Chủ động, sáng tạo nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp

Thứ tư, 24/07/2019 19:38
(ĐCSVN) - Thời gian qua, các cơ quan, tổ chức đã phát huy sự chủ động, sáng tạo, thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp.

Chiều ngày 24/7, tại Hà Nội Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (2014 - 2019).

Trình bày dự thảo Báo cáo, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Đỗ Đức Hiển cho biết, thời gian qua các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp.

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các cơ quan, tổ chức đã phát huy sự chủ động, sáng tạo, thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp…

Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Ảnh: TH.


Liên quan đến công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 69/90 luật, pháp lệnh theo danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 718, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng của hệ thống pháp luật.

“Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng từng bước đưa các quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, ông Đỗ Đức Hiển khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Hiến pháp như một số nội dung của Hiến pháp đến nay chưa được cụ thể hóa hoặc cụ thể hóa chưa đầy đủ; việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp, pháp luật và việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm…

Tại Hội thảo, các ý kiến tập trung làm rõ những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Hiến pháp 2013 tại Bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, kiến nghị  các giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo thi hành Hiến pháp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, thi hành Hiến pháp sẽ là một quá trình dài nhiều năm, những điểm hiện chưa làm được thì sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới… Đối với Danh mục theo Nghị quyết 718, ông Định kiến nghị tiếp tục nghiên cứu một số văn bản và khi làm danh mục mới thì không đưa tên cụ thể của mỗi đạo luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp là báo cáo của cả hệ thống chính trị, được Bộ Tư pháp chắt lọc từ các báo cáo của các cơ quan hữu quan, phản ánh trung thực, đầy đủ và đã cố gắng khái quát tối đa để báo cáo chất lượng nhất. Bộ trưởng cam kết sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các góp ý để hoàn thiện dự thảo Báo cáo./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực