Có nên đặt trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì?

Thứ năm, 03/06/2010 20:54

 

Sa bàn Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội
Ảnh: Chinhphu.vn

Chiều 3/6, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Các ý kiến tập trung làm rõ sự phối hợp giữa Đồ án với Quy hoạch vùng Thủ đô và các quy hoạch đang có hiệu lực thi hành,  nhiều đại biểu băn khoăn về việc đặt trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì...

Đa số đại biểu bày tỏ đồng tình với định hướng chung và cho rằng Đồ án quy hoạch được lập về cơ bản phù hợp với các văn bản pháp lý có liên quan và yêu cầu của Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của Đồ án, nhất là việc đặt Trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì, sự lãng phí khi xây dựng Trục Thăng Long, quy hoạch hành lang xanh, công tác đánh giá, dự báo...

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) bày tỏ: Để Hà Nội phát triển, quy hoạch chung phải sớm được phê duyệt để có quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Nếu quy hoạch chung không được phê duyệt sớm thì 2 quy hoạch kia sẽ chậm. Đồ án phù hợp với quy hoạch vùng Thủ đô và được thiết kế trên cơ sở hiện trạng của Hà Nội, khắc phục và đưa ra giải pháp cho những vấn đề của Hà Nội như giao thông, hạ tầng yếu kém, môi trường... 40 năm nữa, khoảng cách sẽ không còn quan trọng, đoạn đường 28km giữa trung tâm Hà Nội lên Ba Vì sẽ không còn làm người dân ngần ngại...

Đại biểu Nguyễn Đăng Kính, Phạm Thị Loan (Hà Nội), Nguyễn Thị Vân Yến (Hưng Yên), Trần Đình Đàn (Hà Tĩnh) và nhiều đại biểu khác bày tỏ băn khoăn trước ý tưởng đặt Trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì. Đại biểu Phạm Thị Loan đặt câu hỏi: Tại sao phải đưa Trung tâm hành chính lên Ba Vì? Và cho rằng khoảng cách hơn 28km đi xe máy để đi làm của một công chức vốn đang sinh sống và làm việc ở khu trung tâm Hà Nội lên tới Ba Vì là quá xa. Đại biểu Nguyễn Thị Vân Yến và Phạm Thị Loan đều cho rằng ý tưởng cán bộ sẽ đi tàu điện ngầm đi làm là quá xa vời và không thể đưa ra lý do tắc đường ở Hà Nội mà đưa trung tâm xa thế. Đại biểu Yến đề nghị nên mở rộng 2 – 3 km từ trung tâm Hà Nội.

Đại biểu Trần Đình Đàn nhấn mạnh: Trung tâm chính trị, hành chính quốc gia phải ở Ba Đình, nhất là trong khi chúng ta đã xây Hội trường Quốc hội ở Ba Đình rồi, đã dự trù khi dân trên 100 triệu người là bao nhiêu đại biểu rồi...

Các đại biểu đề nghị vẫn nên giữ Trung tâm chính trị hành chính quốc gia ở Ba Đình và làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, trong khi Trung tâm chính trị vẫn ở khu Ba Đình.

Một số đại biểu bày tỏ đồng tình với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Trục Thăng Long là một điểm nhấn quan trọng trong Đồ án quy hoạch, sẽ là một trục phát triển trung tâm của Hà Nội sau này, đặc biệt, trục này sẽ phát huy giá trị hơn khi đã hình thành Trung tâm hành chính Quốc gia và đề nghị làm rõ ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng Trục Thăng Long, nhất là cần đặt trong quy hoạch các trục giao thông chính song song và gần với Trục Thăng Long, diện tích đất nông nghiệp (đất trồng lúa) cần thu hồi để làm đường. Bởi hiện đã có khá nhiều trục song song với trục này, cụ thể là đường cao tốc Láng- Hòa Lạc, Quốc lộ 32 cách 4 km). “ Nhìn con đường chọc thẳng đến chân núi Ba Vì thì đẹp thật, thích thật nhưng quá lãng phí khi hai con đường song song cách nhau 4 km thôi”, đại biểu Vân Yến nhận định.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nhấn mạnh xây dựng Thủ đô phải thể hiện được sự kết nối văn hóa giữa hai vùng. Thành phố phải sống bằng chính người dân và nền văn hóa ấy. Các đại biểu cho rằng Đồ án phải thể hiện rõ sự phân kỳ đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, vành đai xanh... và cần cân nhắc tính đồng bộ với những quy hoạch cũ của Chính phủ, đảm bảo không gây xáo trộn và lãng phí./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực