Cần có cơ chế kiểm soát người đứng đầu

Thứ sáu, 12/08/2016 22:25
(ĐCSVN) - Chiều 12/8, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh thi hành Hiến pháp năm 2013 và Hội đồng thẩm định cho ý kiến thẩm định Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được bố cục gồm 11 Chương với 128 Điều quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng.


Ảnh minh họa. Nguồn: vietnamnet.vn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), cơ quan chủ trì xây dựng Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi cho biết: Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật  được mở rộng đối với các hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ngoài khu vực Nhà nước. Cụ thể, bổ sung đối tượng là “người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý trong một số tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước”.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật  đã tách nhóm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập thành một chương riêng, thay vì là một mục tại Chương II về Phòng ngừa tham nhũng tại Luật hiện hành, với tên gọi “Minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập”. Chương này có nhiều quy định mới, thực chất nhằm mục đích kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số đối tượng có chức vụ, quyền hạn khác. Đồng thời, quy định rõ việc kê khai, quản lý bản kê khai, theo dõi biến động, xác minh, xử lý vi phạm về minh bạch tài sản, thu nhập và xử lý tài sản, thu nhập không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý…


Dự thảo bổ sung quy định mới về giáo dục liêm chính, coi đây là nền tảng để giáo dục thế hệ trẻ hình thành nhân cách tốt để ngăn ngừa tham nhũng.

Vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích cũng là chế định mới được đưa ra tại Dự thảo Luật. Xuất phát từ tầm quan trọng của việc kiểm soát xung đột lợi ích trong phòng ngừa tham nhũng (loại bỏ điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra hành vi tham nhũng), Dự thảo Luật đã quy định thành một chế định riêng bao gồm các điều về khái niệm; trách nhiệm thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích; trách nhiệm xử lý thông tin, báo cáo; thẩm quyền quy định và thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (từ Điều 28 đến Điều 31).

Cơ bản đồng tình với nhiều quy định mới tại Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), tuy nhiên  nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường đề xuất cần mạnh dạn có cơ chế cụ thể kiểm soát người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Dẫn chứng sự vụ ồn ào quanh việc bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, ông Trần Ngọc Đường cho rằng, thời gian qua có hiện tượng  lợi dụng cơ chế lãnh đạo tập thể để hợp thức hóa ý chí cá nhân.

Nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Trần Văn Độ nhấn mạnh, việc xây dựng Dự thảo Luật phải quán triệt được nguyên tắc 3 không “không cần tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng”. Tuy nhiên, theo ông Độ, vẫn còn một số quy định sẽ khó khả thi khi nền kinh tế của chúng ta chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt. Ông Trần Văn Độ đề nghị, qua thanh tra, kiểm tra mà phát hiện dấu hiệu tham nhũng thì phải chuyển ngay cơ quan điều tra, tránh tình trạng  kiểm tra đi, kiểm tra lại, tạo cơ hội cho người vi phạm tẩu tán tài sản…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực