Đại biểu Quốc hội chất vấn các Bộ trưởng nhiều vấn đề “nóng”

Thứ ba, 30/10/2018 21:33
(ĐCSVN) – Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, chiều 30/10, nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn các Bộ trưởng về các vấn đề được dư luận quan tâm như: Xây dựng nhà máy thủy điện, thủy điện xả lũ; tổ kiểm tra, giám sát công vụ của Thủ tướng; vấn đề tinh giản biên chế; nợ nước ngoài tăng nhanh…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời tại phiên chất vấn chiều 30/10. (Ảnh: BL)

Năm 2020, toàn bộ các thôn, bản khó khăn trên cả nước sẽ được cấp điện

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu vấn đề liên quan đến xây dựng nhà máy thủy điện. Theo đại biểu, diện nay, tại lưu vực sông Cả trên địa bàn Nghệ An đi qua 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông có đến 20 nhà máy thủy điện, trong đó có 8 nhà máy xây dựng xong đã đi vào hoạt động, 6 nhà máy đang xây dựng và 6 nhà máy đang quy hoạch.

Trước thực tế này, ĐB Nguyễn Hữu Cầu đặt câu hỏi, đến năm nào thì người dân có điện thắp sáng? Hơn nữa, việc xả nước lũ vừa qua của thủy điện gây thiệt hại cho dân, yêu cầu phải đền bù cho người dân.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết 62 của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa trên cả nước, để phát huy hiệu quả, bảo vệ môi trường, cũng như thực hiện đúng quy trình xả lũ, bảo đảm cuộc sống của người dân. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 43 hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, qua triển khai thực hiện rà soát, trong năm 2014, Nghệ An đã đưa khỏi quy hoạch 23 dự án, trong đó có 6 dự án trên sông Cả được đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa. Trên địa bàn Nghệ An hiện còn 42 dự án thủy điện. Còn trên cả nước đã đưa ra khỏi quy hoạch 434 dự án thủy điện nhỏ và vừa do không đáp ứng các tiêu chí.

Trong quá trình triển khai, Nghệ An thực hiện “tương đối đúng yêu cầu” của Quốc hội, hướng dẫn của Bộ, cũng như quy định pháp luật hiện hành. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Đối với cấp điện cho miền núi, nông thôn và hải đảo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, trên địa bàn Nghệ An còn một số lượng lớn thôn, bản chưa được cấp điện. Tuy nhiên, các thôn, bản này đều được đưa vào chương trình cấp điện cho miền núi, nông thôn và hải đảo theo Nghị quyết của Chính phủ. Bộ trưởng khẳng định, theo kế hoạch, đến 2020, toàn bộ các thôn, bản khó khăn trên cả nước sẽ được cấp điện từ lưới điện quốc gia, sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương trung hạn, vốn ODA, vốn viện trợ…

Đối với việc xả lũ của hồ thủy điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, mùa lũ năm 2018 là mùa lũ lịch sử, có 4 trận lũ lớn, trong đó có 2 trận lũ phải 50 năm mới có một lần. Do vậy, lưu lượng nước về hồ thủy điện Bản Vẽ là lớn nhất từ trước đến nay, trên 800m3/s. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, thủy điện Bản Vẽ tiến hành đúng quy trình xả lũ, nhưng khả năng cắt lũ của thủy điện này sau trận lũ thứ ba không thể kéo dài nữa, nên phải tiến hành xả cắt lũ trong trận lũ thứ 4. Đây là hiện tượng không thể tránh được, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói. Quá trình xả lũ đã gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, cuộc sống người dân, song thủy điện Bản Vẽ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các cơ quan, đơn vị khác đã thực hiện hỗ trợ khắc phục hậu quả.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, về nguyên tắc các thủy điện dưới 30kw/công trình đều không được đưa vào quy hoạch, còn các thủy điện khác giao địa phương rà soát. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc xả lũ trong mùa mưa lũ vừa qua đúng quy trình, không có sai phạm.

Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của doanh nghiệp

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Phạm Văn Hoà (tỉnh Đồng Tháp) nêu vấn đề: Hiện nợ nước ngoài tăng nhanh, sát "trần" 50% GDP. Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính với khoản doanh nghiệp tự vay tự trả thì rất khó kiểm soát, nếu doanh nghiệp của Nhà nước, có cổ phần Nhà nước không có khả năng trả nợ thì nợ này ai trả?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Theo Quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia gồm nợ nước ngoài Chính phủ, các khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp.

Với nợ nước ngoài của Chính phủ, vừa qua đã được cơ cấu lại theo hướng giảm dần tỷ trọng từ 60% năm 2011 xuống còn khoảng 40% cuối năm 2018; tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ mức 24% GDP vào cuối năm 2011 xuống còn 21% GDP giai đoạn 2018. Chính phủ cũng đã hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Cụ thể, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh giảm từ mức 10,9% GDP năm 2015 xuống còn 8,7% GDP năm 2018; trong đó bảo lãnh nước ngoài giảm từ mức 5,9% GDP vào cuối năm 2015 xuống còn khoảng 5% GDP vào cuối năm 2018.

Về nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp thì có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, năm 2016 tăng 25,7% so với 2015; 2017 tăng hơn 39% so với 2016. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho hay, Nghị quyết Quốc hội đã quy định không dùng ngân sách để tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và các khoản nợ của doanh nghiệp. Do vậy, trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì thực hiện phá sản theo quy định pháp luật.

Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước quản lý các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp; đề xuất giải pháp kiểm soát chặt chẽ các khoản vay này, đảm bảo nợ quốc gia trong phạm vi cho phép.

Tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung nhiều văn bản quan trọng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo Nghị quyết 56 của Quốc hội, Nghị quyết 18 và 19 của Hội nghị Trung ương 6, Bộ Nội vụ được giao điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung 4 bộ luật gồm: Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật cán bộ công chức, Luật viên chức. Cùng với đó, Bộ Nội vụ được giao sửa đổi 12 Nghị định và khoảng 30 thông tư để triển khai việc sắp xếp lại bộ máy.

Trước mắt, Bộ Nội vụ tập trung sửa đổi 2 Nghị định là Nghị định 24 và Nghị định 37 về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện, sửa đổi Nghị định 123 là cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Bộ và cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, Nghị định 10 về cơ cơ cấu tổ chức và chức năng của các đơn vị thuộc Chính phủ. Tất cả những văn bản trên phải phù hợp với Nghị quyết của Đảng.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, việc chậm ban hành các Nghị định trên là do chờ Hướng dẫn 34 của Bộ Chính trị về thí điểm hợp nhất và tổ chức lại một số cơ quan của Nhà nước và cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng có chức năng tương đồng.

Đến nay, các Nghị định này đã được trình Chính phủ và thông qua Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị 3 nội dung: Khung các cơ quan chuyên môn các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; Tiêu chuẩn, điều kiện để thành lập các đơn vị hành chính (số lượng người tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa cho từng đơn vị). Khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ ký và ban hành Nghị định 24 và Nghị định 37 về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 123 và Nghị định 10.

Việc thực hiện tinh giản đi kèm sắp xếp tinh gọn bộ máy thời gian qua có chậm do một số văn bản thể chế chậm. Bộ được giao rà soát để sửa 4 luật, 12 Nghị định và khoảng 30 Thông tư để thực hiện trước mắt và lâu dài về tổ chức bộ máy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực