Chương trình xây dựng luật: Cần bảo đảm tính khoa học, khả thi

Thứ ba, 19/01/2010 17:33

(ĐCSVN) – Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, cần tính toán hợp lý, khoa học để bảo đảm chất lượng chuẩn bị dự án và tính khả thi của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 189/TTr-CP ngày 23.11.2009 bổ sung dự án Luật Đầu tư công và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội (QH) quyết định chủ trương đầu tư vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XII và năm 2010.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba: Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66 của QH về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư, nếu giữ nguyên tên Nghị quyết đề nghị chỉ cần sửa đổi để điều chỉnh những vấn đề bất hợp lý hiện nay. Nếu đặt vấn đề bổ sung thêm công trình, dự án đầu tư ra nước ngoài như Chính phủ trình thì phải có hai Nghị quyết mới phù hợp. Bởi vì Nghị quyết 66 là xác định công trình, dự án quan trọng quốc gia và trình Quốc hội quyết định, trong đó có các tiêu chí như vốn, diện tích chiếm đất, số lượng dân phải di chuyển và dự án đó tác động đến môi trường như thế nào thì phải trình QH. Nếu đưa cùng trong Nghị quyết thì rõ ràng là phải sửa đổi tên nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền: Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của toàn khóa đã có 2 luật này nhưng không biết lý do nào mà Chính phủ rút ra ngay từ đầu khóa, đến bây giờ lại đưa vào. Tôi đề nghị cần làm rõ việc này.

Có một khâu rất quan trọng đó là khâu liên quan đến kế hoạch, chủ trương đầu tư và thống nhất sử dụng các nguồn vốn để khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo, cắt khúc như thời gian vừa qua. Hiện nay cũng có rất nhiều nguồn vốn nhưng mỗi nguồn vốn lại quản lý theo một kiểu dẫn đến hệ quả là hiệu quả sử dụng vốn rất thấp. Nếu có Luật Đầu tư công thì sẽ giải quyết được vấn đề này, tất nhiên như thế nó sẽ điều chỉnh một số dự án luật khác nhưng sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư, chủ trương đầu tư không phù hợp.

Về Nghị quyết 66, tôi tán thành với cần sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn. Tất nhiên, nếu bổ sung vào chương trình thì khối lượng các dự án luật năm 2010 là nhiều.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình: Về Dự án Luật đầu tư công theo Tờ trình hiện nay, theo tôi phần nhiều là gom các quy định về đầu tư công ở các luật như Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư lại, có thể bổ sung thêm một số điểm. Nhưng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì luật mới không quy định các vấn đề mà luật khác đã quy định. Vậy bắt buộc lại phải bỏ, bãi bỏ rất nhiều điều khoản trong các luật khác thì các luật này có khập khiễng, có còn tính hệ thống nữa hay không?

Thứ hai, Nghị quyết 66 quy định về dự án, công trình quan trọng quốc gia do QH xem xét chủ trương đầu tư. Theo Tờ trình và tình hình thực tế hiện nay đúng là cần phải sửa. Nghị quyết về những công trình, dự án quan trọng quốc gia do QH quyết định chủ trương đầu tư, đây là Nghị quyết quy định về đầu tư trong nước. Đầu tư ra ngoài nước cũng nên có quy định nhưng quy định đến mức bao nhiêu tiền thì phải thông qua QH, dự án, công trình quan trọng quốc gia là của ta chứ không phải của nước khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Cần thiết phải điều chỉnh các quy định liên quan đến đầu tư công. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật xử lý như thế nào, đề nghị Chính phủ và Ủy ban Pháp luật phải làm rõ thêm. Đầu nhiệm kỳ khi thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì có 2 luật: một là Luật Đầu tư công, hai là Luật Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh. Như vậy bây giờ xử lý 2 luật này như thế nào? Luật Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh còn không? Tôi nghĩ phải tính dài hạn đối với 2 dự án luật này, bởi cả hai luật đều liên quan đến đầu tư bằng tiền của nhà nước, một cho lĩnh vực không kinh doanh, một là kinh doanh.

Về Nghị quyết 66, đề nghị cần xem xét để sửa đổi, bổ sung vào cho đầy đủ. Cụ thể, đề nghị vẫn giữ Nghị quyết 66 như phạm vi hiện nay đang có và bổ sung thêm một số vấn đề như Uỷ ban Pháp luật trình bày. Việc doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài có lẽ nên điều chỉnh trong Luật Sử dụng vốn Nhà nước để kinh doanh, gồm trong nước, ngoài nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung thêm dự án Luật Đầu tư công và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66. Tuy nhiên, nếu theo Tờ trình của Chính phủ, tôi thấy Luật Đầu tư công có lẽ đưa ra ở diện rất hẹp. Vì như Chính phủ đã trình bày, rõ ràng đầu tư công rất hẹp so với tài chính công. Nếu đầu tư công chỉ nói đến những khoản đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, chỉ nói đến nguồn trái phiếu, nguồn công trái thì rất hẹp, thiếu hẳn đi một mảng đó là đầu tư của Nhà nước vào các doanh nghiệp Nhà nước. Bởi rõ ràng chúng ta có một vốn rất lớn đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước, tại sao trong Luật Đầu tư công lại không nói đến chuyện này mà chỉ nói đến chuyện đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước, từ trái phiếu và công trái? Tôi đề nghị nếu như chúng ta quyết tâm xây dựng Luật Đầu tư công thì phải có thêm một phần nữa đó là phải tính cả đầu tư của nhà nước vào các doanh nghiệp cũng như vấn đề quản lý và sử dụng vốn của nhà nước ở các doanh nghiệp này như thế nào? Ở một cấp độ nữa, hiện nay đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước mà nhà nước chiếm cổ phần chi phối đầu tư vào các lĩnh vực khác có coi đó là đầu tư công không?

Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư, tại sao lại quy định về tiêu chí các dự án công trình quan trọng quốc gia đầu tư ở nước ngoài, sẽ đầu tư ở nước ngoài? Đấy là công trình quan trọng quốc gia của nước ngoài chứ. Tôi đề nghị cần xem lại vấn đề này./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực