Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các văn bản về phòng, chống thiên tai

Thứ hai, 05/08/2019 21:58
(ĐCSVN) – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Lê Thanh Hải cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 về phòng, chống thiên tai.

Ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV. (Ảnh: BL)

Chiều 05/8, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 phục vụ phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) cho biết, Tổng cục được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản sao cho phù hợp với các quy định của Luật khí tượng thủy văn và Luật Phòng, chống thiên tai; đảm bảo yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo ông Lê Thanh Hải, đến nay Tổng cục KTTV đã hoàn thiện các dự thảo văn bản và gửi xin ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan. Bên cạnh việc thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản, Tổng cục đã tổ chức Hội thảo tham vấn các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi tại thành phố Hà Tĩnh vào ngày 21/6/2019; Hội thảo tham vấn các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tổ chức tại thành phố Nha Trang vào ngày 25/7/2019.

Với mong muốn có thêm thông tin, tư liệu nhằm bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn bản pháp luật trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, Tổng cục KTTV tổ chức Hội thảo tham vấn các Bộ, ngành ở Trung ương. Đây cũng là diễn đàn tạo cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý cùng trao đổi kinh nghiệm, góp ý, tháo gỡ vướng mắc, bất cập nhằm  tìm ra giải pháp phù hợp để hoàn thiện hệ thống Quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội.

Để việc góp ý xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phục vụ phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả, ông Lê Thanh Hải đề nghị các đại biểu cần có sự trao đổi, thảo luận rộng rãi và thống nhất để kịp thời hoàn thiện các dự thảo văn bản pháp luật trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học đã thảo luận, trao đổi và cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên phạm vi các sông thuộc phạm vi cả nước.

Trong đó, với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên phạm vi các sông thuộc phạm vi cả nước, các đại biểu đã tập trung thảo luận về danh sách các trạm và sự phù hợp về quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ tại từng trạm.

Liên quan dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, các nhà quản lý, nhà khoa học cho ý kiến đối với việc điều chỉnh tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão gần bờ thành Tin dự báo, cảnh báo áp tháp nhiệt đới, bão khẩn cấp; bổ sung các mục về loại hình thiên tai dự báo tăng lên 12 loại hình thiên tai có quy định riêng gồm: mưa lớn, ngập lụt, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét và sạt lở đất đá do mưa lũ hoặc do dòng chảy; việc điều chỉnh chế độ truyền phát các tin thiên tai đối với các đơn vị truyền tin thiên tai; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được bổ sung trong việc dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai…

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực