Đắk Lắk quyết liệt triệt phá tín dụng đen

Thứ bảy, 29/12/2018 20:40
(ĐCSVN) - Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ tháng 10 năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã triệt phá 24 nhóm, 91 đối tượng, 21 cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh.

 

Công an thành phố Buôn Ma Thuột bắt giữ 6 đối tượng hoạt động tín dụng đen. Ảnh: BT

Theo thượng tá Bùi Trọng Tuấn, hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây diễn biến phức tạp và đang có xu hướng lan rộng đến địa bàn các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 132 trường hợp người dân tộc thiểu số tại 9/15 huyện, thị xã, thành phố tham gia tín dụng đen, không có khả năng chi trả với số tiền trên 70 tỷ đồng. Người vay tín dụng đen chủ yếu là hộ kinh doanh, người lao động, học sinh, sinh viên, thậm chí cả cán bộ, công chức. Nhiều trường hợp do vay số tiền nhiều, lãi cao không có khả năng trả nợ bị đe dọa, khủng bố tinh thần, cưỡng đoạt tài sản, phải bỏ nhà đi nơi khác, phải vượt biên trái phép…Từ tháng 10 năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã triệt phá 24 nhóm, 91 đối tượng, 21 cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, ngày 21/11, Công an huyện Ea H’leo đã phát hiện và tạm giữ 8 đối tượng là chủ 2 điểm kinh doanh thuộc chi nhánh của Công ty TNHH một thành viên tài chính Hùng Phát do Nguyễn Hữu Hùng, sinh năm 1986, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột làm Giám đốc có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; kiểm tra tại hai cơ sở kinh doanh này, lực lượng Công an thu giữ 68 hợp đồng vay tiền với số tiền lên đến hai tỷ đồng và 125 triệu đồng tiền mặt, bảy cuốn sổ họ, 1.315 tờ rơi quảng cáo cùng nhiều giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến “tín dụng đen”.  

Tiếp đó, ngày 29/11, Công an huyện Krông Pắk đã khởi tố bắt tạm giam đối tượng Đào Văn Tài, sinh năm 1996, trú tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk là nhân viên Công ty Đại Phát, trụ sở tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk do đối tượng cho vay nặng lãi đối với anh Phan Thanh Nhã, 34 tuổi, ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk và cố ý gây thương tích cho anh Nhã tỉ lệ thương tật 10%. Qua khám xét nơi ở của Tài, Công an huyện Krông Pắk cũng đã phát hiện, thu giữ 87 bộ hồ sơ với số tiền cho vay trên 3 tỷ đồng và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Gần đây nhất ngày 27/12, Công an thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã bắt một nhóm 6 đối tượng hoạt động tín dụng đen, từ nhiều tỉnh phía Bắc vào Đắk Lắk để hoạt động. Nhóm đối tượng này do Tùng cầm đầu thuê nhà tại buôn Nao A, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột để cho hoạt động “tín dụng đen”. Tại cơ quan công an các đối tượng khai nhận vào Đắk Lắk từ tháng 10/2018, đã cho 100 người dân vay với tổng số tiền trên 550 triệu đồng với mức lãi 10.000 đồng/ngày/triệu.

Đặc biệt, ngoài nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen trên địa bàn còn có các đối tượng, băng nhóm hình sự từ các tỉnh thành Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa vào địa bàn tỉnh hoạt động.

Theo thượng tá Bùi Trọng Tuấn, nguyên nhân gia tăng tín dụng đen là do người dân thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất, sinh hoạt gia đình nên đã tìm đến nguồn vốn tín dụng đen; một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số thiếu kiến thức về cách thức, vay lãi suất; các địa phương hầu như buông lỏng công tác quản lý hoạt động phát tờ rơi, quảng cáo rao vặt; tâm lý muốn vay tiền với thủ tục đơn giản, vay tiền chỉ cần chứng minh thư nhân dân, cà vẹt xe máy…nên đã mắc bẫy tín dụng đen của các đối tượng cho vay lãi nặng. Mặc dù nhiều băng, nhóm, đối tượng hoạt động tín dụng đen, đã bị triệt phá nhưng tình hình hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Ngoài việc dán tờ rơi quảng cáo, thời gian gần đây các nhóm đối tượng tín dụng đen còn sử dụng phương thức mới, mời chào, cho vay tiền qua tài khoản Zalo, Facebook và các phương tiện Internét khác, quảng cáo, lôi kéo người dân tham gia vay tiền tín dụng đen, gây khó khăn cho lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra.

Công an tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố lập Chuyên án đấu tranh với tín dụng đen; Công an tỉnh cũng mở đợt cao điểm đấu tranh tấn công trấn áp tội phạm từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/02/2019. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là rà soát, đấu tranh với các nhóm hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn toàn tỉnh; rà soát làm rõ hành vi phạm tội có liên quan đến hoạt động tín dụng đen của các nhóm đối tượng, cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản hoặc bắt người trái pháp luật để xử lý theo quy định.

Các huyện Ea Kar, thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức ra quân chấn chỉnh, bóc gỡ các quảng cáo, rao vặt trái phép tại các khu công nghiệp, tập trung đông dân cư, tuyên truyền cho người dân các nhận diện và các thủ đoạn và hệ lụy khi vay tín dụng đen. Công an tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân cần “tỉnh táo” để không vướng vào bẫy tín dụng đen. Người dân khi có nhu cầu vay vốn cần tìm hiểu kỹ thông tin về các tổ chức, cá nhân cho vay. Tiếp cận, lựa chọn các hình thức vay vốn an toàn, hợp pháp qua các hệ thống các ngân hàng. Đồng thời, không vay tiền của các nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen; khi phát hiện có người tham gia hoạt động tín dụng đen, cần tố giác với lực lượng Công an điều tra, xử lý theo quy định.

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu vay tiền của người dân tăng cao, nhất là bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, buôn vùng sâu, dịp này các đối tượng cho vay tín dụng đen cũng tăng cường mời gọi, cho vay tiền, thu hồi lãi, siết nợ gây mất an ninh trật tự tại các địa phương. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng mong rằng tình trạng cho vay tín dụng đen vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được ngăn chặn./.

Bình Trung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực