Cây xanh gãy, đổ gây thiệt hại và trách nhiệm bồi thường?

Thứ ba, 18/07/2017 20:53

(ĐCSVN) - Cứ vào mùa mưa bão, liên tiếp xảy ra tình trạng cây xanh tại các đô thị lớn bất ngờ bật gốc gãy đổ, cản trở giao thông và gây nguy hiểm đến tính mạng, hư hại tài sản phương tiện của người đi đường. Vậy trách nhiệm mỗi khi sự vụ xảy ra thuộc về ai? Cần phải quy định rõ trách nhiệm khi cây xanh gãy đổ gây thiệt hại là một trong số các ý kiến mà chúng tôi ghi nhận từ các chuyên gia pháp lý.

Cây đổ gẫy đè bẹp ô tô trên phố Phan Huy Chú, Hà Nội ngày 31/3/2017. (Ảnh: vietnamnet.vn)

Những năm qua, việc cây xanh trên phố bất ngờ gẫy đổ khi trời giông bão gây nguy hiểm, thậm chí làm chết người đã không còn là chuyện hy hữu. Mới đây nhất, ngày 12/7 một vụ cây đổ đè ô tô khiến một người bị thương nặng đã xảy ra tại ngã tư Trần Quốc Thảo - Tú Xương (P.7, Q.3, TP.Hồ Chí Minh). Hồi đầu tháng 7, hai cây xanh ở khu vực quận 1, TP.Hồ Chí Minh cũng gẫy đổ, đè bẹp 2 ô tô.

Còn ở Hà Nội, sau cơn giông sáng 31/3, khiến nhiều cây xanh ở Hà Nội bị quật gãy, trong đó một cây xà cừ lớn trên đường Phan Huy Chú đã bật gốc, đè bẹp một ô tô 5 chỗ.

Trước đó, ngày 28/8/2016, một cây dầu cổ thụ nằm trên đường An Dương Vương (quận 5, TPHCM) đã bất ngờ bật gốc, đè lên 8 xe máy và 1 ô tô khiến 1 người tử vong. Ngày 26/8/2016, nhánh của một cây cổ thụ trong công viên Tao Đàn (quận 1, TP.Hồ Chí Minh) bất ngờ gẫy đè trúng và khiến một cụ bà 60 tuổi tử vong do thương tích nặng.

Và còn rất nhiều trường hợp khác cũng là nạn nhân của những hàng cây xanh xảy ra ở các địa phương. Khi “họa vô đơn chí” ập đến, người bị nạn cũng không thể “ôm cây bắt đền”. Vậy trong trường hợp này ai phải chịu trách nhiệm trước các thiệt hại?

Luật sư Nguyễn Xuân Dũng. (Ảnh: KC)

Luật sư Nguyễn Xuân Dũng – Công ty Luật Tập đoàn Hà Thành (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: Về nguyên tắc, cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, chăm sóc cây xanh phải bồi thường thiệt hại. Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 đã có các quy định liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Khi một người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản… của cá nhân hoặc pháp nhân thì phải có trách nhiệm bồi thường. Ở đây, yếu tố lỗi là điều kiện đầu tiên phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Mặt khác, khoản 3, điều 584, Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hiện nay, hầu hết cây xanh trên địa bàn các đô thị được Nhà nước giao nhiệm vụ  trồng, quản lý và chăm sóc cây cho các công ty cây xanh. Như vậy, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do cây xanh gẫy đổ có thể khởi kiện công ty để yêu cầu bồi thường thiệt hại, căn cứ vào mức độ thiệt hại gồm tài sản, tính mạng, sức khỏe... được quy định trong Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Tuy nhiên, cũng theo Luật sư Dũng, cần lưu ý trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 2, điều 584, Bộ Luật Dân sự năm 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Luật sư Phạm Thanh Tùng. (Ảnh: KC)

Cùng quan điểm, Luật sư Phạm Thanh Tùng, Văn phòng Luật sư Phạm Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) bổ sung: Cứ đến mùa mưa bão ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, dọc trên các tuyến phố có rất nhiều cây to bị gãy, đổ đột ngột gây thiệt hại cho người đi đường. Trong trường hợp này, chủ sở hữu của những hàng cây xanh thông thường là Nhà nước; còn bên chịu trách nhiệm trông coi quản lý là các công ty cây xanh.

Điều 626, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.

Theo quy định này, chủ sở hữu là người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra trong trường hợp cây xanh gãy đổ gây chết người và hư hỏng tài sản. Tuy nhiên, khi đề cập đến trách nhiệm của mình, lãnh đạo các đơn vị quản lý trực tiếp hệ thống cây xanh thường cho rằng, họ chỉ quản lý cây xanh theo đơn đặt hàng của Nhà nước và thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng (?!). Và điều quan trọng nhất ở đây, chúng ta phải xác định được nguyên nhân xảy ra để xác định lỗi cố ý hay do sự kiện bất khả kháng?

Theo lý giải của Luật sư Tùng, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (quy định tại điều 161 Bộ luật Dân sự 2005).

Một sự kiện bất khả kháng phải đáp ứng các yếu tố sau: Phải xảy ra một cách khách quan; các chủ thể liên quan không lường trước được, họ không thể biết trước về sự kiện gây thiệt hại sẽ xảy ra; khi sự kiện xảy ra, các chủ thể đã áp dụng mọi biện pháp khả năng cho phép để hạn chế thiệt hại. Chẳng hạn như lũ quét, lốc xoáy, mưa đá, sóng thần… là những yếu tố tự nhiên mà con người không kiểm soát được. Nhưng nếu bão tố đã được dự báo từ trước mà các chủ thể không có biện pháp khắc phục phù hợp thì không được coi là sự kiện bất khả kháng”, Luật sư Tùng bình luận.

Từ những căn cứ này, Luật sư Tùng cho rằng, để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ…). Nếu họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng.

Đề cập đến trách nhiệm cũng như nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng luật sư Long Tâm cho biết: Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Mức độ thiệt hại xảy ra được xác định tại các điều 608, 609, 610 Bộ luật Dân sự 2005.

Cụ thể mức độ thiệt hại về tài sản bao gồm: thiệt hại do tài sản bị mất; tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng; thiệt hại về sức khỏe bị xâm hại bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại...; thiệt hại về tính mạng…

Ngoài ra, người bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe còn được bồi thường thiệt hại về tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định đối với tính mạng và không quá 30 tháng lương tối thiểu nếu gây thiệt hại về sức khỏe.

Trường hợp không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm thì người bị thiệt hại hoặc gia đình nạn nhân có thể khởi kiện ra tòa để xác định tổ chức, cá nhân phải bồi thường để yêu cầu bồi thường.

Vẫn lời luật sư này: Những quy định nêu trên trong Bộ luật Dân sự vẫn chỉ là những quy định chung chung. Vậy nên chăng đã đến lúc cần quy định rõ ràng, chi tiết hơn vấn đề này trong một văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư… để ràng buộc trách nhiệm nghĩa vụ của các cơ quan quản lý cây xanh; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người rơi vào trường hợp không may? .

Còn Luật sư Khương Tân Phương (Đoàn luật sư TP Hà Nội) thì có quan điểm: Nếu cây xanh ngã đổ trong hoàn cảnh thời tiết bình thường, không phải sự kiện bất khả kháng và gây chết người thì đơn vị quản lý cây xanh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vì đơn vị quản lý cây xanh phải biết tình trạng “sức khỏe” của cây xanh do mình quản lý. Do đó, nếu cây ngã đổ là do khâu quản lý, chăm sóc cây yếu kém, thiếu trách nhiệm, có căn cứ để xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Với các trường hợp đã hợp đủ các yếu tố định tính để có thể coi sự việc cây đổ là sự việc bất khả kháng, phía đơn vị quản lý, khai thác là các công ty cây xanh có thể không phải bồi thường. Tuy nhiên trong khi chờ cơ quan chức năng ban hành các chế tài cụ thể, mỗi khi có sự việc xảy ra, các tổ chức cá nhân liên quan cần phối hợp với chính quyền địa phương để hỗ trợ cho các nạn nhân bị thiệt hại về người và tài sản.../.

Bài, ảnh: Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực