Về thanh tra chuyên ngành, quy định rất cụ thể trách nhiệm quản lý Nhà nước cho 3 bộ, ngoài ra có một số bộ khác có liên quan, đó là Bộ Y tế là cơ quan đầu mối về quản lý Nhà nước giúp Chính phủ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; thứ hai là Bộ NN và PTNT và thứ ba là Bộ Công thương, nhưng thanh tra chuyên ngành lại chỉ quy định cho 2 ngành là ngành y tế và ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn. Điều này cần phải xem xét lại, bởi quy định 3 bộ có trách nhiệm quan trọng nhất, trong đó Bộ Y tế là đầu mối, cuối cùng tới thanh tra chuyên ngành lại chỉ còn 2 bộ.

Về vấn đề Bộ Y tế đề nghị có thanh tra ngành dọc. Đề xuất này thực ra cũng xuất phát từ hoàn cảnh thực tế vì thực phẩm được sản xuất, chế biến nhiều khi không ở địa bàn một tỉnh, thành phố. Do vậy, nếu có thanh tra ngành dọc đủ mạnh thì là rất tốt, tuy nhiên có lẽ không tổ chức được, bởi ngành dọc cũng có mặt hạn chế là trách nhiệm của các địa phương đối với vấn đề này sẽ không đủ mạnh, dễ có tâm lý ỷ lại.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi: Cần xác định tiêu chuẩn người sản xuất tự công bố phải đáp ứng các yêu cầu của an toàn thực phẩm hơn là việc đi kiểm tra, thanh tra tiêu chuẩn người ta tự công bố mà không có mối liên hệ gì với yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng: Đối với vấn đề thanh tra, lâu nay cứ nói thanh tra về an toàn thực phẩm nhưng bộ nào quản lý khâu nào, về loại thực phẩm nào thì thanh tra về việc đó để tránh sự chồng chéo, đồng thời trách nhiệm không rõ ràng. Do vậy điều cần thiết là phải thống nhất việc phân công trách nhiệm quản lý đồng thời gắn liền với thanh tra. Tuy nhiên, phương án của Bộ Y tế có hạn chế là không rõ ràng. Bộ Y tế chỉ quản lý một lĩnh vực nhất định, các bộ khác vẫn phải quản lý. Riêng về thanh tra thì Bộ Y tế lại đảm nhận toàn bộ. Theo tôi điều này là không hợp lý. Bởi vì thanh tra là tai mắt của nhà quản lý, không thể có việc Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương cũng được giao quản lý một lĩnh vực nào đó, một khâu nào đó mà lại không làm thanh tra. Thanh tra và quản lý phải luôn luôn gắn liền với nhau.

Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn: Theo giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, làm gì thì làm nhưng không thể tách khỏi sự quản lý và phải phân cấp, phân quyền rất mạnh cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Chỉ khi đó hoạt động thanh tra mới có hiệu quả.

Một vấn đề nữa cần cân nhắc là có cần thiết phải thành lập Uỷ ban quốc gia về an toàn thực phẩm hay không?./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực