Cần mở rộng phạm vi hòa giải

Thứ sáu, 12/04/2019 21:33
(ĐCSVN) - Đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề của Tòa án trong bối cảnh hàng năm các tranh chấpơ=ơ, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Ngày 12/4, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo quốc tế về “Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình cho biết, những năm qua, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn không ngừng tăng lên theo quy mô của nền kinh tế. Mặc dù TANDTC đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác Tòa án, trong đó, các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính là một trong những nội dung trọng tâm. Tuy vậy, kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của người dân và xã hội; tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính của các Tòa án tăng dần qua từng năm nhưng chưa cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

 Hội thảo quốc tế về “Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”. Ảnh: TH.

Nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, TANDTC đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; và triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân 16, tỉnh thành phố.

Để khắc phục những hạn chế của công tác hòa giải, đối thoại hiện nay, trên cơ sở đề nghị của TANDTC,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết bổ sung dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2019 và năm 2020.

Tại Hội thảo, Ths. Chu Thành Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC giới thiệu về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Luật quy định những nguyên tắc cơ bản, phạm vi, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổ chức, hoạt động của Trung tâm Hòa giải, Đối thoại; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, Đối thoại viên; trình tự, thủ tục, xử lý kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tai Hội thảo, các ý kiến đã thể hiện nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Từ thực tế thí điểm tại địa phương, Chánh án TAND TP. Hải Phòng Nguyễn Thị Mai cho rằng cần mở rộng phạm vi hòa giải, thể hiện đúng tinh thần khi xây dựng Luật là xây dựng cơ chế pháp lý mới để các bên lựa chọn khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại, đồng thời không chồng chéo với các cơ chế pháp lý hiện hành.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đề xuất, Luật không chỉ áp dụng đối với những trường hợp đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính… mà cần áp dụng với cả những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính các bên không lựa chọn khởi kiện mà lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thẩm phán Nagahashi Masanori (Hàn Quốc) đề xuất, nên thu phí hòa giải, dù ở mức thấp để các bên tham gia có ý thức hơn; nếu lấy việc hòa giải thành hay không để làm căn cứ tính thù lao thì sẽ có nguy cơ Hòa giải viên “ép” đương sự hòa giải.

Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh Ung Thị Xuân Hương cũng cho rằng cần quy định cụ thể thù lao, lương, bảo hiểm xã hội và tính thâm niên cho Hòa giải viên, Đối thoại viên. Về thời hạn hòa giải, đối thoại cần kéo dài quá thời hạn thì phải quy định rõ là kéo dài bao lâu…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực