Cần sớm sửa đổi, bổ sung văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam

Thứ sáu, 24/11/2017 18:07
(ĐCSVN) – Ngày 24/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Báo cáo kết quả thi hành pháp luật về quốc tịch, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết: Sau hơn 8 năm thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2009) cho thấy, Luật đã phát huy tốt vai trò điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quốc tịch; tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xác định quốc tịch Việt Nam; giải quyết kịp thời các yêu cầu xin nhập, nhập trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam; tạo thuận lợi cho việc nhập quốc tịch Việt Nam đối với một số lượng lớn người không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ Việt Nam từ hàng chục năm qua; góp phần quan trọng vào việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hiện thực hóa chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước; tăng cường sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài với quê hương, đất nước.

 Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh
báo cáo kết quả thi hành pháp luật về quốc tịch. (Ảnh: TH).


Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản quy định chi tiết thi hành cũng cho thấy bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. 

Nhiều vấn đề chưa được cụ thể hóa, hướng dẫn trong các văn bản dưới Luật

Cụ thể, việc ban hành văn bản quy định chi tiết Luật khá muộn hoặc nhiều vấn đề chưa được hướng dẫn nên đã gây lúng túng cho các cơ quan trong giai đoạn triển khai thực hiện Luật; nhiều vấn đề được quy định trong Luật chưa được cụ thể hóa, hướng dẫn trong các văn bản dưới Luật hoặc tuy có hướng dẫn nhưng chưa rõ, nên dẫn đến cách hiểu khác nhau, khó khăn trong áp dụng.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật tại nhiều địa phương còn chưa cao. Việc xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng Cơ sở dữ liệu về quốc tịch chưa đáp ứng được yêu cầu…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, triển khai thực hiện Luật hiệu quả hơn, Cục trưởng Nguyễn Công Khanh cho biết: Bộ Tư pháp kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung văn bản quy định chi tiết thi hành Luật quốc tịch năm 2008. Về lâu dài, cần nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, đồng bộ về chính sách quốc tịch Việt Nam, trên cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch năm 2008.

Qua thực tế triển khai thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 trên địa bàn ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh phản ánh: Luật Quốc tịch không có quy định giải quyết mối liên hệ giữa các giấy tờ chứng minh một người có Quốc tịch Việt Nam và căn cứ để xác định một người có quốc tịch Việt Nam, điều này gây ra nhiều bất cập trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về quốc tịch. Trong khi đó, Luật Quốc tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định tổng thời gian giải quyết đối với các thủ tục hành chính về quốc tịch; chưa có quy định cụ thể về công tác tổ chức thực hiện quyết định tước quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước…

Trên cơ sở đó, kiến nghị rà soát, tổng hợp, đánh giá các quy định của Luật Quốc tịch để sửa đổi, bổ sung các quy định chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định của các luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho bà con là người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam để giải quyết các nhu cầu chính đáng. 

Nghiên cứu tinh gọn, giảm bớt đầu mối cơ quan tham gia giải quyết hồ sơ tham gia

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước nêu thực tế hiện nay quy trình giải quyết còn có quá nhiều cơ quan tham gia nên mất rất nhiều thời gian; việc giải quyết hồ sơ ở một số khâu còn chưa thực hiện đúng thời gian quy định như việc xác minh về nhân thân của cơ quan công an. Theo đó, đề nghị nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản, hiện đại, quy định thời hạn giải quyết ở từng giai đoạn cho phù hợp; nghiên cứu quy định cụ thể các cơ quan tham gia giải quyết hồ sơ theo hướng tinh gọn, giảm bớt đầu mối tham gia.

Đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng nêu khó khăn khi chưa có quy định thống nhất về việc ghi vào sổ hộ tịch đối với trường hợp trẻ em đã có quốc tịch nước ngoài; về giới hạn độ tuổi của trẻ em thuộc diện được lựa chọn quốc tịch Việt Nam khi làm thủ tục ghi vào sổ việc đăng ký khai sinh ở cơ quan hộ tịch nước ngoài. 

Thực tế cho thấy người Việt Nam định cư ở nước ngoài đa số đã rời đất nước khá lâu nên nhiều trường hợp hầu như không có giấy tờ để chứng minh có quốc tịch Việt Nam, do đó khó có thể xác minh được hoặc thời gian kéo dài hàng năm mà không có trả lời.

“Đề nghị quy định, hướng dẫn thống nhất việc lựa chọn quốc tịch của trẻ em, xác định rõ độ tuổi của trẻ em thuộc diện được lựa chọn có quốc tịch Việt Nam; xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu điện tử để thống nhất quản lý công tác quốc tịch, tạo sự liên thông giữa các cơ quan chức năng trong nước với nhau và với các cơ quan đại diện ở nước ngoài để tiện tra cứu…”, đại diện Cục Lãnh sự nói./.   

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực